Thầy giáo ung thư giai đoạn cuối vẫn đi dạy, sinh viên chen chân nghe giảng

Bích Ngọc

(Dân trí) - Câu chuyện về Giáo sư triết học Zhu Rui, giảng dạy tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, vẫn đến lớp đều dù mắc ung thư giai đoạn cuối đang thu hút dư luận ở đất nước này.

Lớp học của thầy giáo ung thư giai đoạn cuối

Dù bị ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối, thầy Zhu Rui (56 tuổi) vẫn muốn dùng những ngày tháng cuối đời mình để dạy học. Sức khỏe suy giảm mỗi ngày, thầy vẫn đăng ký lịch dạy đều với nhà trường trong suốt năm học vừa qua.

Những ngày thầy Zhu đi dạy, thầy phải chống gậy vì đi không còn vững. Thầy công khai chia sẻ với các sinh viên về tình trạng sức khỏe của mình. Để có thể đứng lớp, thầy Zhu phải dùng thuốc giảm đau.

Thầy giáo ung thư giai đoạn cuối vẫn đi dạy, sinh viên chen chân nghe giảng - 1

Thầy Zhu Rui đang giảng dạy tại khoa triết học của Đại học Nhân dân Trung Quốc (Ảnh: SCMP).

Biết các sinh viên lo lắng cho mình nhiều, thầy Zhu luôn trấn an học trò: "Đừng sợ hãi bệnh tật, bởi một khi bệnh tật xuất hiện, ta chỉ còn cách đương đầu. Đừng cảm thấy buồn thương cho thầy. Ngay cả khi thầy bị ngất trên lớp vào một ngày nào đó, đừng quá buồn bã, lo lắng.

Nếu các em thực sự hiểu các triết lý về cuộc sống đúng theo tinh thần triết học, các em sẽ giống như thầy. Chúng ta không sợ kết thúc cuối cùng mà tất cả mọi người rồi đều phải đối mặt".

Thái độ cởi mở và tích cực của thầy Zhu trước nghịch cảnh khiến nhiều sinh viên sửng sốt. Sau khi câu chuyện về thầy được truyền thông đăng tải, nhiều người ở các thành phố khác đã tìm tới Bắc Kinh. Họ xin được ngồi trong giảng đường nghe thầy giảng một buổi. Có những buổi học, sinh viên ở các khoa khác cũng tìm tới lớp của thầy Zhu, giảng đường chật cứng.

Thầy Zhu đã giảng dạy tại Mỹ trong 3 thập kỷ trước khi quay trở về giảng dạy tại các trường đại học ở Trung Quốc. Sau cùng, thầy gắn bó với Đại học Nhân dân Trung Quốc kể từ năm 2018. Thầy Zhu phát hiện ra mình bị ung thư trong năm 2022. Khi ấy, các bác sĩ đã cho biết thầy sống được khoảng... 5 năm nữa.

Lúc phát hiện bệnh, các tế bào ung thư đã lan rộng sang các bộ phận nội tạng khiến thầy Zhu chịu nhiều đau đớn. Thầy quyết định sẽ nhìn nhận tình trạng bệnh và cuộc đời mình từ góc độ triết học.

"Chính khi sức khỏe biến động, thầy cảm nhận rõ sự sống của mình hơn bao giờ hết. Thầy đã ngưng hóa trị hồi tháng 3 năm nay, bởi phương pháp này không phát huy tác dụng với thầy. Bệnh của thầy không chữa được.

Bây giờ, thầy không còn phải tuân thủ lịch điều trị nữa. Thầy có thể đi dạy đúng giờ và không phải nghỉ một buổi nào", thầy Zhu chia sẻ với các sinh viên trong giai đoạn cuối năm học vừa qua.

Thầy Zhu đã quan sát, phân tích chính những trải nghiệm của mình khi đương đầu với trọng bệnh để làm chất liệu giảng dạy và phục vụ nghiên cứu.

Các sinh viên của thầy Zhu cho biết dù thầy bệnh nặng, nhưng mỗi khi lên lớp, thầy luôn thể hiện sự nhiệt huyết khiến sinh viên bị lôi cuốn tới mức quên cả việc thầy đang phải chiến đấu với bệnh nan y.

"Hãy bước đi trong đời bằng trái tim rộng mở và tấm lòng lương thiện"

Thầy giáo ung thư giai đoạn cuối vẫn đi dạy, sinh viên chen chân nghe giảng - 2

Thái độ của thầy Zhu trước nghịch cảnh khiến nhiều sinh viên sửng sốt (Ảnh: SCMP).

Trong lễ tốt nghiệp của hơn 8.000 sinh viên trường Đại học Nhân dân Trung Quốc hồi tháng 6 vừa qua, một đoạn clip ghi lại lời nhắn nhủ của thầy Zhu gây cảm động. Nội dung lời nhắn nhủ của thầy đã lan truyền trên mạng xã hội. Thầy Zhu nói về trạng thái "nằm yên, mặc kệ đời" của một bộ phận người trẻ tại Trung Quốc hiện nay.

Đây là vấn đề đang được nhà chức trách và ngành giáo dục Trung Quốc rất quan tâm. Theo thầy Zhu, vấn đề của hiện tượng này nằm ở cách tư duy cuộc sống và đời sống nội tâm của mỗi cá nhân. Khi tư duy càng rắc rối, phức tạp, con người càng bất lực và mất đi khả năng hành động.

"Nhiều khi chúng ta mệt mỏi và hỗn loạn không phải bởi có quá nhiều áp lực và sự cạnh tranh. Chúng ta cũng không thiếu thốn gì trầm trọng, nhưng vẫn suy sụp, khủng hoảng. Thường nguyên nhân vấn đề lại đến từ việc chúng ta ham muốn quá nhiều, tham vọng quá lớn.

Chúng ta muốn có những thứ rất giống nhau. Nhiều khi mọi người vật lộn mệt nhoài để mong đạt được những thứ quá giống nhau", thầy Zhu nói.

Để không rơi vào trạng thái "nằm yên, mặc kệ đời" vì cảm thấy bất lực, chán chường, thầy Zhu hy vọng sinh viên ra trường sẽ biết cân đối giữa tham vọng cá nhân và nhận thức về chân giá trị.

"Tương lai luôn chứa đựng nhiều điều bất ngờ, dù cuộc sống của các em phải đối diện với những gì, hãy bình tĩnh vận dụng trí tuệ khôn ngoan, ý chí kiên cường, tấm lòng lương thiện và trái tim rộng mở để đối diện xử lý. Sau cùng, những điều tốt đẹp rồi sẽ tới với các em", thầy Zhu nói.

Theo SCMP/Baijiahao

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm