Cô giáo 9X ra đề văn khiến học trò bật khóc

(Dân trí) - “Cũng lâu lắm rồi con không lên thắp hương cho mẹ, con thật có lỗi với mẹ. Sống ở đây con được ba lo cho đầy đủ nhưng đôi khi con lại muốn cảm giác được mẹ chăm sóc khi còn nhỏ…

Con vẫn chưa nói CON YÊU MẸ được, đây là điều hối tiếc trong cuộc đời con nhưng con biết mẹ sẽ hiểu tấm lòng của con”.

Đó là một phần trong bài văn của một học sinh lớp 10A13, Trường THPT Trưng Vương, Q.1, TPHCM của giờ làm văn với đề bài: Con tưởng tượng mình sẽ viết một lá thư gửi đến cho Ba, Mẹ của mình nói những điều mình muốn nói, nói gì cũng được. Cô sẽ chấm điểm cho cảm xúc thật nhất của con.

Ở phần cuối thư, khi ký tên, em học trò còn vẽ một hình trái tim tô đỏ gửi đến mẹ.

Lá thư học trò gửi người mẹ đã mất
Lá thư học trò gửi người mẹ đã mất

Tiết làm văn với… nhạc không lời

Đó là giờ Văn của cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Quỳnh Anh (Trường THPT Trưng Vương, Q.1, TPHCM). Vào tiết học hôm đó, cô giáo bật nhạc không lời và ra đề văn như trên với cam kết với học trò cô sẽ không cho ba mẹ con xem.

Ban đầu, vài chú “dê hồng” - cô gọi học sinh lớp 10 như vậy - la ó bảo làm sao mà viết, sến lắm cô ơi. Được nửa thời gian, cô bắt đầu nghe tiếng sụt sùi đâu đó, cô càng cố giữ im lặng để học sinh trải lòng…

Những bài văn của học trò được cô Quỳnh Anh bỏ vào phong bì, kèm bức ảnh của chính học trò... gửi đến bố mẹ trong buổi họp phụ huynh
Những "bài văn" của học trò được cô Quỳnh Anh bỏ vào phong bì, kèm bức ảnh của chính học trò... gửi đến bố mẹ trong buổi họp phụ huynh

Từ bài văn của học trò, cô nhận thấy các em rất trưởng thành, rất sâu sắc, có rất nhiều ước mơ, nhiều điều muốn nói với bố mẹ nhưng quá khó để nói thành lời...

Và đặc biệt, có chất chứa những nỗi niềm về cuộc sống, hoàn cảnh. Cô chia sẻ: “Thương lắm lá thư viết cho mẹ ở trên trời và mong kiếp sau vẫn làm con của mẹ; thương những lá thư nhòe chữ vì nước mắt, thương những nỗi buồn vì hạnh phúc bị khuyết của con...”.

“Đầu học kỳ 2, năm con học lớp 9, gia đình mình tan vỡ. Ý con là tan vỡ, kể cả ước mơ của con. Ba im lặng, còn mẹ lúc nào nhìn con cũng khóc. Mẹ và con phải bỏ đi, con theo mẹ, vì con nghĩ nếu ba nhớ con thì ba sẽ nhớ mẹ, ba sẽ thương mẹ một lần nữa. Lúc đó mọi người như đang giết con vậy…”,

Đó là lát cắt trong lá thư của một nữ sinh gửi cho ba mẹ mà ngay từ đầu em nói rõ: Trước khi nói những lời ngọt ngào, con muốn trách ba mẹ trước. Khi em nộp bài, bức thư đã nhòe những giọt nước mắt.

Với hành trình đau đớn, đổ vỡ mà mình trải qua, cảm nhận, cô con gái nhắn đến ba mẹ ở cuối thư: Một đứa trẻ sẽ hạnh phúc nếu ba mẹ nó hạnh phúc, dù là không cùng nhau. Cảm ơn ba mẹ vì đã cho con trưởng thành. Dù thế nào, con vẫn yêu ba mẹ.


Cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh bên học trò.

Cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh bên học trò.

