Những thí sinh cao tuổi vùng biên: Đi thi THPT quốc gia để làm gương cho con cháu

(Dân trí) - Các con thường động viên: “Mẹ cứ tự tin sẽ làm được, sẽ chiến thắng”. Chị Hà Thị Oanh (dân tộc Tày, 45 tuổi) ở Văn Lãng (Lạng Sơn) nhắc lại lời của các con trong nụ cười tươi rói như một lần nữa củng cố niềm tin và tinh thần sẵn sàng vượt qua kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Không phải những học sinh cấp 3 trong màu áo trắng, những thí sinh người Tày tuổi ngoài tứ tuần gương mặt rạng rỡ trò chuyện, động viên nhau điểm thi trường THPT Văn Lãng (Khu Vi Na Sầm, Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) trước giờ trống điểm.

Những thí sinh cao tuổi vùng biên: Đi thi THPT quốc gia để làm gương cho con cháu - 1
Có mặt tại điểm thi từ sớm, chị Hà Thị Oanh (dân tộc Tày, 45 tuổi) tươi cười rạng rỡ, tâm thế sẵn sàng.

Là người dân tộc Tày, chị Hà Thị Oanh (sinh năm 1974) tâm sự, chị ở Thanh Khê, Văn Quan, Văn Lãng và đang công tác ở xã. Kỳ thi THPT quốc gia 2019, chị Oanh quyết tâm đi thi để lấy bằng cấp 3. Hai con của chị (một trai, một gái) theo học Đại học Sư phạm Hà Nội và đã tốt nghiệp ra trường.

Mỗi ngày, người phụ nữ Tày cố gắng dành thời gian ôn luyện tài liệu của nhà trường. Chị kể: “Với tuổi của chị bây giờ rất khó khăn trong việc học tập, nhất là khi chương trình mới có nhiều đổi mới. Chị cố gắng lắm. Các con luôn động viên mẹ: “Mẹ cứ tự tin sẽ được, sẽ chiến thắng." Các con có cho chị vài quyển sách để ôn luyện”.

Chị Oanh đi học hơn 30km từ nhà đến trường. Mỗi tuần học 3 ngày (thứ 6, thứ 7, chủ nhật) trong 1 năm qua tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Thí sinh 45 tuổi này cho biết, trước đây chị học hết lớp 5, sau đó đi học ở trường Bồi dưỡng cán bộ phụ nữ Trung ương 3 năm. Học 1 năm văn hóa, chị lại vào học Trung cấp công tác xã hội và sau khi ra trường thì vào xã công tác. Bước đầu chị làm bên Phụ nữ trước, sau thì chuyển sang Mặt trận; đến nay đã có thâm niên tổng cộng gần 10 năm.

Chị Oanh cho biết thêm, lớp của chị có 9 người có tuổi. “Trong đó có 2 bác cao tuổi nhất. Bác Tài sinh năm 1965, bác Cương sinh năm 1974”, chị nói.

Những thí sinh cao tuổi vùng biên: Đi thi THPT quốc gia để làm gương cho con cháu - 2
Anh Lương Văn Quỳnh, chị Hà Thị Oanh và bác Nông Văn Tài (từ trái qua phải) mang tâm trạng hồi hộp xen lẫn hào hứng trước giờ thi.

Hàng ngày lên lớp các anh chị vẫn động viên nhau “chúng ta cùng cố gắng”.

Với việc đi thi THPT quốc gia, chị Oanh có thông điệp muốn gửi đến các bạn trẻ người dân tộc thiểu số, ở vùng có nhiều cản trở trong tiếp cận giáo dục tri thức rằng: “Còn tuổi trẻ thì phải cố gắng phấn đấu học hỏi”.

Nữ cán bộ xã hồi hộp và cũng tự tin sẽ chiến thắng.

Cầm Atlat Địa lý và giấy đăng ký dự thi trước cửa phòng thi, bác Nông Văn Tài, sinh năm 1965 (54 tuổi) chia sẻ, bác hiện vẫn đang công tác nhưng đã sắp nghỉ hưu. Con cái đã lớn và đi học hết rồi.

Khi được hỏi về động lực và lý do bỏ thời gian, công sức ôn luyện đi thi, bác cười giản dị: “Lý do đơn giản lắm, xuất phát từ mong mỏi học tập để hoàn thiện tri thức của chính mình thôi. Mình cố lấy được bằng rồi sau đó… nghỉ hưu”.

Anh Lương Văn Quỳnh, dân tộc Tày (sinh năm 1981) cũng là học sinh lớp 12B của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên ở Văn Lãng. Người đàn ông 38 tuổi tâm sự, anh muốn đi thi để làm gương cho các con, các cháu. “Theo đuổi tri thức không bao giờ là quá muộn”, anh nhấn mạnh.

Những thí sinh cao tuổi vùng biên: Đi thi THPT quốc gia để làm gương cho con cháu - 3

Điểm thi trường THPT Văn Lãng (Lạng Sơn) còn nhiều trường hợp thí sinh lớn tuổi đi thi THPT quốc gia 2019.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn, Phó Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 của tỉnh Lạng Sơn cho hay: “Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có tổng số 20 điểm thi, 373 phòng thi. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi 8.832, trong đó có 7.678 thí sinh là người dân tộc thiểu số.

Trong quá trình dự thi số học sinh bỏ thi không nhiều (khoảng hơn 20 thí sinh, là các thí sinh tự do).

Ngành tham mưu cho tỉnh trang bị chỉ đạo toàn bộ nơi giao nhận đề thi, nơi thi môn trắc nghiệm và tự luận lắp toàn bộ camera. Chúng tôi phối hợp các sở ngành, đặc biệt là Công an, để tăng cường lực lượng an ninh bảo vệ vòng ngoài, vòng trong, đề và bài thi. Lực lượng này đảm bảo an ninh ngoài phòng thi cũng như lực lượng công an giao thông để phân luồng cho các thí sinh."

Những thí sinh cao tuổi vùng biên: Đi thi THPT quốc gia để làm gương cho con cháu - 4
Những thí sinh lớn tuổi không ngại cắp sách “vượt vũ môn” cùng các thí sinh bằng tuổi con, tuổi cháu mình.

Sáng 27/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 cùng đoàn công tác đến kiểm tra công tác coi thi tại 3 điểm thi (trường THPT Văn Lãng, trường THPT Cao Lộc và trường THPT Hoàng Văn Thụ) của Hội đồng thi tỉnh Lạng Sơn, làm việc với Ban chỉ đạo thi của tỉnh. Tại các điểm thi, công tác chuẩn bị đều rất chu đáo, an ninh trật tự được đảm bảo, các thí sinh nghiêm túc làm bài.

Gặp các thí sinh lớn tuổi dự thi, trong đó có người đã gần 60 tuổi, Thứ trưởng Lê Hải An đã đến trò chuyện, động viên các thí sinh. Thứ trưởng cho rằng đây là sự nỗ lực rất lớn, là tấm gương học tập suốt đời cho con cháu học tập, truyền cảm hứng vươn tới những mục tiêu trên con đường tri thức.

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm