Bạn đọc viết:

Bức thư cô giáo gửi người mẹ đã khuất

(Dân trí) - Ngày làm hồ sơ thi Đại học, con không chút đắn đo khi chọn nghề Sư phạm. Con muốn nối nghiệp của mẹ bởi vì hình ảnh của mẹ đã để lại trong con quá lớn…

Mẹ yêu quý của con!

Thấm thoát mới đó mà đã gần 30 năm rồi, kể từ ngày mẹ rời xa chúng con mãi mãi. Nhưng trong tâm trí con vẫn nhớ như in hình bóng của mẹ, một cô giáo trường làng hiền lành, nhân hậu và cũng chính là cô giáo đầu tiên trong cuộc đời của con.

Những kỉ niệm về mẹ làm sao con quên được. Ngày hòa bình, lúc ấy con được hơn 10 tuổi. Gia đình mình từ thành phố theo cha về quê nội ở Cai Lậy, vùng quê miền Tây sông nước. Cuộc sống có quá nhiều khó khăn đảo lộn và lạ lẫm.

(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)

Từ một cô giáo ở thành phố lúc nào cũng mặc áo dài tha thướt khi đến lớp nhưng về vùng quê xa xôi hẻo lánh này, đi dạy mẹ phải tay xách nách mang giáo án, xắn quần lên nửa gối. Mẹ phải học cách đi xuồng, cách bấm chân đi đường sình khỏi bị té. Những hôm trời mưa, đường trơn trợt, nếu đi không khéo còn bị “vồ ếch”. Mùa nước lũ dâng cao, nhiều khi cô trò phải lội bì bõm trên đường đến trường.

Vậy mà lúc nào mẹ cũng tươi cười, không than vãn một lời. Mẹ sống giản dị, mộc mạc chân thành với mọi người nên ai cũng thương cũng mến. Con còn nhớ, mẹ thường hay mặc chiếc áo màu xám tro được cắt lại từ áo dài rồi đem nhuộm lại. Cuộc sống với bao vất vả lo toan nhưng khi đứng trước học sinh, mẹ luôn hết lòng thương yêu và lo lắng. Từng nét chữ mẹ kiên trì dạy cho con nắn nót. Mẹ luôn nói: “Nét chữ, nết người”. Đêm về bên ngọn đèn dầu leo lét, từng câu văn vụng về với những lỗi chính tả sai bét nhè của tụi con được mẹ sửa sai, phân tích cẩn thận. Mẹ dạy cho con và các bạn trong từng lời ăn tiếng nói, cách ứng xử với mọi người. Chúng con lớn dần lên trong tình yêu thương chăm chút của mẹ.

Có một lần trời mưa lớn, gió rất mạnh làm ngói văng bắn xung quanh, đám học trò hoảng sợ la hét. Mẹ bình tĩnh điều động chúng con chui nấp xuống gầm bàn tránh mưa bão. Mẹ lo lắng che chở cho chúng con như gà mẹ che chở bảo vệ cho đàn gà con của mình. Mãi một lúc sau mới có nhiều phụ huynh chạy đến để hỗ trợ cùng mẹ. Họ thở phào nhẹ nhõm và cám ơn mẹ rối rít vì con của họ vẫn bình yên. Nhưng họ có biết đâu sau cơn mưa ấy, bệnh tim của mẹ lại tái phát. Những cơn đau tim làm mẹ mệt lả người và kéo theo là những chuỗi ngày dài mẹ nằm trong bệnh viện. Bác sĩ bảo mẹ bị suy tim giai đoạn ba. Lúc đó con chỉ biết cảm nhận là bệnh của mẹ rất nặng nhưng chưa hiểu hết những gì mất mát lớn lao sắp đến với chúng con. Và rồi chuyện gì đến cũng đã đến. Mẹ mãi mãi ra đi để lại trong con một nỗi trống vắng quá lớn không gì có thể bù đắp nỗi. Ngày tiễn đưa mẹ về cõi vĩnh hằng, các phụ huynh và học trò của mẹ đến rất đông. Họ bàng hoàng xúc động và tiếc thương cho một cô giáo hiền lành, nhân hậu, hết lòng yêu thương học trò. Còn con và các em như đàn gà mất mẹ, ngơ ngác…

