Những tình huống trớ trêu nhất kỳ thi ĐH 2007
(Dân trí) - Không có gì đột biến, không có sự vụ nào nghiêm trọng xảy ra trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay là đánh giá bước đầu của Bộ GD-ĐT. Dù vậy, đã xảy ra khá nhiều tình huống dở khóc dở cười mà “tác giả” của nó là cả thí sinh và giám thị.
Dưới đây là tổng hợp của Dân trí về 6 tình huống tạm coi là trớ trêu nhất trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2007:
1. Điện thoại “phản chủ”
Tại Hội đồng thi của ĐH Thương mại, TS Bùi Xuân Nhạ, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã rất ngậm ngùi khi phải quyết định đình chỉ một thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi trong một tình huống rất oái oăm: Chiếc điện thoại di động đã bình yên trong túi quần thí sinh và lẽ ra nó cũng sẽ bình yên cùng “khổ chủ” để rời khỏi phòng thi nếu như không gặp phải một cơn gió làm bay tờ giấy thi và thí sinh đó đã tiện tay rút điện thoại lên để... chặn bài. Dù điện thoại tắt nhưng biên bản vẫn phải lập vì quy chế là quy chế!
Còn ở ĐH Ngoại thương, có trường hợp thí sinh đã nộp bài. Cứ tưởng thế là... xong. Ngay trong phòng thi, thí sinh này đã vô tư rút điện thoại trong túi ra gọi khoe với người thân rằng mình làm bài rất ổn!
Điện thoại “phản chủ” là một trong những lý do khiến thí sinh bị đình chỉ thi nhiều nhất. Tại An Giang, một thí sinh bị phát hiện có chuông điện thoại đổ ngay trong những phút cuối làm đề thi. Cuộc điện thoại oan nghiệt này là do gia đình chờ ngoài sốt ruột quá nên gọi điện thoại... hỏi thăm!
2. Loạn máy tính điện tử cầm tay
Tình huống hài hước nhất kỳ thi ĐH 2007
Có lẽ đó chính là trường hợp của thí sinh thi vào ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Không dám ra mặt phản đối việc gia đình cứ ép mình phải dự thi ĐH, thí sinh này đánh lạc hướng bằng cách vẫn đi dự thi như thường nhưng sau đó trốn vào nhà vệ sinh trong khu vực thi để ngồi, suy ngẫm và tranh thủ nghỉ ngơi đợi hết giờ thi.
"Âm mưu" này bị phá sản và em đã suýt bị công an bảo vệ trường thi bắt vì nghi vấn gian lận! |
FX 95, FX 220, FX 500A, FX 500 MS và FX 570 MS... có tới 14 loại máy tính điện tử cầm tay được phép mang vào phòng thi được niêm yết theo danh sách chính thức. Dù vậy, tranh cãi vẫn nổ ra giữa sĩ tử và giám thị khi giám thị luôn ngờ ngợ... nghi và sẵn sàng tước quyền sử dụng loại công cụ tối ích này của thí sinh ngay lập tức.
Chẳng hạn như tại cụm thi Quy Nhơn, phòng thi 01, điểm thi Trường THCS Lương Thế Vinh (26 Lê Quý Đôn), thí sinh Lê Thị Diệu Hiền (SBD: NLSA-47343, thi vào Trường Đại học Nông lâm TPHCM) đã bị “quản thúc” khi chiếc máy FX 570 ES bị giám thị phòng thi quả quyết nhận định là “vật cấm” nên thu lại. Báo hại Diệu Hiền đã phải cùng 3 thí sinh khác giải bài bằng hình thức... tính nhẩm!
3. Khi giám thị và thí sinh cũng... nghễnh ngãng
Sáng buổi thi môn Toán 4/7, tại điểm thi THPT Nguyễn Trường Tộ (TP Vinh) khi đã làm bài thi được một thời gian ngắn, một giám thị ở phòng thi 188 yêu cầu các thí sinh nộp những tờ giấy nháp mang từ bên ngoài vào. Một thí sinh nghe không rõ đã nộp tờ giấy thi số 1 của mình, còn giám thị đang đà xử lý giấy nháp nên đã dùng bút đỏ gạch chéo giữa bài thi của thí sinh này.
Cuối buổi thi, thí sinh mới nhớ ra tờ giấy thi số 1 của mình và mới “ngã ngửa” người vì biết tờ giấy đã “được” khai tử. Sau một hồi khiếu nại, cuối cùng sự việc cũng được giải quyết khá êm đẹp khi bài thi được niêm phong và sẽ chấm công khai.
Số giám thị xử lý kỷ luật trong kỳ thi này vì những lỗi “nghễnh ngãng” như trên cũng phải kể đến con số... vài chục. Nào là do đeo nhầm phù hiệu như ở ĐH Luật Hà Nội, bóc đề thi sớm trước 5 phút ở ĐH Cần Thơ, ĐH Văn hoá TPHCM, lang thang ngoài hành lang như một giám thị ở một hội đồng tuyển sinh của Bộ Quốc phòng...
4. Quá “tiết kiệm” nên... khổ
Tại nhiều hội đồng tuyển sinh, Ban chỉ đạo luôn tính toán sao cho khỏi lỗ nhất vì sợ thí sinh ảo. Như tại ĐH Kinh tế quốc dân, năm nào trường cũng chỉ nhất quyết đi thuê phòng và in đề chỉ cho nhiều nhất là 80% thí sinh trong tổng số thí sinh đăng ký dự thi. May mắn là năm nay, trường này không có sự cố gì vì số thí sinh dự thi tại trường chỉ đạt có trên 60%.
Nhưng may mắn kiểu như vậy lại không đến với ĐH Y Dược TPHCM và trong chiều 9/7, do lượng thí sinh tăng đột biến nên một số điểm thi của trường... thiếu đề thi cục bộ.
Chủ tịch Hội đồng thi đành quyết định dừng thời gian bóc đề chậm 15 phút so với thời gian quy định để điều động đề thi từ nơi này qua nơi khác, mang đề thi dự trữ đến.
5. Phép vua thua lệ làng
Mặc dù quy chế của Bộ GD- ĐT đã ghi rất rõ cấm mọi phương tiện thu phát trong khu vực diễn ra thi. Nhưng tại điểm thi THCS Nguyễn Công Trứ (của hội đồng thi Trường ĐH Hoa Sen, TPHCM) một công an làm nhiệm vụ bảo vệ kỳ thi vẫn mang điện thoại di động bên người với lý do là văn bản của Công an quận Gò Vấp cho phép cán bộ mang điện thoại di động vào khu vực thi!
Ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng - Giám đốc Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT TPHCM cho biết: “Bộ GD-ĐT đã phải có ý kiến với Công an TPHCM để có cách giải quyết tốt nhất”.
6. “Xỉu” vì thời trang
Trong 4 ngày thi, do thời tiết quá nắng nóng cộng với tâm lý dự thi cực kỳ căng thẳng, nhiều thí sinh đã xỉu ngay trong khi làm bài nên phải bỏ dở giữa chừng. TPHCM là nơi tập trung nhiều thí sinh bị xỉu nhất.
Trường CĐ Kỹ thuật TPHCM có hai thí sinh phải xuống phòng y tế trong giờ thi. Một thí sinh phải nghỉ 30 phút mới quay trở lại phòng thi. Thí sinh còn lại mất đến 1 giờ đồng hồ để nghỉ.
Một thí sinh nam thi tại trường ĐH Tây Nguyên chỉ làm bài được khoảng 1 tiếng đồng hồ. Sau đó vì lý do sức khoẻ, em đã phải nghỉ ngơi tại phòng y tế cho đến hết giờ làm bài. Một thí sinh thi Trường ĐH Y Dược TPHCM bị ngất xỉu phải đi cấp cứu tại Trung tâm y tế Quận 6....
Nhưng cũng có thí sinh đã xỉu chỉ vì... thời trang như trường hợp của thí sinh Bích Uyên (Vĩnh Long), bị ngất xỉu tại điểm thi trường Lương Thế Vinh, TP Cần Thơ. Nguyên nhân chính là do em mặc áo bó quá nên... ngạt. Trước khi vào phòng thi, Bích Uyên đã than với bạn rằng rất khó chịu vì áo chật quá!
M.M (tổng hợp)