Lê Anh Vinh - Phó Giáo sư làm “dậy sóng” cộng đồng trẻ

Một tín hiệu đáng mừng là trong vài năm gần đây, mỗi đợt công bố chức danh Giáo sư và Phó Giáo sư thì lại xuất hiện những gương mặt còn rất trẻ . Năm nay, người trẻ nhất được phong tặng danh hiệu cao quý này là Phó Giáo sư Lê Anh Vinh, 30 tuổi, giảng viên trường Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Từ tài năng Việt Nam đến thủ khoa quốc tế


Sinh ngày 29/7/1983, con đường đến với khoa học của Lê Anh Vinh gắn bó mật thiết với Đại học Quốc gia Hà Nội - cái nôi đào tạo tài năng uy tín của cả nước. Chính tại nơi đây năng khiếu của mỗi học sinh từ thủa niên thiếu đã được chú ý vun với để kết thành tài năng tỏa sáng với những tên tuổi như: Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn, Đặng Hoàng Minh… và hiện nay là Lê Anh Vinh.

 
Lê Anh Vinh tại lễ vinh danh các GS, PGS năm 2013.
Lê Anh Vinh tại lễ vinh danh các GS, PGS năm 2013.

 

Ngay từ nhỏ, tài năng toán học của Lê Anh Vinh đã được các thầy trường THPT chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội phát hiện và chăm bón. Những giờ giảng đầy cuốn hút và vẻ đẹp bí ẩn của các đồ thị, bất đẳng thức,… qua sự truyền cảm của các bậc thầy toán học hàng đầu cả nước đã khiến cho niềm mê thích học toán cứ lớn dần lên trong lòng cậu học trò thông minh Lê Anh Vinh. Để rồi niềm vui đến thật lớn lao: Năm 2001, Lê Anh Vinh đã giành Huy chương Bạc Toán quốc tế và Huy chương Vàng Toán châu Á TBD năm lớp 12. Sau đó, anh nhận học bổng toàn phần của chính phủ Australia theo học tại trường ĐH New South Wales. Năm 2005, Lê Anh Vinh đã vượt lên sinh viên nhiều nước khác, tốt nghiệp thủ khoa ĐH chuyên ngành Toán - Tin của Australia và vinh dự trở thành Nghiên cứu sinh tại ngôi trường danh giá nhất thế giới: trường ĐH Harvard (Hoa Kỳ) từ 2006 - 2010. Tháng 5/2010, Lê Anh Vinh nhận bằng tiến sĩ của ĐH Harvard khi mới 27 tuổi. 

“Tôi về công tác tại Việt Nam 3 năm. Sự tin tưởng và luôn tạo điều kiện cho tôi được tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học của lãnh đạo và các đồng nghiệp; mô hình đại học định hướng nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực của Đại học Quốc gia Hà Nội đã khiến tôi vừa giảng dạy tại ĐH Giáo dục vừa gắn bó nghiên cứu khoa học chặt chẽ với khoa toán - cơ - tin, ĐH Khoa học Tự nhiên. Tôi đã tiếp cận các Quỹ nghiên cứu khoa học dễ dàng và từ đó hình thành được nhóm nghiên cứu nhỏ - PGS. TS Lê Anh Vinh”

Nhiều cơ sở nghiên cứu uy tín trên thế giới đã chào mời anh đến làm việc. Anh cũng thử sức làm nghiên cứu viên trẻ tại Viện Nghiên cứu Toán - Lý Erwin Schrodinger (Vienna, Áo); giảng viên tại Khoa Toán, trường ĐH Rochester (Hoa Kỳ). Đến tháng 10/2011, Lê Anh Vinh đã chọn bến đỗ là Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.


PGS.TS Lê Anh Vinh đã xây dựng được một nhóm làm việc gồm 8 sinh viên, học viên sau đại học từ các trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Giáo dục, Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện An ninh Nhân dân. Một số em đã có những công trình công bố chung với Lê Anh Vinh. Một em vừa nhận học bổng tiến sĩ toàn phần tại Thụy Sỹ.


