"Nghe tin thầy Võ Tòng Xuân mất, tôi khóc như đứa trẻ"

Hoài Nam

(Dân trí) - Từ nước ngoài, nghe tin GS.TS Võ Tòng Xuân qua đời, chị Châu Sôryaly bỏ ngang tô mì, khóc như một đứa trẻ...

Sáng 19/8, khi vừa mở hộp mì định ăn sáng, chị Châu Sôryaly, đang học PhD (tiến sĩ) tại The University of Hong Kong (Trường Đại học Giáo dục Hồng Kông) nhận được tin GS.TS Võ Tòng Xuân qua đời.

"Không cầm được nước mắt, tôi khóc hụ hụ như một đứa trẻ. Tôi không diễn tả được tâm trạng của mình lúc này, nước mắt cứ vậy mà chảy", chị nói. 

Chị Sôryaly là đồng nghiệp, thế hệ ở lứa tuổi con, tuổi cháu của GS.TS Võ Tòng Xuân tại Trường Đại học An Giang.

Nghe tin thầy Võ Tòng Xuân mất, tôi khóc như đứa trẻ - 1

GS.TS Võ Tòng Xuân qua đời sáng ngày 19/8 (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Chị cho hay: "Thầy chính là người đã ký hồ sơ năm 2004 nhận tôi vào Trường Đại học An Giang sau một cuộc phỏng vấn trước khi thầy đi công tác ở Nhật. Thầy cũng là người đã viết thư giới thiệu cho mình đậu hồ sơ học bổng Master của Ford Foundation 2010 và còn nhiều, nhiều kỷ niệm khác, không sao kể hết".

Sáng nay, nghe tin thầy mất, chị cùng nhiều thế hệ đồng nghiệp trong và ngoài nước của Trường Đại học An Giang liên tục chia sẻ, trao đổi, động viên nhau trước nỗi mất mát này.

Nghe tin thầy Võ Tòng Xuân mất, tôi khóc như đứa trẻ - 2

TS Bùi Thị Ngọc Phương cùng GS.TS Võ Tòng Xuân (Ảnh: N.P).

Còn TS Bùi Thị Ngọc Phương (Trường Đại học Hồng Bàng), khi biết tin thầy qua đời, đã gọi tên thầy trong nghẹn ngào: "Thầy ơi! Dẫu biết sinh lão bệnh tử là lẽ thường, mà sao khó cầm được nỗi buồn đau… Đời người hợp - tan bao bận, nhưng lần chia xa này, sẽ là mãi mãi".

Chị Phương về công tác tại Trường Đại học An Giang vào năm 2006, lúc thầy Xuân còn là hiệu trưởng nhà trường. Vừa chập chững vào nghề, chị may mắn được làm việc và nhận được sự hướng dẫn của thầy.

Khi thầy về hưu, chuyển công tác, chị cũng ít có thời gian gặp thầy hơn. 

Sau đó, chị lại được thầy gọi về giảng cho sinh viên ngành du lịch ở Trường Đại học Nam Cần Thơ, lại có dịp gặp thầy và cùng trao đổi nhiều dự án.

Chị Phương nhớ nhất là dự án với Trường Đại học Iglobal ở Washington, Mỹ vào năm 2019 đưa học bổng về cho sinh viên Việt Nam.

Nghe tin thầy Võ Tòng Xuân mất, tôi khóc như đứa trẻ - 3

TS Phương cùng GS Võ Tòng Xuân trong buổi gặp gỡ lãnh đạo với Trường Đại học Iglobal, Mỹ (Ảnh: N.P).

Chị Phương là người kết nối thầy Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự của Trường Đại học Nam Cần Thơ cùng với thầy David Sohn - chủ trường Trường Đại học Iglobal. 

Hai người thầy trạc tuổi nhau, nói chuyện rất hợp ý về tương lai của học sinh Việt Nam.

Trong buổi gặp hôm ấy, TS Bùi Thị Ngọc Phương chụp ảnh cùng các thầy và cũng tự tay chụp lại những khoảng khắc của hai thầy. 

TS Bùi Thị Ngọc Phương kể: "Mỗi lần gặp, thầy Xuân đều hỏi: "Thời gian qua con đã làm được những gì rồi". Chỉ những lúc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng thầy luôn lắng nghe những thành quả của mình rất chân thành để khen ngợi, động viên".

Với chị Phương, thầy bao nhiêu việc, đi muôn nơi, gặp muôn người mà vẫn nhớ đến mình là điều vô cùng hạnh phúc. Thầy còn hỏi thăm và ghi nhận, động viên chị tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa nên càng trao cho chị thêm nhiều động lực.

Nghe tin thầy Võ Tòng Xuân mất, tôi khóc như đứa trẻ - 4
Nghe tin thầy Võ Tòng Xuân mất, tôi khóc như đứa trẻ - 5

Bức ảnh tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Phương chụp lại tại buổi gặp gỡ giữa thầy Võ Tòng Xuân và thầy David Sohn - chủ trường Trường Đại học Iglobal, Mỹ (Ảnh: NVCC).

TS Phương trải lòng, chị ấn tượng về thầy Võ Tòng Xuân nhiều mặt, đặc biệt nhất là một lối sống lành mạnh với thói quen ăn uống và sinh hoạt khoa học.

Thầy thường chia sẻ với sinh viên bí quyết giúp thầy khỏe mạnh là uống nước 3 trái chanh nguyên chất mỗi buổi sáng trước khi ăn sáng 10-30 phút. Dù ở nhà hay đi công tác, thầy đều giữ thói quen này.

Thầy nói với học trò, uống nước mía tốt cho sức khỏe, hơn các loại nước ngọt, nước có gas mà tụi con hay uống hằng ngày.

Thầy dặn dò sinh viên hãy nghe tin tức thời sự trong và nước ngoài, cập nhật tình hình mỗi ngày.

Thầy kể với các em, thầy mở một trường mẫu giáo song ngữ, không có lời mà còn lỗ nhưng thầy vẫn duy trì với mục đích để trẻ được tiếp cận với tiếng Anh từ nhỏ. Thầy tiếc cho những thế hệ không rành tiếng Anh nên thầy muốn nuôi dưỡng mầm non yêu thích ngoại ngữ cho trẻ từ bé. 

"Thầy Võ Tòng Xuân là tấm gương lao động không mệt mỏi, không ngừng cống hiến cho cộng đồng, cho thế giới với một tinh thần học tập suốt đời và một lối sống lành mạnh. Với tôi, thầy chính là tấm gương để mình phấn đấu", chị Phương cho hay.

GS.TS Võ Tòng Xuân qua đời vào sáng nay (ngày 19/8) tại TPHCM sau thời gian lâm bệnh nặng.

Ông là chuyên gia hàng đầu, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học, nghiên cứu về nông nghiệp của Việt Nam, là chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam hỗ trợ vấn đề an ninh lương thực cho các nước trong khu vực.

GS Võ Tòng Xuân còn được gọi là người cha của nhiều giống lúa gạo ngon ở Việt Nam với hàng loạt các sáng kiến nhằm cải thiện sinh kế của người nông dân, cũng như nâng tầm cao sản của đất nước. 

Ông để lại nhiều dấu ấn trong công tác giáo dục và nghiên cứu. Trong quá trình công tác, ông từng trải qua các chức vụ tại nhiều trường đại học như Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Hiệu Trưởng Trường Đại học An Giang, Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo, Hội đồng sáng lập và quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ. 

Khi qua đời, GS Võ Tòng Xuân đang là hiệu trưởng danh dự của Trường Đại học Nam Cần Thơ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm