Nghề quản trị nhà hàng sẽ "sống" ra sao sau đại dịch Covid-19?
(Dân trí) - Ngành ẩm thực, nhà hàng đang bị ảnh hưởng nặng nề do không có du khách quốc tế. Tại nhiều địa phương, những nơi này bị đóng cửa vì giãn cách xã hội... khiến hàng loạt nhân viên đầu bếp mất việc…
Khi dịch hết, ngành hiếu khách sẽ bùng nổ
Theo thạc sĩ Võ Công Trí, Phó Giám đốc Tuyển sinh - Truyền thông trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn (BKC), quản trị nhà hàng là ngành học chuyên sâu về lĩnh vực quản lý các công việc cụ thể tại nhà hàng như các khâu ẩm thực, yến tiệc, hội nghị, sự kiện…
Hiểu tổng thể, ngành quản trị nhà hàng là quản lý và tổ chức các hoạt động lên kế hoạch làm việc cụ thể, khoa học cho từng bộ phận và phân công, đôn đốc nhân viên thực hiện đúng kế hoạch, lập các báo cáo kết quả tài chính, lập ra quy tắc trong việc quản lý nhân sự, quản lý việc chế biến thực phẩm…
Trong 2 năm 2020 và 2021, ngành ẩm thực, nhà hàng bị ảnh hưởng nặng nề, không có du khách quốc tế, tại nhiều địa phương như TPHCM lại bị đóng cửa khi giãn cách xã hội, hàng loạt nhân viên nhà hàng, đầu bếp mất việc… Tình hình này khiến nhiều người lo lắng.
Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Tuấn (người có kinh nghiệm xây dựng một chuỗi nhà hàng ở TPHCM), khó khăn của ngành này là khó khăn chung của nền kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19, chứ không phải do sụt giảm nhu cầu. Ông tin tưởng sau khi dịch Covid-19 được khống chế, ngành ẩm thực, nhà hàng sẽ phát triển mạnh mẽ trở lại.
Ông Trần Anh Tuấn chia sẻ, anh em trong ngành ăn uống đều tin, sau khủng hoảng, những ngành hiếu khách như du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn sẽ là những ngành bùng nổ mạnh nhất. Do đó, nhu cầu nhân sự ngành này có thể sẽ tăng cao khi ngành ăn uống được cho phép mở lại.
Không phải lo bị thất nghiệp
Theo thạc sĩ Võ Công Trí, quản trị nhà hàng là ngành học có cơ hội xin việc dễ dàng nhất trong hệ thống các nghề hệ cao đẳng. Trong điều kiện không bị yêu cầu đóng cửa để phòng chống dịch thì nhu cầu ẩm thực rất cao, ngành nhà hàng luôn không ngừng phát triển, sinh viên tốt nghiệp ngành này không phải lo bị thất nghiệp.
Cơ hội xin việc của sinh viên quản trị nhà hàng cao còn là vì vị trí việc làm của ngành này rất đa dạng. Cụ thể, người học ngành này có thể làm các công việc như: Tổ chức sự kiện ẩm thực; Tư vấn, tổ chức và điều hành tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, chuỗi nhà hàng, chuỗi cafe cao cấp, trung tâm tổ chức yến tiệc - hội nghị; Quản trị nhà hàng, dịch vụ ẩm thực, dịch vụ chăm sóc khách hàng…
Ngoài ra, sinh viên ngành này còn có thể làm hướng dẫn viên du lịch, thiết kế tour, tổ chức sự kiện, hội nghị; Chuyên viên kinh doanh, phát triển các dịch vụ du lịch, khách sạn; Thăng tiến thành quản lý, điều phối nhân sự…
Ông Võ Công Trí cho biết, sinh viên quản trị nhà hàng có thể hưởng được mức lương từ 8 đến 10 triệu đồng khi mới ra trường, chưa tính các khoản trợ cấp, tiền tip từ phía khách hàng… Tại các vị trí cấp cao hơn thì mức lương sẽ vượt ngưỡng 20 triệu đến vài chục triệu đồng.
Phó giám đốc Tuyển sinh - Truyền thông BKC chia sẻ, theo học ngành quản trị nhà hàng, sinh viên được cung cấp nhiều kiến thức chuyên ngành như quản trị dịch vụ ăn uống, kế toán thương mại - dịch vụ, phân tích du lịch, phương pháp xây dựng khẩu phần, thực đơn, dinh dưỡng học, tổ chức hội nghị, hội thảo...
Ngoài ra, sinh viên BKC còn được dạy các kỹ năng giao tiếp, xử lý vấn đề, phân tích và xây dựng chiến lược, tiếng Anh... để đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nghiệp trong môi trường du khách quốc tế ngày càng nhiều.