Những bông hoa dại, hạc giấy... tặng thầy cô ngày nhà giáo
(Dân trí) - Ngày 20/11, món quà học sinh miền núi tặng các thầy, cô chỉ là những bông hoa dại, những tấm thiệp chúc mừng do chính tay mình tự làm, hay chỉ là mớ rau, củ sắn… Tất cả những món quà ấy đều đong đầy cảm xúc, sự quý mến của học trò.
Hơn 6 năm về công tác tại các điểm trường vùng cao thuộc huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị, niềm vui lớn nhất đối với cô giáo trẻ Lưu Ngọc Duyên (hiện là giáo viên Trường PTDT bán trú & THCS Pa Nang) là hàng ngày được thấy học trò của mình chăm chỉ đến lớp, say mê với con chữ Bác Hồ. Đó cũng là động lực khiến cô quên đi mọi khó khăn, nguy hiểm để vượt núi, băng rừng cắm bản “gieo con chữ” cho các em. Khát vọng lớn nhất đối với các thầy, cô là được nhìn những thế hệ học sinh khôn lớn, tiến xa hơn trên con đường học tập, và sau này chính các em sẽ đem những kiến thức ấy về phục vụ cho bản làng của mình ngày một giàu đẹp, văn minh.
Trước ngày 20/11, tôi đã có dịp tiếp xúc và trò chuyện với cô giáo Lưu Ngọc Duyên, một giáo viên trẻ đầy nhiệt huyết, người đã có nhiều năm “cắm bản” dạy chữ giữa bạt ngàn Trường Sơn. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm giáo viên nên không biết từ khi nào, niềm đam mê đứng trên bục giảng dạy chữ cho con trẻ như ngấm vào máu, thôi thúc cô đến với những bản làng xa xôi để gieo khát vọng “tìm chữ” với trẻ em Vân Kiều vùng núi phía Tây Quảng Trị.
Cô Duyên kể lại: Ngày trước, khi vừa rời ghế giảng đường ĐH Sư phạm Huế, mình nhận được quyết định về công tác tại một trường thuộc xã miền núi A Vao, huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị. Cảm giác ban đầu thật bỡ ngỡ bởi mặc dù mình đã tiếp xúc rất nhiều với trẻ em Vân Kiều - Pa Cô, nhưng trước khi đến A Vao mình vẫn cảm thấy lo lắng, sợ sẽ mất nhiều thời gian để làm quen với môi trường mới rồi sự bất đồng về ngôn ngữ, nếp sống... Nơi đầu tiên mình đặt chân đến là một điểm trường lẻ thuộc trường THCS A Vao, ngoài điểm trường này còn có 6 điểm trường khác đang nằm rãi rác trong 8 thôn bản của xã. Tại thời điểm đó, nhiều thôn, bản hoàn toàn chưa có đường đi lại như Ro Ró I, Tân Đi II, và thôn Axau, Balin, Kỳ Nơi thì mới chỉ có đường đất, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn.
“Nhưng cảm giác lo sợ ban đầu đã dần tan biến, mình thấy thương những học trò đem nhẻm vì nắng gió, áo quần nhuốm một màu mờ đục, nhiều em trang phục còn rách tươm…Sống trong điều kiện khó khăn như vậy, mình đã hiểu được nỗi khát khao biết chữ của học trò. Mình vẫn nhớ cảm giác những ánh mắt ngây thơ của học trò hướng lên bảng như muốn “nuốt” từng con chữ. Lúc đó, mình tự nhủ sẽ cố gắng dạy thật tốt, đem tất cả những kiến thức mình đã học được truyền thụ cho các em” - cô Duyên nhớ lại.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với cô Duyên là Ngày Hiến chương Nhà giáo năm 2008. Khi đó, cô cùng nhiều đồng nghiệp khác quay lại trường công tác sau ngày nghỉ cuối tuần. Nhưng không may gặp phải cơn bão nên bị mắc kẹt lại Tà Rụt mất 3 ngày. Ai cũng nóng ruột, thấp thỏm trông con nước xuống nhanh để lên bản vì không muốn học trò phải nghỉ học lâu ngày. Sau một hồi thống nhất, các thầy, cô quyết định sẽ men theo dòng chảy con suối, băng đường rừng để vào trường. Bây giờ nhớ lại, cô và nhiều thầy, cô khác vẫn cảm thấy rợn người.
“Chỉ đến khi vào trường mọi người mới rũ bộ đồ dính đầy bùn đất trên người ra để bắt tay vào các công việc chuẩn bị cho buổi tọa đàm. Đêm đó, trong không khí vừa trang nghiêm và ấm áp, chúng tôi hân hoan chào đón một ngày lễ trọng đại của mình trọn vẹn, dù có muộn chút xíu. Trong buổi gặp gỡ ấy, dù chẳng có một cành hoa hay món quá nào nhưng chúng tôi vẫn tràn đầy niềm vui, những niềm vui chúng tôi tự đem đến cho nhau bằng những câu chúc ân tình và bằng những lời ca tiếng hát” - cô Duyên tâm sự.
Nhưng đó mới chỉ là một chút kỷ niệm nhỏ bởi sau mấy năm “cắm bản”, cô Duyên và nhiều thầy, cô ở đây cũng gặp không ít khó khăn, thử thách, thậm chí là sự nguy hiểm rình rập mỗi ngày.
Tròn 5 năm công tác, do điều kiện hoàn cảnh gia đình, cô Duyên rời khỏi A Vao và chuyển sang công tác tại một ngôi trường mới tại xã Pa Nang, cũng là một xã nghèo nằm trên vành đai biên giới. Dù thuyên chuyển công tác nhưng tình thương giữa cô giáo trẻ với những học sinh Vân Kiều vùng rẻo cao vẫn nguyên vẹn. Bằng sự nhiệt huyết với nghề, cô lại mang những kiến thức, vốn sống có được để viết tiếp ước mơ cho nhiều thế hệ học trò nơi đây.
Trăn trở lớn nhất đối với cô giáo trẻ cũng như Ban giám hiệu nhà trường là tình trạng học sinh miền núi bỏ học theo cha, mẹ lên nương, lên rẫy. Được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 9, lớp cuối cấp nhưng đã có không ít học sinh bỏ lớp khiến cô lo lắng, suy nghĩ rất nhiều. Đâu là đáp án cho câu hỏi này? Cô Duyên lại đi tìm đống hồ sơ, tài liệu về các em để nghiên cứu, hy vọng nắm được phần nào về học sinh của mình. Bên cạnh đó, cô tích cực lên lớp vào tất cả các tiết sinh hoạt 15 phút và sinh hoạt cuối tuần. Thu thập thông tin về các em qua các thầy cô giáo khác và lên kế hoạch đi tới tận gia đình các em; thăm hỏi động viên phụ huynh và học sinh, nhắc nhở, vận động các em nghĩ học quay lại lớp. Qua nhiều lần như vậy, cô đã tạo được cho các em một niềm tin, một mối quan hệ gần gũi, khăng khít để các em có thể giãi bày tâm tư tình cảm của mình hay những băn khoăn thắc mắc trong lòng mà không biết nói cùng ai. Khuyên nhủ, động viên cho các em trong học tập, trong sinh hoạt khi sống tại môi trường tập thể này.
Chia sẻ về niềm vui trong ngày 20/11, cô Duyên bộc bạch, ở miền núi thì không có hoa tươi như đồng bằng, nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến ngày nhà giáo là các em học sinh lại mang những món quà do chính tay mình tự làm như: tấm thiệp nhỏ, thậm chí là tờ giấy ghi lên đó vài lời, hay những bông hoa dại để tặng thầy, cô… Những món quà đó khiến mình nhớ mãi và lưu giữ rất cẩn thận. Có lẽ không chỉ riêng mình mà biết bao thầy, cô giáo khác luôn mong muốn các em cố gắng trong học tập vươn lên trở thành người con tốt, học sinh gương mẫu sớm đem kiến thức học tập được về phục vụ bản làng. Đó chính là bông hoa tươi thắm nhất, ngát hương thơm mà các em tặng chúng tôi.
Đăng Đức