Ngày làm hồ sơ thi Đại học, con không chút đắn đo khi chọn nghề Sư phạm. Con muốn nối nghiệp của mẹ bởi vì hình ảnh của mẹ đã để lại trong con quá lớn. Hai năm theo học trường sư phạm cấp 2 Tiền Giang trôi qua nhanh chóng. Con lại được phân công về dạy ngôi trường cấp 1, 2 Cẩm Sơn, chính mái trường mà con đã được mẹ và các thầy cô dạy dỗ cho con nên người. Cầm quyết định trên tay, con đã khóc rất nhiều. Bóng dáng mẹ ngày nào trên bục giảng vẫn thấp thoáng đâu đó…

Nhưng rồi kinh tế gia đình kiệt quệ. Những gì còn sót lại chỉ là những khoản nợ… Không thể xoay sở, cha đành gạt nước mắt bán ngôi nhà và mảnh đất mang nhiều kỉ niệm của gia đình mình và đưa tụi con lên Đồng Nai lập nghiệp. Chia tay thầy cô, bạn bè ở quê con xin chuyển hồ sơ về dạy ở trường Quang Trung, Tân Phú với bao nhiêu lo lắng và bỡ ngỡ ở vùng đất mới. Con cứ nghĩ thôi thì tới đâu hay tới đó. Trong hành trang đến quê mới này, con chỉ có niềm tin và hy vọng.

Khi hòa nhập cùng với môi trường mới, mọi sự lo lắng của con dần dần biến mất. Cảm giác đầu tiên của con thật là ấm áp mẹ ạ. Thầy Nhân, hiệu trưởng và các anh chị đồng nghiệp ở đây rất gần gũi và thân thiện. Các anh chị đã giúp đỡ và hỗ trợ cho con rất nhiều trong giảng dạy cũng như trong cuộc sống.

Thời gian đầu con đi dạy cũng gặp rất nhiều khó khăn. Từ chòi nhà mình phải lội dắt xe qua suối rồi đi bộ hơn 2 cây số men theo bờ ruộng, sau đó chạy xe đạp đến trường hơn mười cây số. Có những hôm dạy tiết 1, con phải chuẩn bị đi từ lúc 5 giờ sáng. Những buổi chiều tan tiết 5 về đến nhà đã tối mịt, vừa sợ ma vừa sợ kẻ lạ, sợ đủ thứ… Rồi dần dần con cũng thích nghi được với môi trường mới. Con nhớ kỉ niệm lần đầu tiên đi thi giáo viên giỏi cấp huyện, có nhiều giám khảo, con run quá nên không phát hiện được học trò cân bằng phản ứng hóa học sai. Anh Đức, chị Dung ngồi dự bên dưới làm dấu ra hiệu nhắc nhở lia lịa nhưng con vẫn không biết. Cuối cùng, con bị rớt... Vậy mà, mới đó thoắt một cái đã gần 30 năm, con gắn bó với nơi này… “Đất lành, chim đậu” - Tân Phú trở thành quê hương thứ hai của gia đình mình.

Và mẹ biết không, con gái của mẹ đã trưởng thành hơn rất nhiều qua những năm tháng. Con đã bám trụ được với nghề mà mình lựa chọn và đã có rất nhiều học trò. Con cũng thường hay kể cho các em nghe câu chuyện về mẹ với niềm tự hào và hãnh diện.

(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)

Cuộc sống đôi lúc cũng gặp nhiều khó khăn, vất vả. Chuyện vui buồn trong nghề nghiệp cũng nhiều. Những đứa học trò lười học, ngổ ngáo, ham chơi không nghe lời thầy cô. Có lúc con rất tức giận, buồn bực các em, tưởng chừng như mình không thể vượt qua được. Nhiều khi con cũng có suy nghĩ tiêu cực, thôi thì mặc kệ chúng nó. Nhưng mẹ biết không? Lương tâm nghề nghiệp đã không cho phép con làm như thế. Con đã chọn nghề này thì con phải có trách nhiệm đến cùng phải không mẹ? Con rất vui khi thấy các em ngoan hơn, biết nghe lời và cố gắng học hành. Có nhiều học sinh của con đã thành đạt và đã nhớ đến con trong ngày 20/11. Đó là hạnh phúc lớn nhất của người làm thầy phải không mẹ?

Vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, con càng bùi ngùi xúc động và nhớ đến mẹ nhiều hơn. Mẹ hãy yên lòng mẹ nhé vì con của mẹ đã và đang cố gắng phấn đấu từng ngày để xứng đáng là niềm tự hào của mẹ.

Con gái của mẹ

Nguyễn Thị Thu Hương

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm