Nhiều học sinh dường như không “tồn tại” trong lớp vì facebook

(Dân trí) - “Em nghĩ chỉ nên hạn chế thôi chứ không cấm. Sở dĩ em đồng tình với quan điểm này bởi em có khá nhiều bạn chỉ chúi đầu vào Facebook, gần như không giao tiếp với các bạn trong lớp. Các bạn ấy dường như không “tồn tại” trong lớp mà chỉ làm bạn với Facebook…”

Đó là chia sẻ của học sinh khi nói về việc sử dụng facebook hiện nay của học sinh.

Nhiều học sinh dường như không “tồn tại” trong lớp vì facebook - 1

Tường Vy, Trưởng Ban chi đoàn 10A2- Trường THPT Hai Bà Trưng (Hà Nội): “Nhiều bạn chỉ chúi đầu vào facebook”

Việc hạn chế học sinh sử dụng facebook rất cần thiết. Tuy nhiên, em nghĩ chỉ nên hạn chế thôi chứ không cấm. Sở dĩ em đồng tình với quan điểm này bởi em có khá nhiều bạn chỉ chúi đầu vào facebook, gần như không giao tiếp với các bạn trong lớp. Các bạn ấy dường như không tồn tại trong lớp mà chỉ làm bạn với facebook.

Em nghĩ, phát ngôn bừa bãi là chuyện hay xảy ra với học sinh nhưng nhiều bạn còn chửi bới bố mẹ hay thầy cô trên facebook là đang chứng minh cho mọi người thấy mình vô học. Mới nghe thôi, chúng em đã thấy không thể chấp nhận được.

Em tự thấy mình cũng là người dành khá nhiều thời gian trên facebook, chủ yếu để giải trí phần nhiều chứ thực sự chưa biết dùng nó phục vụ cho học tập. Điều đó quả là đáng tiếc nhưng thời gian gần đây, em đã chủ động kiểm soát được việc vào mạng xã hội.

Em không mất nhiều thời gian vào facebook nữa. Em không vừa học vừa dùng điện thoại nữa mà chỉ online vào thời gian rảnh.

Đặc biệt, em đã dùng fb để làm từ thiện. Khi có công việc thiện nguyện cần trao đổi, tụi em thường liên kết, kêu gọi qua facebook để làm nhiều việc có ích. Việc này rất thuận lợi và được kết nối nhanh chóng. Em thấy facebook có lợi cho những ai biết cách sử dụng.

Tuy nhiên, em nghĩ việc hạn chế học sinh dùng facebook sẽ khá khó khăn bởi không phải bố mẹ lúc nào cũng kè kè bên cạch xem con mình làm gì. Vì thế, tốt nhất là mỗi người cần tự có ý thức để tránh các tác động không tốt của mạng xã hội.

Lê Thanh Thảo, HS lớp song ngữ 10D8- Trường THPT Việt Đức (Hà Nội): “facebook điều khiển nhiều người như robot”.

Theo em không nên cấm học sinh dùng facebook mà chỉ nên hạn chế một số điều không tốt bởi cái gì càng cấm thì mình lại càng muốn làm.

Facebook cũng rất có lợi nếu mình sử dụng nó đúng cách. Nói sẽ thành công cụ giải trí tuyệt vời nếu mình biết sử dụng nó đúng cách như một công cụ giải trí. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng nó, em thấy facebook trở thành thứ điều khiển mình như một robot chứ không phải mình điều khiển nó nữa.

Thí dụ, một người bạn luôn update lên facebook những ảnh khoe giày mới mua hay túi xách mới mua, mình cũng phải update để cho bằng bạn bằng bè. Hay những stt được ít like quá, mình lại cảm thấy chán nản, nghĩ rằng mình không đủ thú vị thu hút mọi người.

Và rồi , người đó sẽ phải tìm cách sao cho được nhiều "like". Thật buồn cười phải không ạ? Tuy nhiên, đó là sự thật.

Chính vì thế mà nhiều người rơi vào trạng thái sống ảo, bị lệ thuộc trạng thái hoặc cảm xúc từ facebook. Em nghĩ mình đã trở thành nô lệ của facebook nếu cứ buộc phải nhiều “like", nhiều người theo dõi mới sống được.

Và vì sống ảo như vậy nên nhiều người quên mất nhiệm vụ chính của mình là học tập.

Dương Tùng Lâm, Lớp trưởng Lớp 10D7, Trường THPT Trần Phú (Hà Nội): “Cấm nhưng không nên quá gò ép”

Em thấy các bạn nữ thường vào facebook nhiều hơn bạn nam. Mặc dù chưa có tình trạng đáng tiếc quá mức xảy ra nhưng một số lần em thấy có bạn xích mích chỉ vì một bài viết nào đó trên facebook.

Em nghĩ, mạng xã hội là để giải trí nhưng một khi nó không còn là giải trí nữa thì tự thân mỗi người phải biết kiềm chế và kiểm soát hành vi. Với các trường, em nghĩ chỉ nên cấm một số điều khoản cần thiết chứ không nên quá gò ép.

Với bản thân, em dành khoảng 45 phút mỗi ngày để vào facebook sau những lúc học bài xong. Riêng ngày nghỉ hoặc chủ nhật, em lại dành thời gian cho gia đình mà không vào facebook vì em muốn gia đình được gắn kết bằng tình cảm chứ không phải quá lạm dụng vào công nghệ.

Với mình, em thấy facebook cũng có nhiều tác dụng. Đó là những bài học bọn em chia sẻ cho nhau, để chuyển cho nhau những đề bài hay để giải. Thậm chí thầy cô cũng dùng facebook để chia sẻ những bài viết hay cho các em tham khảo.

Tuy nhiên, facebook là con dao hai lưỡi, nếu không cẩn trọng, nó sẽ làm hại mình. Nhất là các thông tin trôi nổi chưa được ai kiểm soát đang tràn lan trên các mạng xã hội.

Vì thế em nghĩ tốt nhất nên hạn chế sử dụng chứ không nên cấm hẳn vì facebook cũng có nhiều lợi ích và tác dụng. Còn các trường khi đưa vào một số điều khoản hạn chế khi sử dụng facebook là hoàn toàn hợp lý nhưng không nên quá gò ép.

Để thực hiện được triệt để, các trường cần phải dứt khoát. Cùng với đó, nhà trường cũng nên tuyên truyền để học sinh thấy được vì sao phải cấm điều khoản nọ kia để học sinh ý thức được nghĩa vụ và trách nhiệm khi chơi mạng xã hội sao cho không ảnh hưởng tới cá nhân nào khác.

Quốc Huy (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm