Đại sứ nghề làm "bác sĩ" cho máy móc: "Có nghề là có tất cả"

Quang Trường

(Dân trí) - Nguyễn Đức Lợi từng đủ điểm vào Đại học Bách Khoa TPHCM, nhưng lại chọn học nghề vì niềm tin "có nghề là có tất cả".

Đại sứ nghề tốt nghiệp, cầm tấm Huy chương Vàng kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN 2018, vào doanh nghiệp làm "bác sĩ" cho máy móc, nhận mức lương cao.

Đại sứ nghề làm bác sĩ cho máy móc: Có nghề là có tất cả - 1

Đại sứ nghề Nguyễn Đức Lợi.

"Có nghề là có tất cả"

Đại sứ nghề Nguyễn Đức Lợi sinh năm 1997 tại quận 11, TPHCM. Chàng trai Sài thành tốt nghiệp ngành Bảo trì cơ khí, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, cầm tấm bằng loại Giỏi.

Ngược thời gian trở về 6 năm trước, Đức Lợi tốt nghiệp Kỳ thi THPT Quốc gia 2015 với số điểm cao. Lợi thừa sức để chọn học một ngành của Trường Đại học Bách khoa TPHCM, như ước ao của bao học sinh cùng lứa.

Nhưng sau nhiều đêm suy nghĩ, cậu quyết định chọn học nghề với niềm tin "có nghề là có tất cả". Điểm đến của Lợi là Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương - ngôi trường nổi tiếng về đào tạo nghề tại TPHCM. Cậu chọn học nghề Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí - Bảo trì máy CNC - Khoa Bảo trì cơ khí.

"Sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng, hỏi anh chị, bạn bè, mình thấy đây là nghề mới, trường Trung cấp nghề Hùng Vương là ngôi trường đầu tiên đào tạo nghề này, cũng là nghề trọng điểm cấp quốc tế.

Lúc đó mình chọn học nghề vì mình nghĩ đây là con đường ngắn nhất để thành công. Có nghề thì vừa làm nghề mình yêu thích, vừa có thể học tiếp bậc cao hơn. Đến bây giờ, mình thấy lựa chọn này là đúng đắn. Đại học không phải con đường duy nhất", Lợi cho biết.

Lợi đã làm cho nhiều bạn bè bất ngờ vì không chọn học Bách khoa. Ngày Lợi nhận giấy báo nhập học trường nghề, cậu cũng mở tiệc ăn mừng như bạn bè đỗ đại học. Bố mẹ Lợi làm nghề buôn bán, nên suy nghĩ cũng thoáng, luôn ủng hộ mọi quyết định của con trai.

"Học nghề nào, trường nào thì cũng là học mà. Học và làm nghề mình thích thì còn gì so sánh được", Lợi chia sẻ.

Đại sứ nghề làm bác sĩ cho máy móc: Có nghề là có tất cả - 2

Lợi nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nhờ những thành tích xuất sắc trong các cuộc thi tay nghề (Ảnh: NVCC).

Lợi vốn là người đam mê kỹ thuật. Lợi thích làm "bác sĩ" phòng và chữa bệnh cho máy móc. Cậu bé Lợi ngày xưa là chuyên gia tháo ra, lắp vào, sửa chữa những đồ chơi, vật dụng kỹ thuật trong nhà.

Nên khi vào trường nghề, như cá gặp nước, Lợi nhanh chóng bắt nhịp với môi trường học tập, cậu đặt mục tiêu đến các kỳ thi tay nghề. Chưa bao giờ Lợi chểnh mảng học tập.

Lợi cho biết, phương pháp học và hành của cậu là "trăm hay không bằng tay quen". Lợi tập trung tối đa trong các giờ học. Cố gắng để được thực hành nhiều nhất có thể, vì cơ sở vật chất của trường đáp ứng tốt, giống ngoài thực tế. Tiết thực hành là cơ hội tốt để nâng cao kỹ năng và kiểm tra sự tiến bộ. Lợi vận dụng những kinh nghiệm mà giảng viên truyền đạt vào thực hành.

Đại sứ nghề làm bác sĩ cho máy móc: Có nghề là có tất cả - 3

Vừa học nghề, Lợi vừa tham gia vào đội tuyển thi tay nghề.

Lợi giành giải Nhất kỳ thi tay nghề TPHCM 2018, giải Nhất - HCV kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia 2018 với số điểm 100/100. Cũng trong năm đó, tại Thái Lan, Lợi nhận tấm HCV kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN 2018 với số điểm tuyệt đối (Ảnh: NVCC).

"Ngoài giờ học chính khóa, mình dành toàn bộ thời gian còn lại để luyện thi, cả ngày cuối tuần. Cảm giác được tranh tài ở cấp quốc gia, khu vực luôn mang lại cho mình niềm vui. Mình vừa hồi hợp, căng thẳng rồi vỡ òa trong hạnh phúc tự hào khi mang huy chương về cho Tổ quốc", Lợi bày tỏ.

Đam mê "chữa bệnh" cho máy móc

Năm 2018, bước ra kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN 2018 với tấm HCV nghề Bảo trì máy CNC, Lợi được nhận ngay vào công ty TNHH máy công cụ ATC.

Công việc chính của Lợi là khảo sát, chẩn đoán, bảo trì, sửa chữa máy móc, thiết bị tự động, tiêu biểu là máy gia công tự động điều khiển số CNC. Bên cạnh đó, Lợi còn hỗ trợ, hướng dẫn các đồng nghiệp khác trong các hoạt động tại nơi làm việc.

Lợi ví von công việc này cũng như làm "bác sĩ" chữa bệnh và phòng bệnh cho máy móc. Lợi cho biết, anh nhận được mức lương không nhỏ, trong tương lai sẽ rất cao vì Bảo trì máy CNC là ngành nghề hot. Lợi là một trong số ít người có được vị trí công việc tốt như vậy dù mới ra trường vài năm.

Đại sứ nghề làm bác sĩ cho máy móc: Có nghề là có tất cả - 4

Lợi tại kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN 2018 (Ảnh: NVCC).

"Mình cảm thấy mình may mắn khi có được một vị trí công việc, mức lương tốt so với mặt bằng chung, nhờ vốn kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc được tôi luyện từ giảng đường đến các cuộc thi", Lợi nói.

Lợi luôn hoàn thành mọi công việc mà công ty giao phó. Mọi kiến thức, kỹ năng mà cậu được học tại trường nghề, những kinh nghiệm thu được từ các hội thi tay nghề đều được tận dụng, cùng bản tính siêng năng, ham học hỏi, dám nghĩ dám làm.

Dù có kỹ năng nghề tốt, nhưng cũng có những lần máy móc hư hỏng khiến Lợi phải mất nhiều công sức, vừa suy nghĩ giải pháp tối ưu để sửa chữa, vừa phối hợp tốt các với đồng nghiệp, các "sư phụ".

Công việc bảo trì máy CNC hấp dẫn Lợi ở chỗ, cũng giống như con người chúng ta cần tới đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp để chăm sóc, chữa bệnh, thì máy móc, thiết bị cũng vậy. Trong quá trình hoạt động, Lợi được làm công việc của một "bác sĩ" bảo trì, chăm sóc máy móc để đảm bảo năng suất, chất lượng, kéo dài tuổi thọ.

Đại sứ nghề làm bác sĩ cho máy móc: Có nghề là có tất cả - 5

"Trăm hay không bằng tay quen" là phương pháp học và hành nghề của Lợi (Ảnh: NVCC).

"Máy móc, thiết bị tự động CNC được xem là máy móc thiết bị hiện đại, đặc biệt trong nền công nghiệp 4.0. Vì vậy vai trò bảo trì, bảo dưỡng ngày càng được các công ty, doanh nghiệp quan tâm hơn. Đây là một trong những ngành nghề đang thiếu nhiều nhân lực, có nhu cầu rất lớn trong thời điểm hiện tại và tương lai. Đồng thời thuộc một trong bốn nhóm nghề công nghiệp trọng yếu của thành phố", Lợi cho biết.

Bên cạnh đó, Lợi còn tham gia đào tạo cho các thí sinh tham dự các hội thi Kỹ năng nghề. Đây là cơ hội để Lợi thể hiện vai trò của một Đại sứ nghề, một người thành công đi trước.

Mỗi lần Lợi về lại trường, các em sinh viên lớp dưới vui mừng chào đón. Nhìn tấm gương anh Lợi, nhiều học sinh cấp 3 tự tin chọn học nghề. Sinh viên hỏi Lợi những phương pháp học tập, kinh nghiệm thực hành. Người đàn anh kể cho các em nghe về những tình huống thực tế khi đi làm.

Trong những lời khuyên đó, ngoài việc phải giỏi nghề bằng cách tìm mọi cơ hội để được thực hành nhiều, Lợi còn nhấn mạnh với sinh viên những kỹ năng mềm như: Kỹ năng tiếp cận, phân tích, giải quyết vấn đề; kỹ năng thay đổi và thích ứng; ứng dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ; bảo vệ và sử dụng nguồn tài nguyên; tư duy, sáng tạo; kỹ năng lập kế hoạch.

"Đó là những kỹ năng không chỉ sinh viên đại học mà sinh viên trường nghề cũng phải có, nếu muốn thành công trong mọi nghề. Ra trường với tấm bằng loại Giỏi là tốt, nhưng đó không phải yếu tố quyết định khi mình hành nghề", Đại sứ kỹ nghề Nguyễn Đức Lợi nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm