Người phụ nữ gần 10 năm mở lớp học miễn phí cho trẻ lang thang

Từ năm 2006, bà Nguyễn Thị Dư (sinh năm 1949) ở khu phố 8, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai đã đứng lớp dạy chữ cho trẻ lang thang hoặc các em là con gia đình nghèo.

Gần 10 năm qua, những lớp học của bà đã giúp khoảng 500 trẻ biết đọc chữ, làm toán, nhiều em đã học hết chương trình lớp 5.

Trước đây, bà Dư là giáo viên trường cấp 1, 2 xã Ngọc Thanh (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên). Khoảng năm 1990, gia đình bà chuyển vào Đồng Nai sinh sống. Sau đó, chồng bà qua đời, bà Dư một mình lo cho 5 người con ăn học nên người.

Năm 2006, khi cuộc sống gia đình đã ổn định, bà Dư mới có điều kiện tiếp tục thực hiện sứ mệnh “trồng người.”

Bà cho biết phường Long Bình là nơi tập trung đông công nhân nghèo, nhưng thương nhất là hoàn cảnh của các cặp vợ chồng từ miền Tây đến đây kiếm sống. Ở đây, gia đình nào cũng có nhiều con, phần lớn các cháu đều không biết chữ.

Năm 2006, bà mượn hội trường khu phố mở lớp dạy chữ miễn phí. Ngày đó có 26 em theo học, tất cả đều chưa một ngày được đến trường, có em lúc đến lớp đã 14 tuổi. Do học sinh đã lớn tuổi nên việc dạy các em cầm bút, tư thế ngồi học cũng lắm gian nan.

Sau hơn 1 tháng vào lớp, tình trạng trẻ bỏ học diễn ra. Bà Dư tìm hiểu mới biết các em có suy nghĩ là đi bán vé số, bán bánh kẹo dạo thì chỉ cần biết đếm tiền là đủ, hơn nữa học chữ khó hơn sự tưởng tượng của các em.

Thế là hàng đêm bà Dư lại đi gõ cửa các phòng trọ, vận động học sinh trở lại lớp. Lớp học của bà Dư cứ đông dần, năm đầu bà chỉ dạy một buổi, sang những năm sau học sinh có từ lớp 1 đến lớp 5.

Mỗi ngày, bà dạy cả 5 lớp từ sáng đến tối. Để chuẩn bị cho những giờ lên lớp, ngoài giáo án, bà Dư còn mua nước cho học sinh uống. Bà còn mua sách vở, quần áo cho một số em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Bà tâm sự trước đây, mỗi ngày tôi dậy từ 4 giờ sáng để nấu nước, đi chợ mua thức ăn, sáng dạy 2 ca đến 11 giờ, về nhà lo cơm nước, 1 giờ chiều lại dạy tiếp 3 ca nữa. Dù có mệt nhưng tôi nghĩ mình đã làm được việc có ích cho những đứa trẻ lang thang nên tôi cảm thấy vui.

Do học sinh ngày một đông, hội trường khu phố không còn đủ chỗ nên năm 2011 bà Dư tự bỏ hàng chục triệu đồng sửa lại 3 phòng trọ của gia đình để làm lớp học. Bà cho biết: "Gia đình có 9 phòng cho thuê, mỗi phòng giá 600.000 đồng/tháng. Tôi già rồi, chỉ cần cho thuê 6 phòng là đủ tiền trang trải cuộc sống."

Sau khi “biến” phòng trọ thành lớp học, bà còn mua sắm quạt điện, bàn ghế và một số trang thiết bị phục vụ việc dạy và học.

Cảm phục việc làm của bà Dư, từ năm 2012 đến nay, cô Phan Thị Thu Hương và cô Nguyễn Thị Linh (cùng là giáo viên tiểu học ở phường Tân Hòa, thành phố Biên Hòa) đã tự nguyện đến dạy học cùng bà Dư. Với sự hỗ trợ của 2 cô giáo, nay bà Dư chỉ phải đảm nhận dạy lớp 1 vào buổi sáng, cô Hương và cô Linh dạy các lớp trưa và chiều.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Linh, cô tự nguyện dạy lớp 2 và lớp 5 ở “trường” của bà Dư đã được gần 3 năm. Năm 2014, “ngôi trường” này có tất cả 106 học sinh ở 5 lớp, lớp 1 có số học sinh đông nhất (54 học sinh), lớp 5 chỉ có 5 em.

Học sinh ở đây đa phần là người miền Tây, nhiều em có cha mẹ làm công nhân ở trọ trong thành phố, một số em một mình đến Đồng Nai đi bán vé số, làm thuê. "Cô Dư già rồi nhưng vẫn dành tất cả sức lực, tiền bạc để mở lớp học tình thương, tôi cảm phục và muốn góp một phần vào công việc ý nghĩa này" - cô Linh bày tỏ.

Năm nay 65 tuổi, bà Nguyễn Thị Dư luôn mong muốn, dù mai này bà không còn đủ sức để đứng lớp thì dãy phòng trọ của bà vẫn ngày ngày vang tiếng học bài.
 
Theo Vietnam+