Đắk Nông:
Nợ giáo viên gần 900 triệu đồng tiền dạy ngoài giờ: Đã chi trả 1 phần
(Dân trí) - Sau khi báo Dân trí phản ánh về tình trạng nợ giáo viên gần 900 triệu tiền dạy ngoài giờ, Phòng GDĐT huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) đã gửi báo cáo cho biết chi trả được hơn 250 triệu đồng cho giáo viên.
Báo Dân trí đã có bài viết “Nợ giáo viên gần 900 triệu đồng tiền dạy ngoài giờ” đăng ngày 3/11/2015 phản ánh tình trạng giáo viên của 7 trường học trên địa bàn huyện Đắk Song, Đắk Nông bị nợ gần 900 triệu đồng tiền dạy tăng, thay tiết. Theo báo cáo mới nhất của Phòng Giáo dục huyện Đắk Song, hiện đã chi trả được 266.400.000 cho giáo viên.
Theo báo cáo số 93/BC-PGDĐT do bà Trưởng phòng Giáo dục Nguyễn Thị Hương ký, trong 2 năm học 2012-2013 và 2013-2014, huyện đã chi trả được hơn 500 triệu đồng tiền dạy tăng thay tiết cho giáo viên. Số trường chưa được chi trả, bà Hương vẫn khẳng định là do các trường nộp hồ sơ không đúng hạn quy định, quá trình quản lý điều hành nguồn ngân sách sự nghiệp của ngành có nhiều khó khăn, số kinh phí chưa đủ để bố trí chi trả…
7 trường chưa được chi trả tiền dạy gồm Lê Đình Chinh, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Chí Thanh, Kim Đồng, Trần Quốc Toản, Nguyễn Văn Trỗi. Số liệu báo cáo của phòng giáo dục huyện cho biết đã có 3 trường là: Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Văn Trỗi tự cân đối thu chi trong nguồn tài chính tự chủ của đơn vị để trả cho giáo viên 266.400.000.
Về hướng xử lý vấn đề này, lãnh đạo Phòng Giáo dục cho rằng các trường phải tiếp tục tự cân đối, tiết kiệm thu chi để trả cho giáo viên. Bên cạnh đó đề nghị huyện cân đối ngân sách địa phương cấp bổ sung kinh phí đối với những trường khó khăn không thể tự chi trả cho giáo viên.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thân, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song: sau phản ánh của báo chí về tình trạng nhiều giáo viên tại xã Thuận Hạnh và một số xã khác bị nợ tiền tăng thay từ năm học 2012 – 2013, và học kỳ I năm học 2013 – 2014, UBND huyện đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo làm báo cáo cụ thể. Quan điểm của UBND huyện là phải giải quyết dứt điểm tình trạng nợ tiền tăng thay giáo viên, bởi đây là nguồn thu nhập chính đáng mà các thầy cô được hưởng; đồng thời trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng chậm trễ cũng sẽ được xử lý đến nơi đến chốn.
Đức Cường