"Cô thất hứa rồi…"

Sau tiết học, cô Quỳnh Anh thấy mình thật may mắn vì đang được đọc những “bài tập làm văn” chân thành và đầy cảm xúc nhất của học trò. Và cô đã không giữ được lời hứa của mình với học trò…

Cô lỡ hứa với tụi nhỏ không đưa ba mẹ xem. Nhưng nếu cô đưa những bức thư này, ba mẹ mới thấy bọn nhỏ là những người rất sâu sắc, đang thực sự trưởng thành, rất yêu ba mẹ nhưng chưa bao giờ dám nói. Chỉ có thể viết thư, các con mới dám trách ba mẹ sao không lo lắng cho bản thân mình mà chỉ lo cho con, trách ba mẹ sao bận bịu quá...

Cô giáo trẻ quyết định lấy băng keo che đi những phần tâm tư con muốn giữ riêng cho mình trong mỗi bức thư và vẫn gửi cho ba mẹ các con ở buổi họp phụ huynh. Và lúc này cô nhìn thấy: Ba trầm tư, ba mỉm cười khi đọc thư con. Còn mẹ khóc giống như cô lúc đọc “bài” của con.

Đặc biệt, khi gửi lá thư của các con cho ba mẹ, cô giáo còn kẹp vào đó tấm hình của con trong bộ đồng phục mới như món quà về chặng đường mới của con đến phụ huynh kèm theo một tờ giấy nhỏ. Cùng với đề nghị của cô, bố mẹ hãy nhắn nhủ đến bất cứ điều gì đến các con.

Sau buổi họp phụ huynh hôm đó là ngày thứ 2 đầu tuần, học sinh đã nhận được những lời chúc, lời nhắn nhủ của mẹ trong những lá thư nhỏ nhắn được cô đính ở bảng cuối lớp.

Lời nhắn bố mẹ gửi lại cho các con được cô Quỳnh Anh đính ở bảng dưới lớp nhưng gửi gắm đến các em, bố mẹ luôn ở phía sau.
Lời nhắn bố mẹ gửi lại cho các con được cô Quỳnh Anh đính ở bảng dưới lớp nhưng gửi gắm đến các em, bố mẹ luôn ở phía sau.

Cô Trần Thị Quỳnh Anh cho biết, lúc đầu đọc trong hồ sơ học sinh, cô thấy có vài trường hợp khuyết tên ba hoặc mẹ. Ý định về những bài văn chân thật là để tìm hiểu hoàn cảnh của những học sinh nhưng sau đó cô nghĩ, biết đâu những học sinh cũng có những nỗi niềm.

Qua việc này, cô cũng nhận thấy ba mẹ và các con sẽ xích gần khoảng cách. Những bức thư của ba mẹ gửi con được cô đính ở cuối lớp, cô cũng muốn gửi gắm đến học trò rằng, ba mẹ luôn ở sau các con, cùng các con cố gắng; phía sau các con là niềm tin, là kỳ vọng của ba mẹ. Như một phụ huynh viết cho con: “Con hãy học thật tốt, thế giới để ba mẹ lo”…

Còn cô Quỳnh Anh, cô sẽ phải xin lỗi học trò vì công bố thư của các con. Nhưng cô tin rằng, mình sẽ được tha lỗi…

Cô giáo trẻ nhạy cảm với nghề

Cô Trần Thị Quỳnh Anh sinh năm 1992, là giáo viên dạy Văn tại Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TPHCM. Cô được mọi người đánh giá là người cực kỳ nhạy cảm với nghề cùng với nhiều ý tưởng giáo dục nhân văn và đầy sáng tạo.

Cô cũng là tác giả của ý tưởng “Hũ kẹo yêu thương” được đặt giữa lớp học để học sinh tự bỏ kẹo vào hay lấy kẹo ra trong những tình huống san sẻ niềm vui, nỗi buồn hay là một lời cảm ơn, xin lỗi. Ý tưởng này được nhiều giáo viên trong cả nước nhân rộng, áp dụng.

Năm 2017, cô Quỳnh Anh là một trong những giáo viên Việt Nam tham dự Diễn đàn Giáo dục toàn cầu Microsoft tổ chức tại Canada. Tại diễn đàn, cô Quỳnh Anh đạt được những giải thưởng đặc biệt về ứng dụng công nghệ trong dạy học.

Năm 2016, dự án học văn “Tôi yêu tiếng nước tôi” của cô Quỳnh Anh là dự án đoạt giải Nhất tại Chung kết hội thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Hoài Nam