Đắk Nông:

Nợ giáo viên gần 900 triệu tiền dạy ngoài giờ

(Dân trí) - Trong khi hàng chục giáo viên đứng lớp giảng dạy tăng, thay tiết của 7 trường học trên địa bàn xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, Đắk Nông đang hoang mang không biết công sức lao động của họ sẽ đi về đâu thì lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện lại trả lời một cách thoái thác, đổ lỗi cho nhau.

 

Sau 3 năm dạy, giáo viên vẫn chưa nhận được tiền dạy thêm giờ

Theo thông tư liên tịch số 07/2013 của liên Bộ GDĐT-BNV-BTC về hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với giáo viên thì các cơ sở giáo dục công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, từ năm học 2012-2013 và học kỳ 1 năm học 2013-2014, hàng chục giáo viên của 7 trường ở các bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở xã Thuận Hạnh đến nay vẫn chưa nhận được khoản tiền này.


Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, Đắk Nông) chưa nhận được tiền dạy tăng, thay tiết.

Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, Đắk Nông) chưa nhận được tiền dạy tăng, thay tiết.

 

Sự việc này khiến nhiều giáo viên rất bức xúc, thắc mắc, kiến nghị yêu cầu lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Đắk Song trả lời nhiều lần nhưng Phòng này luôn thoái thác trách nhiệm, đổ lỗi tại các trường làm chậm.

Cô V.T.N, giáo viên một trường tiểu học không được chi trả tiền dạy cho biết: “Các giáo viên đứng lớp dạy thêm đầy đủ theo sự phân công sắp xếp của ban giám hiệu nhà trường. Việc chi trả lương đã được nhà nước quy định rõ nhưng số tiền của 2 năm học 2012-2014, sau 3 năm dạy, giáo viên chúng tôi vẫn chưa nhận được một đồng nào là tại sao!”.

Tương tự, cô N.T.A phản ánh, tiền dạy tăng, thay tiết của cô từ những năm học trước lên đến hàng chục triệu đồng chưa được trả. Khi hỏi thì lãnh đạo Phòng Giáo dục lại trả lời hiệu trưởng phải tự cân đối thu chi để trả. Trong khi ngân sách hàng năm rót về trường rất ít thì đến bao giờ giáo viên mới đòi được quyền lợi?

Trong buổi PV làm việc với Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Đắk Song, bà Trưởng phòng Nguyễn Thị Hương một mực khẳng định: “Phòng đã làm hết trách nhiệm, lỗi của vấn đề này là do lỗi của các trường!”.

Lãnh đạo ngành vẫn đổ lỗi cho nhau

Về nguyên nhân của việc này, bà Hương cho rằng do các trường tự ý mở thêm lớp, nộp hồ sơ chậm, không kịp thời gian để kế toán phòng báo cáo về huyện xin ngân sách.

Khi được hỏi việc mở thêm lớp khi chưa được phép diễn ra trong một thời gian dài (1 năm rưỡi) thì Phòng có kiểm tra và nắm bắt được tình trạng trên hay không. Bà Hương cho biết một năm theo kế hoạch thanh kiểm tra thì chỉ thanh tra 20% đơn vị nên có những cái mình không thể năm bắt được hết!

Bà trưởng phòng chắc chắn rằng trong các cuộc họp giao ban hiệu trưởng, công đoàn gần đây nhất bà có đến dự thì không nghe ý kiến nào phản ánh về vấn đề này nên nghĩ rằng các trường đã giải quyết xong!

Tuy nhiên, cũng tham gia cuộc họp, bà Trần Thị Thanh, Chủ tịch Công đoàn Phòng Giáo dục Đào tạo Đắk Song lại khẳng định vẫn có 2 ý kiến từ các trường phản ánh và cho biết bà Hương có trả lời. Sau đó bà Hương lại “chữa cháy”: “Có thể lúc đó tôi đi ra ngoài nên không biết có ý kiến về vấn đề này”.

Không hiểu sao bà Trưởng Phòng Giáo dục không nghe ý kiến của giáo viên mà vẫn trả lời được?

PV đề cập đến quyền lợi chính đáng của những giáo viên dạy tăng, thay tiết, bà Hương cho rằng các trường phải tự cân đối thu chi và yêu cầu các hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm chi trả cho giáo viên chậm nhất là trong năm học 2015-2016. Về căn cứ pháp lý của yêu cầu này, bà Hương cho biết trong các cuộc họp giao ban hiệu trưởng đã nói nhưng khi PV đề nghị được xem biên bản cuộc họp thì Phòng lại bảo không tìm ra.

Vấn đề Phòng Giáo dục yêu cầu các trường phải tự cân đối thu chi để trả cho giáo viên, thầy Phan Duy Hòa, hiệu phó Trường tiểu học Kim Đồng cho rằng rất khó khăn vì số tiền chi thường xuyên hằng năm của trường ít trong khi số tiền chi trả cho giáo viên lại quá nhiều. Cụ thể tiền nợ các giáo viên trường Kim Đồng là 186 triệu thì trường ko thể tự cân đối.

Trong khi PV đưa những khó khăn trong việc tự cân đối ngân sách của các trường, bà Hương lại nói: “Các trường phải tận dụng các nguồn xã hội hóa để chi trả chứ Phòng chịu vì không có nguồn”.

Điều đáng lưu ý là khi các trường gửi hồ sơ báo cáo dạy tăng, thay tiết thì tất cả được ông Phùng Văn Hiệu Phó Phòng Giáo dục huyện duyệt toàn bộ. Bà Hương lại cho rằng để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên thì vẫn chỉ đạo duyệt hình thức nhằm tổng hợp số tiền để xin huyện.

Vậy thì tính pháp lý của văn bản, chữ ký, con dấu của một cơ quan nhà nước ở đây đang được thực thi như thế nào?

Về việc cho rằng các trường nộp báo cáo muộn, bà Hương cho biết, theo quy định thì chậm nhất 5/10 các trường phải nộp hồ sơ báo cáo về phòng để duyệt nhưng các trường không chịu làm đúng hạn. Tuy nhiên, theo hồ sơ mà chúng tôi tìm hiểu được lại không như vậy.

Cụ thể như báo cáo tháng 8, 9 của năm học 2012-2013, các trường đã nộp báo cáo về huyện từ tháng 7/2013 và được ký duyệt, bà Hương lại cho rằng đó là do lỗi của bộ phận chuyên môn không phối hợp với kế toán trường khiến hồ sơ bị ngâm, trong khi trước đó bà Hương vẫn khẳng định Phòng Giáo dục làm hết trách nhiệm và lỗi là do các trường!

846 triệu đồng tiền công sức lao động chính đáng của giáo viên vẫn chưa biết đến khi nào mới được chi trả. Còn những người quản lý có trách nhiệm thì kết luận vẫn phải chờ và chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm! Trách nhiệm, thời gian và khả năng chi trả vẫn rất “mông lung” và hàng chục giáo viên xã Thuận Hạnh sẽ phải hứng chịu “màn chờ” giải quyết của các cấp lãnh đạo ngành Giáo dục.

Đức Cường

 

Dòng sự kiện: Nợ tiền giáo viên