Những bức thư, đề Văn “đốn tim” học trò năm 2018

(Dân trí) - Cô giáo với bức thư "người bình thường tử tế"; cô giáo trẻ với buổi làm văn trong nhạc không lời với đề thi làm học trò nghẹn ngào... - đó là những tình cảm của giáo viên mang đến cho học trò xuất phát từ tấm lòng cao cả của người làm thầy.

Thức tỉnh với bức thư "Người bình thường tử tế"
 
Trong lễ tri ân và trưởng thành của học trò khối 12 diễn ra vào giữa năm 2018, bức thư "Người bình thường tử tế" của cô Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên (GV) Văn, Trường THTP Đinh Thiện Lý, TPHCM không chỉ gửi gắm những yêu thương đến học trò mà còn được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội "thức tỉnh" nhiều người về lẽ sống. 
 
Những bức thư, đề Văn “đốn tim” học trò năm 2018 - 1

Bức thư "Người bình thường tử tế" của cô giáo Nguyễn Minh Ngọc viết cho học trò 

 
Cô Minh Ngọc muốn nhắn nhủ 3 điều đến với học trò của mình. Đó là làm người BÌNH THƯỜNG, sống là CHÍNH MÌNH và con người ai cũng có thể SAI.
 
Cô giáo muốn gửi thông điệp, làm người bình thường để mình không bị áp lực với bản thân, không đặt ra những điều to tát mà bỏ qua đi bao khoảnh khắc đáng trân quý mà một người bình thường cần trải nghiệm. Làm người bình thường để biết xây cuộc đời mình từ những điều nhỏ nhặt. 
 
Và điều cô muốn nhấn mạnh: là người bình thường nhưng là một người bình thường tử tế. 
 
Những bức thư, đề Văn “đốn tim” học trò năm 2018 - 2

Cô giáo Nguyễn Minh Ngọc 

 

Bức thư được hoàn thành trong đêm thức trắng, cô Minh Ngọc cũng viết riêng cho từng cô gái, chàng trai với chính trải nghiệm của một người làm mẹ. Bằng nhân sinh quan, bằng quan niệm sống nhân văn, nhân ái và bằng chính tấm lòng yêu thương dành cho học trò. 
 
Với các cô gái, cô giáo nói nhỏ: "Các con cần học cách yêu thương bản thân. Yêu mình, sâu sắc và đầy tự trọng", "Khi con thương con, con có thể vẫn hy sinh vì người khác, nhưng con không hy sinh mù quáng, không mải miết chạy theo những cảm xúc của người khác đến quên cả bản thân". 
 
Với các chàng trai, cô vào vai một người cha truyền động lực về sự dấn thân, tư duy cùng tinh thần đối mặt, chịu đựng nghịch cảnh. "Cuộc sống, với chúng ta, là hành trình trải nghiệm, khám phá, khi con dấn thân, thế giới trong con sẽ mở rộng dần" - bức thư viết. 
 
Với niềm say mê với môn Văn, say mê với nghề giáo, cô Nguyễn Minh Ngọc một lòng dốc sức cho nghề trong từng bài giảng, từng giờ lên lên lớp. Cô được xem là người thắp lửa cho cách dạy học Văn theo dự án ở TPHCM với dự án "Học Văn để sống" có sức lan tỏa với đội ngũ GV trong cả nước.
 
Đề Văn khiến học trò bật khóc
 
"Con tưởng tượng mình sẽ viết một lá thư gửi đến cho Ba, Mẹ của mình nói những điều mình muốn nói, nói gì cũng được. Cô sẽ chấm điểm cho cảm xúc thật nhất của con" - có thể nói đó là đề Văn lay động tâm can không chỉ của riêng học trò. 
 
Những bức thư, đề Văn “đốn tim” học trò năm 2018 - 3

Bài viết của một học sinh gửi người mẹ đã mất xuất phát từ đề Văn gây nhiều xúc động nhất năm qua

 

Nhưng không chỉ là một đề Văn, một buổi kiểm tra đơn thuần mà hơn hết là tình cảm yêu thương của cô giáo trẻ 9X Trần Thị Quỳnh Anh, GV Văn, Trường THPT Trưng Vương, TPHCM đối với học sinh lớp 10 do mình làm chủ nhiệm. Qua đây, cô cũng có thể hiểu được phần nào hoàn cảnh của các em, có em mồ côi, có em gia đình tan vỡ... 
 
Buổi kiểm tra đó, cô mở nhạc không lời, ru các em trong không gian tĩnh lặng để các em có thể trải lòng mình. Khi viết ra những điều về hoàn cảnh, mong muốn, nhắn nhủ đến bố mẹ, nhiều em đã khóc ướt nhòa trang giấy... 
 
“Cũng lâu lắm rồi con không lên thắp hương cho mẹ, con thật có lỗi với mẹ. Sống ở đây con được ba lo cho đầy đủ nhưng đôi khi con lại muốn cảm giác được mẹ chăm sóc khi còn nhỏ… ".
 
“Đầu học kỳ 2, năm con học lớp 9, gia đình mình tan vỡ. Ý con là tan vỡ, kể cả ước mơ của con. Ba im lặng, còn mẹ lúc nào nhìn con cũng khóc. Mẹ và con phải bỏ đi, con theo mẹ, vì con nghĩ nếu ba nhớ con thì ba sẽ nhớ mẹ, ba sẽ thương mẹ một lần nữa. Lúc đó mọi người như đang giết con vậy…”. 
 
Những bức thư, đề Văn “đốn tim” học trò năm 2018 - 4

Cô Trần Thị Quỳnh Anh là cô giáo luôn không ngừng đổi mới, dấn thân với nghề

 

Những bài viết từ đề Văn đã không còn là nỗi lòng của riêng con trẻ mà còn là yêu thương muốn gửi gắm đến các phụ huynh. Cô Quỳnh Anh đã không thể xem đó là bài văn đơn thuần để lấy điểm, tâm tư của các em đã thôi thúc cô cần làm một điều gì đó, không thể giữ lời hứa với học trò là sẽ không đưa cho ba mẹ các em xem lá thư... 
 
Trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, cô gửi đến mỗi phụ huynh một bao thư, trong đó có bài văn của các em đã được che băng keo những phần riêng tư kèm thêm bức ảnh của chính học sinh khi bước vào cấp 3. Ở đây, nhiều người bố, người mẹ lần đầu được biết chia sẻ, suy nghĩ, mong muốn thật của con mình... 
 
Mới đây, cô Trần Thị Quỳnh Anh được bình chọn là gương mặt Tài năng trẻ TPHCM 2018.
 
Hoài Nam
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm