Đuổi học vì nói xấu GV trên facebook: Nhà trường là nơi giáo dục chứ không phải là nơi kết tội học sinh!

(Dân trí) - Đó là ý kiến của Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng sau khi làm việc với trường THPT Lê Lợi chiều ngày 6/11 về vụ việc “Nữ sinh bị đuổi học 10 ngày vì nói xấu giáo viên trên facebook” gây xôn xao dư luận.

Ngay sau buổi làm việc của lãnh đạo Sở với nhà trường, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Chử Xuân Dũng về hình thức kỷ luật của nhà trường đối với học sinh đã đúng chưa? Quan điểm chỉ đạo của Sở giáo dục như thế nào?


Trường THPT Lê Lợi - Hà Đông

Trường THPT Lê Lợi - Hà Đông

Thưa ông, qua làm việc với nhà trường, quan điểm của ông về sự việc này như thế nào?

Chúng tôi đang yêu cầu nhà trường tường trình toàn bộ sự việc, báo cáo từng bước xử lý, từng văn bản cụ thể từ trước tới nay về vấn đề này vào ngày 7/11.

Quan điểm của tôi phải nghe từ 2 phía. Thầy cô và học sinh có làm thế nào đi chăng nữa cùng phải vì giáo dục chung, mọi thứ phải được ngăn ngừa và nhắc nhở, quan trọng là giáo dục thế nào để học sinh nhận ra lỗi của mình. Dù có biện pháp nào mà học sinh chưa nhận ra lỗi của mình là chưa thành công. Hiện nay, nhà trường và gia đình chưa có tiếng nói chung.

Đối với học sinh, tôi thấy rất tội nghiệp cháu vì năm nay đã lớp 12 rồi. Học sinh chưa hiểu hết câu chuyện mà người lớn đang làm.

Việc học sinh sử dụng facebook để bày tỏ cảm nghĩ của mình, nói lên những điều bức xúc của mình về việc học tập nhưng không nói rõ đích danh người nào đó có phải là hành động sai? Có phải chịu hình thức kỷ luật?

Trong vấn đề này, theo tôi mình cần định hướng cho học sinh. Có thể khi học sinh trao đổi như vậy, đứng về mặt nhân văn, giáo dục đạo đức thì đó hành vi chưa đúng, chưa chuẩn mực.

Việc học sinh viết ám chỉ chung chung, không cụ thể ai thì mình cần phải xem lại. Đây chỉ là hành động nhất thời của học sinh.

Quan trọng nhất là nhà trường phải ra định hướng chứ không nên có biện pháp kỷ luật như vậy làm khổ cho cháu bởi vì tên cháu được nêu trước toàn trường, cháu ngại với bạn bè, nếu cháu có chuyển sang trường khác cũng không hay, không tốt cho cháu.

Cho nên bây giờ gia đình và nhà trường cần có sự chia sẻ thống nhất với nhau để giúp cháu. Đó là giải pháp mà chúng tôi mong muốn.

Làm giáo dục cái quan trọng nhất là vì sự tiến bộ của học sinh. Nhà trường là nơi giáo dục chứ không phải là nơi kết tội học sinh. Làm thế nào để nhà trường, học sinh và gia đình học sinh luôn tìm được tiếng nói chung thì giáo dục mới hiệu quả.

Khi nhà trường giải trình đầy đủ sự việc, Sở sẽ có chỉ đạo chính thức về sự việc này.

Ông đã từng làm giáo viên, từng quản lý ở trường THPT, với trường hợp này ông sẽ xử lý thế nào?

Tôi sẽ tìm hiểu rõ nguyên nhân và phân tích cho cháu hiểu, phân tích cho cô giáo hiểu vì nguyên nhân sự việc dẫn đến từ 2 phía. Giáo viên chưa hoàn toàn đã hiểu học sinh, học sinh chưa hoàn toàn đã hiểu cô. Có thể từ một khía cạnh nào đó vì 1 trạng thái tâm lý làm cho tình cảm suy nghĩ lệch đi thì hành động sẽ đi theo hướng khác..

Tôi nghĩ cần có sự bình tĩnh, 2 bên ngồi với nhau để chia sẻ, đi đến sự thống nhất. Đây là việc rất nhỏ. Nếu học sinh có hành động như vậy, giáo viên tỉnh táo ra thì coi việc đó sẽ giúp cho mình hoàn thiện hơn trong việc dạy và học.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhà trường đưa ra biện pháp kỷ luật như vậy là sự bất lực, thất bại trong giáo dục?

Do vậy, chúng tôi đang yêu cầu nhà trường báo cáo toàn bộ các biên bản xử lý của nhà thì mới ra kết luận được. Chúng tôi làm việc khách quan, để biết căn cứ vào đâu để nhà trường đưa ra kết luận đuổi học sinh?, các biên bản làm việc, học sinh có biết điều đó không? Có biên bản bàn giao học sinh cho gia đình không? …

Tuy nhiên, nói về một nhà giáo mình phải hết sức thận trọng không sẽ ảnh hưởng tới danh dự của họ.

Nhưng quan điểm của tôi, bước đầu nhà trường xử lý như vậy là chưa phù hợp nên mới để kéo dài như thế và để phụ huynh bức xúc. Ở đây, chưa có sự chia sẻ thông cảm với nhau giữa nhà trường và gia đình.

Sau sự việc trên, theo ông có nên cấm học sinh sử dụng facebook ?

Không cấm được, căn cứ vào đâu để làm việc đó, đó là quyền riêng tư cá nhân. Đây là vấn đề xã hội. Người lớn chỉ định hướng cho các cháu.

Tuy nhiên, sau đợt này, sở sẽ có định hướng cho các trường để có ứng xử tốt hơn khi gặp trường hợp tương tự như trên. Tôi nghĩ cái này một mình ngành giáo dục không làm được mà phải cả gia đình.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh (thực hiện)

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm