Nguyễn Mạnh Hà - người thầy tâm huyết đưa môn Hàn-Cơ khí vào dạy trực tuyến
(Dân trí) - Tưởng chừng không thể đưa môn Hàn - Cơ khí vào giảng dạy trực tuyến, nhưng thầy Hà đã thực hiện được, khiến bao thầy cô khâm phục.
Thầy Mạnh Hà là một trong số 7 nhà giáo (trên tổng số 101 nhà giáo) lọt vào chung kết, đạt giải tại cuộc thi Thiết kế bài giảng trực tuyến năm 2021 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp lần đầu tổ chức.
Từ kỹ thuật viên cơ khí trở thành giáo viên
Tốt nghiệp ngành Công nghệ Hàn của Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Nam Định năm 2010, thầy Hà làm kỹ thuật viên tại công ty cổ phần cơ khí Yên Thọ ở Đông Triều - Quảng Ninh.
Năm 2015, sau khi học cao học ngành Kỹ thuật cơ khí tại Học viện Kỹ thuật quân sự. Với sự hăng say và mong muốn mang kiến thức ngành Hàn - Cơ khí đến cho sinh viên trường nghề, thầy Hà quyết định về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh.
Thầy Hà chia sẻ: "Nghề Hàn - Cơ khí trước kia chưa đáp ứng được nhân lực có kỹ năng tay nghề cao của các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, đòi hỏi một lực lượng lao động có trình độ và kỹ năng nghề thật tốt.
Nắm bắt được xu thế, mong góp sức nhỏ vào sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp nghề Hàn - Cơ khí cho Việt Nam. Tôi đã có một bước ngoặt lớn trong cuộc đời để trở thành giáo viên".
Khi được hỏi lý do chọn trường Cao đẳng Xây dựng và Cơ điện Bắc Ninh làm nơi ươm mầm những lao động có trình độ cao ngành Hàn - Cơ khí, thầy Hà cho biết: "Là ngôi trường có 50 năm xây dựng và phát triển, nhu cầu sinh viên học ngành Hàn - Cơ khí tại trường cũng rất nhiều. Chưa kể, đây cũng là ngôi trường đang đào tạo 4 nghề trọng điểm quốc tế, có cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo hàng đầu cả nước".
Tận tâm, say mê với nghề
Chia sẻ với phóng viên Dân trí về quan điểm dạy học của mình, thầy Hà hào hứng: "Quá trình dạy học không phải đơn thuần chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức, nó còn là quá trình vun đắp nhân cách, lòng nhân ái cho cả một thế hệ".
Xuất phát từ tâm niệm này, thầy Hà luôn trăn trở vì thị trường lao động của Việt Nam đang rất cần những người thợ Hàn - Cơ khí không những lành nghề mà còn có cả kiến thức về nghề nghiệp. Khi đối tượng giảng dạy trực tiếp trong trường gồm cả sinh viên cao đẳng chính quy và học sinh trung cấp thầy Hà lại càng trăn trở hơn.
Bởi: "Với sinh viên hệ cao đẳng chính quy sau khi các em đã tốt nghiệp THPT, các em đã trưởng thành và chín chắn hơn ít nhiều so với các em Trung cấp (nhất là đối với các em Trung cấp mới tốt nghiệp cấp 2, các em học cả nghề và văn hóa).
Các em đó còn rất nhỏ, còn có những nhận thức chưa đúng đắn, và với trách của người thầy tôi không chỉ dạy các em những kiến thức chuyên môn về nghề mà còn đi kèm với việc giáo dục các em nhân cách, lòng yêu nghề để sau này khi các em tốt nghiệp không những các em có kiến thức có kỹ năng mà còn có cả lòng yêu nghề, tương thân tương ái".
Điều đó được thể hiện rất rõ ở những lớp thầy Hà làm giáo viên chủ nhiệm. Khi mới vào, các em mới tốt nghiệp lớp 9, sau đó nhìn các em lớn từng ngày và thay đổi từng ngày, những nhà giáo phải kết hợp cả giảng dạy về kiến thức và giáo dục cả về nhân cách và tác phong nghề nghiệp cho các em.
"Học sinh trường nghề rất đa dạng và đặc biệt với học sinh mới tốt nghiệp THCS, tôi luôn có số điện thoại của gia đình từng em để kết hợp giữa nhà trường với gia đình cùng giáo dục và định hướng nghề nghiệp cho các em.
Đặc biệt, các em đang trong lứa tuổi mới lớn ham chơi, nhiều em còn chưa nhận thức được tầm quan trọng của nghề nghiệp, còn học chống đối… Lúc đó, người thầy phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và tình cảm của các em để cùng giáo dục và định hướng đúng.
Nếu không nắm bắt tình hình kịp thời hoặc không hiểu được các em thì dễ để các em lơ là việc học cũng như sẽ có những biểu hiện tham gia học chống đối, học không hiệu quả…", thầy Hà tâm sự.
Luôn đổi mới, sáng tạo trong việc giảng dạy môn Hàn - Cơ khí
Theo thầy Hà, nghề Hàn là một trong những nghề đặc thù, vất vả, nhất là đối với các em sinh viên Trung cấp. Các em chưa nhận thức được, nhiều em thấy vất vả là các em ngại thực hành, nhiều lúc giáo phải thay đổi phương pháp dạy và học.
Ngoài ra, thầy Hà còn thường xuyên chia sẻ về cơ hội việc làm mà nghề hàn mang lại khi các em tốt nghiệp, không chỉ dừng lại ở việc đi xuất khẩu lao động, ở các công ty doanh nghiệp luôn luôn thiếu những người thợ hàn lành nghề. Thậm chí các em có thể học hỏi thêm kinh nghiệm thực tế sau khi ra trường vài năm, rồi có thể tự mở xưởng cho bản thân với vốn kinh phí rất nhỏ và thu nhập cũng không hề thấp.
"Đặc biệt với công nghệ 4.0 như hiện nay tôi thường sưu tầm những video, hình ảnh đặc thù của nghề để tăng thêm hứng thú cho các em khi tham gia học, đôi khi có thể hỏi han một số câu chuyện đời thường của các em hoặc những câu chuyện vui để thầy trò có thể gần gũi hơn, hiểu nhau hơn và cho các em thêm hứng thú học và yêu nghề hơn", thầy Hà nói.
Là một trong 404 nhà giáo GDNN tham dự hội giảng "đặc biệt" tính từ năm 1998 trở lại nay với việc lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong một bối cảnh đặc biệt, thầy Hà cũng chia sẻ một vài điểm nổi bật trong bài giảng của mình tham gia dự thi lần này.
Thầy Hà chia sẻ: "Đầu tiên là sau khi biết được chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến do dịch bệnh, bản thân tôi cũng có những thay đổi để phù hợp hơn với thực tế giảng dạy trực tuyến như:
Từ dẫn nhập ban đầu để tạo hứng thú cho người học tôi đã sưu tầm những hình ảnh và tự ghi âm một đoạn video về sự phát triển của ngành công nghiệp để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung và đặc biệt với ngành công nghệ hàn nói riêng, những ứng dụng của mối hàn MAG ở vị trí 2F trong các ngành công nghiệp và trong thực tế.
Mở rộng hơn đến những kiến thức thực tế, những ứng dụng của bài học ngày hôm nay trong thực tế các công ty, doanh nghiệp đang áp dụng và chính những đơn hàng khung nhà kết cấu thép đang được Trung tâm dịch vụ sản xuất và đời sống của trường đang nhận thi công ở Cơ sở 2 của trường cũng đang là những mối hàn đó.
Ngoài ra vẫn không thể thiếu được việc kết hợp các phương pháp giảng dạy như: Trực quan, đàm thoại, thao tác mẫu…. Việc kiểm tra những kiến thức của bài học tôi dùng câu hỏi trắc nghiệm được tôi làm trên Google Form để cuối bài học tôi cho các em sử dụng điện thoại một phút để thực hiện trả lời các câu hỏi trắc nghiệm đánh giá về kiến thức của các em".