Khi ngành Giáo dục và đào tạo chưa công tâm

(Dân trí) - Công việc đổi mới giáo dục và sách giáo khoa không phải là mới. Nó được nhắc đến và rục rịch khởi động vào đúng năm đầu của thế kỉ 21 và đã được dư luận từ nhân dân cho đến Quốc hội quan tâm.

Ông Kso Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nói: “Từ năm 2000 đến nay thảo luận rất nhiều về sách giáo khoa (SGK), chương trình đổi mới (CTĐM) nhưng nay kết luận được gì, đột phá làm những gì… chưa thấy. Tôi thật hoang mang”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phàn nàn “loay hoay từ năm 2000 đến giờ, cứ nói đổi mới nhưng không biết đi đến đâu rồi”. Và vào ngày 14 tháng 4 vừa qua sau khi nghe Thứ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Nguyễn Vinh Hiển trình bày Dự án “đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông” trước Ủy ban Thường trực Quốc hội thì chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: “Các đồng chí toàn dùng khẩu hiệu… Các đồng chí nói được là CT, SGK đổi mới là được rồi. Nhưng đổi mới thế nào, làm thế nào để đổi mới thì tôi không thấy”. Nói về đề án này, ông Kso Phước cũng phê phán: “Quốc hội nếu ban hành Nghị quyết này thì chỉ trích một phần Nghị quyết Trung ương vì Nghị quyết Trung ương đã khá toàn diện…”.

Còn theo đánh giá của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên & Nhi đồng (UB VHGD TTN & NĐ) của Quốc hội trong đó 3/4 đại biểu là các nhà giáo đã kết luận Dự án đổi mới CT, SGK của Bộ GD-ĐT với mấy ý kiến tiêu biểu như. Thiếu tính khoa học, không có Tổng chủ biên chương trình, thiếu cán bộ có năng lực biên soạn, chưa tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, nhà giáo, nhân dân. Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm UBVHGD TTN & NĐ kết luận: “Bộ GD-ĐT quan niệm vấn đề hơi đơn giản”.

Trước áp lực của dư luận như vậy nên vào ngày 25/4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã chính thức xin rút nội dung thảo luận trong kì họp Quốc hội về đổi mới CT, SGK. Nhưng ngay sau đó Bộ trưởng lại xin về sớm mặc dù còn rất nhiều đại biểu phát biểu gay gắt về vấn đề này. Chỉ ngay việc về sớm của Bộ trường Luận đang lúc trao đổi về vấn đề mà Bộ GD-ĐT đề xuất chủ trì trước cơ  quan quyền lực nhất của nhà nứoc cũng chứng tỏ “sự lấy lệ, làm cho qua, né tránh dư luận” của Bộ GD-ĐT trong sự yêu cầu cấp thiết về đổi mới CT giáo dục và SGK...
 
Khi ngành Giáo dục và đào tạo chưa công tâm
Tại phiên họp lần thứ 6, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội diễn ra sáng 25/4, Bộ GD-ĐT xin rút không thảo luận về Dự thảo Đề án đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015. (Ảnh: VOV Online)

Chúng tôi cung cấp hơi dài thông tin, dư luận về dự án đổi mới CT, SGK của Bộ GD-ĐT để bạn đọc hiểu rằng. đây là một vấn đề cực kì quan trọng, nó gắn liền với sự đào tạo con người Việt Nam trong yêu cầu đáp ứng được sự đổi mới của đất nước và hòa nhập.

Trong giáo dục phổ thông, phương pháp đào tạo và SGK là hai khâu quan trọng hàng đầu của sự giáo dục. Thế hệ những người đã ở ngưỡng của tuổi 70 cho đến nay đều không thể quên những bài được in trong các cuốn “tập đọc” ở chương trình cấp 1 như:

Làng tôi, làng anh
Có lũy tre xanh
Có con vàng anh...
...Yêu làng, yêu xóm, yêu anh đi cày. 

Hay câu ca dao nổi tiếng:

Trong đầm gì đẹp bằng sen…

Nhưng năm tháng đổi thay, cảnh vật biến động. Những căn làng bị đô thị hoá đã làm mất đi tre, sen… Các cháu học sinh không còn khái niệm về những cây cỏ, sự vật như chúng tôi. Nhưng cái đáng nói hơn nữa là nền giáo dục của chúng ta hiện nay đang có quá nhiều hiện trạng tạo ra sự kém hiệu quả trong giáo dục, chất lượng đào tạo suy giảm gây ra sự bức xúc, kém hứng thú trong học hành và giảng dạy từ học sinh, nhà trường, xã hội. Nếu đứng từ góc độc chuyên môn thì thấy trình độ giáo dục của Việt Nam ta đang tụt hậu chẳng những so với thế giới mà còn so với các quốc gia khu vực. Bệnh nhồi nhét kiến thức một cách thụ động, biến học sinh thành những rô bốt, ngựa thồ theo kiểu “đọc - chép” hay khá hơn là “nhìn - chép”, chỉ nặng về dạy kiến thức mà quên việc dạy, đào tạo nhân cách làm người. Phía giáo viên thì mất dần tình yêu sư phạm, chỉ chăm chắm vào việc dạy thêm kiếm tiền. Đối với ngành GD-ĐT thì ngoài việc nghĩ ra các cách bung ra các dịch vụ, các kiểu đóng góp từ học sinh, phụ huynh để tăng thu nhập cho giáo viên thì căn bệnh thành tích đã trở thành trầm trọng với những chỉ tiêu áp đặt từ trường giỏi, lớp giỏi, đến tỉ lệ học sinh đỗ… đã đẩy giáo dục ở Việt Nam đến tình trạng mặc dù trường lớp chỗ này, chỗ khác được xây dựng khang trang hơn nhưng “trò không ra trò, thầy cũng không xứng thầy”…

Công bằng mà nói ngành GD-ĐT đã nhìn thấy vấn đề này từ lâu. Và cũng đã có nhiều cố gắng để thoát khỏi tình trạng này. Vì thế nên sau thời gian chuẩn bị đến năm học 2006 - 2007 ngành GD-ĐT đã khởi đầu cho kế hoạch ba năm (tính đến năm học 2008 - 2009) thực hiện CT đổi mới, SGK Trung học phổ thông. Cũng theo báo cáo của Bộ GD-ĐT thì sau ba năm triển khai chương trình này ngành đã đạt được một số kết qủa như bám sát được mục tiêu GD cấp học; môn học đã có tính chính xác, khoa học, hiện đại và cập nhật trình độ GD ở các nước phát triển trong khu vực; phù hợp với tâm, sinh lý học sinh; đáp ứng được tính phổ thông và nâng cao; đảm bảo được tính liên thông giữa các môn học… Nếu những đánh giá này của ngành GD-ĐT sau ba năm học (từ 2007 - 2009) thực hiện CT đổi mới được ghi nhận trên thực tế thì tôi tin chương trình này sẽ được phát huy và hoàn chính cho bản đề án đôi mới CT-SGK do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trình Quốc hội trong ngày 14/4 vừa qua. Nhưng tiếc thay, phải chăng báo cáo này vẫn chỉ là một biểu hiện của căn bệnh thành tích “viết báo cáo hay hơn việc làm”. Từ năm 2009 đến nay ngành GD-ĐT đã trải qua một nhiệm kì 5 năm, bốn năm học đã kết thúc nhưng chất lượng GD-ĐT cũng như nhiều mặt trong các trường phổ thông các cấp của nước ta chẳng những không phát triển mà dường như lại có dấu hiệu đi xuống. Việc học thêm, dạy thêm vẫn không suy giảm. Gánh nặng SGK cả nghĩa đen và nghĩa bóng vẫn đè nặng lên học sinh từ lớp một đến lớp 12. Chính vì thế nên ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường của Quốc hội mới đề nghị ngành GD-ĐT hay “biến những gì phức tạp dạy cho các em thành đơn giản để các em có thời gian học về nhân cách, về những thứ các em quan tâm và thích thú”.
 
Áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 theo cả ba cấp.

Tôi đã đọc khá kĩ 23 trang gồm bốn mục lớn của Dự án đổi mới CT và SGK của Bộ GD-ĐT, cũng nhận ra những nhựơc điểm về sự chung chung, thiếu cụ thể cho một hành động, phương hướng chiến lược của một dự án quan trọng. Nội dung sơ sài, thiếu mục tiêu cùng những biện pháp thiếu thỏa đáng. Phải chăng chính vì nội dung bản dự án như vậy nên phần đề xuất tài chính dành cho dự án mà Bộ GD-ĐT đưa ra là 34.000 tỉ đồng đã tạo ra một bức xúc lớn cho các nhà chuyên môn và cho xã hội. Đưa ra số tiền khổng lồ này người ta có cảm giác ngành GD-ĐT đang dẫm vào tệ nạn coi “ngân sách - tiền đóng thuế của dân” như một thứ bổng lộc, tiền chùa ai nhanh tay, khôn ngoan thì giành được bất chấp tính toán, hiệu quả và những hệ luỵ khi nhà nước phải chi ra số tiền khổng lồ này. Giáo sư Hoàng Tụy - một nhà giáo lớn đã thốt lên: “Tôi thật sự sốc khi nghe tin Bộ GD-ĐT báo cáo Ban Thường vụ Quốc hội cần đến số tiền 34.000 tỉ đồng để thực hiện việc biên soạn CT và SGK… Chỉ cần chi tiết từng khoản tiêu dùng cho từng mục công việc sẽ thấy sự bất hợp lý ở đâu và đến mức nào”. Phó Giáo sư Văn Như Cương - một nhà giáo đầy kinh nghiệm thì tính toán một cách chi ly “nếu như ông được giao nhiệm vụ chủ biên viết SGK” thì ông tính tất cả chi phí một cuốn SGK chỉ mất khoảng 100 triệu. Một lớp có khoảng 13 môn như hiện nay số tiền dành cho biên soạn SGK là 1,3 tỉ. 12 bộ cho 12 lớp mất từ 34 - 36 tỉ. Phó Giáo sư còn lường cả sự “chi phí cao, cùng sự làm tròn “ thì cả bộ SGK của 12 lớp chỉ mất khoảng 100 tỉ tức chỉ bằng 3/1.000 số tiền "khủng" mà Bộ GD-DT đưa ra trình Quốc hội.

Từ tình trạng thiếu cụ thể của nội dung đề án đổi mới GD và SGK đến những ý đồ phi thực tế trong việc tính toán ngân sách dùng cho đề án này có thể thấy ngành GD-ĐT vẫn chưa có những nỗ lực thật sự, khoa học và cả công tâm trong việc thực hiện mục tiêu cao cả mà Đảng, nhà nước và nhân dân ta đang thực sự coi là mục tiêu hàng đầu. Đó là đào tạo và xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mở cửa và hòa nhập.

Nhà văn Nguyễn Hiếu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm