Nhiều thí sinh “bó tay” với đề tiếng Anh
Sáng nay, nhiều thí sinh thi khối D ở Hà Nội và TPHCM ra về với tâm trạng khá nặng nề, vì bài làm khó đạt điểm trung bình. Theo các em, đề tiếng Anh nhiều phần đọc hiểu, nhiều từ mới và cấu trúc phức tạp.
Thu Nguyệt thi ĐH Ngoại thương Hà Nội cho rằng, đề tiếng Anh hơi dài. Năm ngoái có 70 câu gồm 2 bài đọc hiểu nhưng năm nay lên đến 80 câu có tới 4 bài đọc hiểu. Ngữ pháp ít mà nhiều từ mới.
Tại TPHCM, Nguyễn Thế Hưng, thi ở TPTH Trưng Vương, học khá, có mẹ là giáo viên dạy môn Anh, khá thoải mái trước khi vào thi nhưng sau giờ thi, trở nên mất tự tin. "Đề có cấu trúc động từ và giới từ lạ, lần đầu gặp nên em không hiểu, cầu mong điểm không quá kém", Hưng nói.
"Đề tiếng Anh năm nay khó hơn năm ngoái, em chọn đáp án theo cảm tính là chính", Phạm Thị Minh Thư, thi tại trường Ernest Thalman, than thở.
Môn tiếng Anh thi đại học phổ biến điểm 4-5
Đề đã phân loại được học sinh trung bình và khá giỏi tương đối tốt, điểm 9 và 10 sẽ ít, thạc sĩ Chu Thị Thu Lan, TPHT Chuyên ngữ Đại học Ngoại Ngữ, ĐHQG Hà Nội, chuyên gia cổng luyện thi QuickHelp.vn nhận định về đề thi tiếng Anh.
Theo cô Lan, cấu trúc đề rõ ràng, mạch lạc. Chỉ dẫn các phần rất dễ hiểu, giúp thí sinh hiểu đúng yêu cầu của đề thi. So với đề năm 2006, đề năm nay có nhiều cải tiến, đặc biệt về số lượng câu hỏi trong đề thi, thí sinh sẽ không lúng túng khi lựa chọn số lượng câu hỏi phải trả lời.
Phần kiến thức cơ bản đã đảm bảo đúng nội dung chương trình SGK mà học sinh có học lực trung bình cũng có thể làm được. Tuy nhiên, câu hỏi của bài đọc (từ 71 đến 80) so với chương trình phổ thông đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng tốt về đọc hiểu, mà điều này ở chương trình phổ thông chưa được chú trọng do điều kiện khách quan về từ vựng và cách đặt câu.
Theo Vnexpress