Thầy giáo bị sinh viên đòi "solo": "Thầy không thương trò thì ai thương"
(Dân trí) - "Các thầy muốn các em đi học võ là để rèn luyện tác phong, giờ giấc chuẩn chỉnh, sự tôn trọng giáo viên. Đó là lễ nghĩa, tác phong, là tinh thần võ đạo".
Tuần vừa qua, sự việc một sinh viên đòi "solo" với thầy giáo trong lớp học online đã khiến dư luận xã hội bất bình. Sự việc được ghi lại bằng video, chi tiết ra sao dư luận được chứng kiến tận mắt, nghe tận tai.
Sau sự việc, nhà trường trả lời báo chí rằng nam sinh nói trên đã biết lỗi, mong được sửa sai. Nhà trường mong muốn xử lý nội bộ sự việc này, qua đó khẳng định thầy giáo bị sinh viên hỗn xược đồng ý đón học trò trở lại lớp. Dư luận dù không đồng tình với hành vi, lời nói của nam sinh nhưng lại dành lời khen hết lời cho người thầy giáo có tấm lòng rộng mở.
Chính thái độ bình tĩnh, không nóng nảy và kiên nhẫn của vị thầy giáo không lộ mặt trong video đã khiến nhiều cư dân mạng cảm phục. Một bình luận của cư dân mạng về vụ việc này nói rằng: "Mình xem clip mà còn thấy nóng mặt. Sinh viên kia dùng lời lẽ "sốc óc" mà thầy rất từ tốn, còn nói "Em nói xong rồi thầy nói". Là mình thì mình không làm được".
Từ cảm phục thầy giáo, dư luận lại càng thêm tò mò về người giảng viên "chỉ nghe thấy tiếng, không thấy mặt" trong sự việc này.
Mới đây, thầy giáo mà dư luận tò mò đã lộ diện. Thầy là một võ sư, tên là Lữ Thanh Xuân.
Võ sư Lữ Thanh Xuân bắt đầu dạy môn giáo dục thể chất tại Đại học FPT ngay từ khóa 1 (năm 2007) với vai trò giảng viên thỉnh giảng. Đến đầu năm 2009, thầy trở thành giảng viên cơ hữu đầu tiên dạy Vovinam tại ĐH FPT nên vẫn thường được gọi với biệt danh là "lão đại" đầu tiên.
Từ tháng 7/2021, thầy Lữ Thanh Xuân là Chủ nhiệm bộ môn Vovinam tại Cao đẳng FPT Polytechnic.
Thầy Lữ Thanh Xuân quan niệm: "Học làm người trước, học võ sau. Từ trước đến nay, tôi luôn đề cao việc chia sẻ để thầy hiểu trò và trò hiểu thầy".
14 năm gắn bó với nghề thầy giáo, võ sư Lữ Thanh Xuân từng chia sẻ suy nghĩ: "Một người thầy có đạo đức, có hiểu biết mà còn không thương nổi đứa học trò hư thì không biết trò sẽ thế nào? Ai sẽ thương nó? Chính mỗi người học trò cũng sẽ cho thầy những bài học. Những bài học để mình làm thầy ngày càng tốt hơn nữa, để trò đến với mình là đến với sự tử tế nhất".
Ngày 26/9, thầy Xuân tham gia chương trình giao lưu, giải đáp các vấn đề thắc mắc cho sinh viên về học võ Vovinam trực tuyến. Chương trình đã được chuẩn bị từ 1 tháng trước. Tuy nhiên trùng hợp vào thời điểm xảy ra vụ việc khiến dư luận quan tâm nên có càng nhiều người trẻ xem livestream.
Là diễn giả chính, thầy Xuân chia sẻ trăn trở của những người giáo viên: "Khi bắt đầu phải học online, chúng tôi cũng nghĩ rằng phải dạy như thế nào đây? Rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là, vừa là thầy dạy võ, vừa phải mày mò quay phim, đặt góc máy như thế nào để sinh viên nhìn rõ thao tác là thách thức với chúng tôi.
Thứ hai là đôi khi nhìn thấy học trò sai nhưng không thể sửa tận nơi, người thầy cũng cảm thấy áy náy trong lòng. Thứ ba là việc rèn luyện đối kháng 1-1 không thể thực hiện. Thứ tư là vấn đề quản lý lớp cũng khó khăn, sinh viên ra khỏi lớp lúc nào không ai hay. Thứ năm là thầy trò khó hiểu lẫn nhau, khó nắm bắt tâm tư tình cảm của sinh viên".
Tuy nhiên, thầy Xuân cũng như các đồng nghiệp luôn khát vọng đổi mới để thích nghi với hoàn cảnh. "Chúng tôi tự hỏi, tại sao các môn khác học được, mình không thử xem sao. Vì dịch bệnh không biết như nào mới kết thúc. Vì vậy, chúng tôi đã chuyển nguy cơ thành hành động, khắc phục được khó khăn và đã trải qua hai kỳ dạy học suôn sẻ", thầy Xuân cho hay.
Việc dạy võ - là môn học giáo dục thể chất tại CĐ FPT Polytechnic, được thầy Xuân và các giáo viên bộ môn này đơn giản hóa rất nhiều. Lấy ví dụ, yêu cầu ở trên lớp là 10 thì học online chỉ yêu cầu 5-6 phần, làm sao cho đơn giản, thuận lợi nhất cho sinh viên.
Tuy giảm tiêu chí kỹ thuật của môn học nhưng bù lại, các giáo viên dạy giáo dục thể chất yêu cầu sinh viên đảm bảo về mặt ý thức, kỷ luật khi tham gia môn học.
Thầy Xuân nói: "Các thầy muốn các em đi học võ là để rèn luyện tác phong, giờ giấc chuẩn chỉnh, sự tôn trọng giáo viên. Đó là lễ nghĩa, tác phong, là tinh thần võ đạo".
Nhiều sinh viên tham gia giao lưu trực tuyến cùng với thầy Lữ Thanh Xuân xác nhận rằng các thầy cô rất nhiệt tình hướng dẫn tập võ dù cách một chiếc màn hình. Tuy vậy, các bạn cũng gặp không ít trở ngại bởi đường truyền mạng Internet, không gian tập võ tại nhà...
Một bạn sinh viên đặt câu hỏi rằng nếu sinh viên sức khỏe yếu, không có tố chất vận động thì làm cách nào để qua môn giáo dục thể chất?
Thầy Xuân trả lời: "Các thầy cô giáo quan tâm nhất là vấn đề ý thức học tập. Có những bạn sức khỏe rất yếu nhưng tinh thần học tập rất tốt, không vắng mặt buổi nào, thầy cô vẫn tạo điều kiện để bạn qua môn".
Sinh viên đặt câu hỏi về vấn đề nếu nghỉ học quá số buổi được cho phép thì phải làm như thế nào, thầy Xuân đáp: "Tôi mong rằng kỳ học này các bạn không phải giải quyết những bạn nghỉ học quá số buổi. Nếu các bạn sinh viên có công việc, có chuyện phải giải quyết thì các bạn nên báo cho thầy cô giáo biết, từ đó tìm ra hướng giải quyết phù hợp. Nếu như các bạn cứ im lặng nghỉ học không lý do thì giáo viên rất khó thông cảm".
Phong cách trò chuyện thẳng thắn, điềm đạm của người thầy giáo này khiến cho các bạn sinh viên "tâm phục, khẩu phục". Trong phần bình luận tương tác với buổi phát sóng trực tuyến, rất nhiều sinh viên bày tỏ sự ngưỡng mộ thầy Xuân, điển hình như: "Mãi thuộc về đội thầy Xuân", "Thầy trả lời rất thiết thực", "Em học đủ tất cả các buổi của thầy"...