Nghĩ về truyền thống tôn sư trọng đạo thời nay

(Dân trí) - "Làm thầy thời buổi này thật trăm cái khổ" - đấy là câu cửa miệng của các thầy cô giáo. Nên chăng phụ huynh cũng nên bớt đi cái nhìn phán xét thầy cô mà thay vào đó là dạy bảo con em mình biết tôn trọng và yêu quý thầy cô giáo như người cha, người mẹ thứ hai của các em.

Thời nay, đời sống của mỗi gia đình càng ngày càng khấm khá hơn trước nhưng lại nảy sinh một câu hỏi day dứt: hình như lối sống thực dụng, sống gấp, sống thiên về vật chất khiến giá trị tinh thần với những phép tắc ứng xử cơ bản đang bị xem nhẹ, nhất là với giới trẻ.

Bạn bè gặp nhau câu đầu tiên không phải là "Dạo này bạn có khỏe không" mà sẽ là "Bây giờ làm ở đâu, lương cao không, mua nhà chưa?". Người lớn còn “thức thời” như thế huống chi thế hệ học trò thời @. Các em chào hỏi, quà cáp với thầy cô đang trực tiếp giảng dạy nhưng hết năm học chuyển sang thầy cô mới là học trò gặp thầy cô cũ ngó lơ, tiếc cả một câu chào. Thầy cô như đã quá quen với phản ứng của học trò nên chỉ thoáng bùi ngùi.

Mạng xã hội kết nối người người nhà nhà với nhau, hễ có biến cố nhỏ là chỉ vài giờ sau thông tin đã được cập nhật tới nhà chức trách cũng như thầy cô, học sinh trong toàn trường. Một số ít phụ huynh có mối đồng cảm với giáo viên nên thay vì la lối trên mạng, họ sẽ tìm gặp và trao đổi trực tiếp với thầy cô. Một số phụ huynh khác chỉ cần chướng tai gai mắt là sẵn sàng rùm beng về việc con em họ bị cô mắng oan, cho điểm thấp, họ lên mạng tung vài dòng tâm trạng là có hàng trăm người like, bình loạn xối xả.

"Làm thầy thời buổi này thật trăm cái khổ" - đấy là câu cửa miệng của các thầy cô giáo. Nên chăng phụ huynh cũng nên bớt đi cái nhìn phán xét thầy cô mà thay vào đó là dạy bảo con em mình biết tôn trọng và yêu quý thầy cô giáo như người cha, người mẹ thứ hai của các em.

Nhiều bậc phụ huynh thường lớn tiếng chỉ trích giáo dục nhà trường yếu kém, căn bệnh thành tích vẫn chưa có thuốc chữa. Tôi có một chị hàng xóm hễ nói về giáo dục là chê bai giáo dục Việt Nam. Trong khi đó, chị mải mê với công việc riêng và dành rất ít thời gian cho con, mà hễ nghe ai mách con hư thì đánh đập chửi rủa con không tiếc lời.

Tôi thường tâm tình với con trai đang học tiểu học rằng con đi học phải biết ngoan ngoãn nghe lời cô giáo, trước tiên là ngồi học phải trật tự, không được nói chuyện riêng. Người lớn nhắc nhở cần lắng nghe, biết sửa lỗi chứ không nhanh nhẩu cãi. Con có ấm ức gì, tôi giải thích cho con vài lần để con hiểu chứ không áp đặt, bắt con phải nghĩ như người lớn.

Dịp hè cách đây mấy năm, hai mẹ con về quê ngoại chơi. Em gái tôi kể cô giáo dạy tôi hồi lớp 7 rất vất vả, chồng đi làm xa, cô bận tối mắt với việc trường lớp, việc chăm sóc con cái vì cháu thứ hai tật nguyền, cháu đầu đang học lớp 5. Nhà cô cách nhà tôi chừng 1 km, tôi tới thăm cô kèm theo món quà nhỏ là một cuốn sách văn học. Gặp nhau cô rất vui, hai cô trò nói chuyện ríu rít. Cô bảo vẫn giữ bài văn của tôi bao năm và kể giờ hiếm có học trò nào viết hay như thế. Thật xúc động biết bao!

Mỹ Đức

(Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!