Năm 2012, Lê Anh Vinh là Phó trưởng đoàn Việt Nam đưa học sinh dự thi Olimpic Toán quốc tế và cũng đã giành giải thưởng cao, góp phần đưa đội tuyển Việt Nam lấy lại vị trí tốp 10 sau nhiều năm tụt hạng.


Tạo môi trường “4 T” cho tài năng phát triển


Có thể nói môi trường tại Đại học Quốc gia Hà Nội đã không chỉ phát hiện ra tài năng của Lê Anh Vinh mà còn trân trọng và tạo mọi điều kiện để các tài năng được làm việc và phát huy. Với hiện tượng Lê Anh Vinh, bằng mô hình tổ chức linh hoạt, Đại học Quốc gia Hà Nội đã giải được bài toán khó đang là nút thắt hiện nay về cơ chế tổ chức và chế độ làm việc để tạo vị thế cho tài năng cất cánh, là điểm hẹn của các nhà khoa học uy tín thế giới.

PGS.TS Lê Anh Vinh có 30 bài báo được đăng và 5 bài đã được nhận đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, trong đó 16 bài được thực hiện trong 3 năm công tác tại ĐHQGHN dưới sự tài trợ của 01 đề tài cấp trường ĐHGD, 2 đề tài cấp ĐHQGHN, 1 đề tài NCCB của Quỹ Phát triển khoa học công nghệ Quốc gia, và 1 đề tài NCCB của Viện Hàn lâm khoa học các nước Thế giới thứ 3. Giải nhất Tài năng khoa học trẻ Việt Nam dành cho giảng viên năm 2012. Giải thưởng Công trình khoa học tiêu biểu của nhà khoa học trẻ ĐHQGHN năm 2012.

PGS.TS Lê Kim Long, Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Chúng tôi luôn xác định không chỉ chú ý phát hiện năng khiếu mà còn phải tạo môi trường để thu hút và tài năng phát triển. Môi trường ấy theo tôi cần đảm bảo “4 T”: Tâm thế - Thời gian - Thúc đẩy - Thành tích. Để tạo tâm thế, Đại học Giáo dục đã cử PGS.TS Lê Anh Vinh giữ chức Phó phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; luôn dành thời gian để Vinh có thể vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học, vừa làm quản lý.

 
Nếu quá nhiều giờ dạy sẽ không đủ thời gian theo đuổi mục tiêu lâu dài. Ban lãnh đạo nhà trường cũng cần vạch ra một kế hoạch để thúc đẩy các tài năng thực hiện cho bằng được. Cuối cùng là luôn xét đến hiệu quả hay còn gọi là thành tích. Thành tích ở đây cần phải gọi tên ra được. Cụ thể với PGS.TS Lê Anh Vinh, nhà trường đã trân trọng, tạo điều kiện và Vinh cũng đã khẳng định được mình.


Những kết quả mà Phó Giáo sư trẻ nhất năm 2013 Lê Anh Vinh có được trước hết thuộc về tài năng và sự nỗ lực của riêng anh và gia đình nhưng không thể không nhắc đến duyên may khi được dìu dắt bởi những người thầy giỏi nhất và môi trường làm việc cởi mở, dân chủ, linh hoạt, lấy mục tiêu học thuật và tôn trọng phát huy tài năng mà những nhà quản lý của Đại học Giáo dục và Đại học Quốc gia Hà Nội đã tạo dựng nên. Niềm vui của riêng anh đã hòa vào niềm vui chung của giới trẻ hôm nay với mong ước được cống hiến và thừa nhận, hòa vào niềm tin của công chúng về một xã hội tiến bộ - nơi tài năng không phải tha hương mà tỏa sáng ngay trên quê hương Việt Nam.


Theo Hoàng Hoa

Báo Tin tức

Dòng sự kiện: 31 năm Ngày Nhà giáo VN