Gặp người Rục đầu tiên làm thầy giáo

(Dân trí) - Trong chuyến công tác trao quà cứu trợ tới đồng bào Rục ở xã miền biên Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), tôi có dịp gặp Hồ Tiến Nam, người con đầu tiên của bản làng này trở thành thầy giáo.

Ngồi trò chuyện cùng Nam, tôi thật sự thán phục bởi nghị lực phi thường của anh. Bố mẹ Nam năm nay đã ngoài 70 tuổi. Trước năm 1959, ông bà nội ngoại và ba mẹ Nam còn ở trong hang đá. Rồi sau đó, họ được Bộ đội Biên phòng phát hiện và đưa về với thế giới văn minh.

Nam sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con. Được giáo viên vận động đến lớp, Nam cũng theo các bạn đến trường theo học cho vui. Nhưng nào ngờ, cậu bé nhỏ con ấy lại ham học đến lạ. Không lâu sau, Nam đã biết đọc, biết viết, rồi nói tiếng Kinh thành thạo.

Được thầy cô dạy bảo, Nam đã sớm nhận thức được rằng, chỉ có học được cái chữ Bác Hồ mới hy vọng một ngày được thoát nghèo, thoát khỏi ký ức sống trong hang đá. Từ suy nghĩ ấy, Nam càng quyết tâm, phấn đấu trong học hành. Trong ba năm đầu học tại Trường Tiểu học Yên Hợp, Nam luôn dẫn đầu lớp về thành tích học tập. Học xong kỳ 1 năm lớp 3, Nam phải băng rừng, vượt suối trên con đường Huynh Đệ về Trường Dân tộc nội trú huyện theo học.

Thầy Hồ Tiến Nam đang nắn nót từng con chữ, phép tính cho các em học sinh.
Thầy Hồ Tiến Nam đang nắn nót từng con chữ, phép tính cho các em học sinh.

Khi Hồ Tiến Nam trở thành thầy giáo, cả bản làng miềng sướng cái bụng lắm. Rứa là từ nay, bà con thôn bản không lo “đói” cái chữ Bác Hồ nữa rồi cán bộ ơi! Từ nay, miềng sẽ vận động con cháu trong bản phải noi gương thầy Nam mà phấn đấu học hành”Trưởng bản Cao Ngọc Hà tự hào.

“Ngày đó, đường đi lại khó khăn vất vả lắm. Những lần đầu “hạ sơn” về trường còn có bạn và người lớn đi cùng nên đỡ sợ. Do đi lại vất vả quá nên các bạn bỏ học dần, nhiều khi đi một mình nhưng mình cũng quyết tâm đến trường cho bằng được. Có lần từ nhà đến trường, ba mẹ không có tiền cho nên phải gùi theo ít củ sắn ra chợ Trung Hóa bán lấy tiền đi xe ôm. Nhiều lần không bán được sắn là phải cuốc bộ về xuôi”, Nam nhớ lại hành trình tìm chữ vất vả, gian lao nhưng rất đỗi tự hào.

Học xong cấp hai, Nam lại tiếp tục học cấp ba tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Ba năm sau, Nam được tuyển thẳng vào Trường ĐH Quảng Bình, chuyên ngành Sư phạm tiểu học. Sau 5 năm dùi mài kinh sử, năm 2013, Nam tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại Khá.

Ra trường, Nam được nhận quyết định phân công về công tác tại Trường Tiểu học Yên Hợp. Nam tâm sự: “Mình rất vui khi trở thành người Rục đầu tiên làm thầy giáo. Lúc cầm quyết định trên tay, mình mừng đến nỗi phát khóc. Để có được ngày hôm nay là nhờ công lao nuối nấng của ba mẹ, sự dạy bảo, yêu thương hết mực của thầy cô giáo, đó là những người mà trọn đời mình luôn mang ơn”.
Các em học sinh chăm chú lắng nghe những bài giảng của thầy.
Các em học sinh chăm chú lắng nghe những bài giảng của thầy.

Ngưỡng mộ người thầy của mình, em Hồ Thị Ánh, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Yên Hợp bộc bạch: “Thầy Nam là người con trong bản nên chúng em thấy rất gần gũi. Thầy rất yêu thương học trò nên những lần trên lớp, em và các bạn trong bản chưa hiểu bài thì tối về thầy đến tận nhà để giảng dạy cho chúng em hiểu”.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Trần Thanh Bun - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Hợp cho hay: “Ở trường, Nam rất chịu khó học hỏi đồng nghiệp và luôn nỗ lực vươn lên. Trước mắt, trường phân công cho thầy đi dạy thay để đúc kết thêm kinh nghiệm. Khi Nam đã vững vàng hơn thì sẽ giao lớp cho Nam chủ nhiệm”.

Đặng Tài

Dòng sự kiện: 31 năm Ngày Nhà giáo VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm