Mở cửa du lịch: Ưu tiên an toàn, sẽ không có "bão" giảm giá
(Dân trí) - Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, du khách hiện nay không chỉ mong chờ vào việc giảm giá mà vấn đề họ có được đi an toàn, được hưởng sản phẩm du lịch chất lượng, phù hợp hay không?
Nhìn lại 2 năm vừa qua, "bức tranh" du lịch Việt Nam rất ảm đạm do các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Năm 2020, ngành du lịch Việt Nam chỉ đón được khách quốc tế trong 3 tháng đầu tiên, tiếp đà những năm trước, chúng ta đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với năm 2019.
Sau 4 đợt dịch bùng phát, nguồn lực doanh nghiệp đã hết sức cạn kiệt. Khi du lịch đã "chạm đáy", tính đến thời điểm này, việc khôi phục du lịch là một trong những yêu cầu cấp bách của tất cả những người làm du lịch và doanh nghiệp du lịch.
Đặc biệt, ngày 11/10 vừa qua, Chính phủ đã có Nghị quyết 128 rất quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục lại hoạt động kinh doanh. Đó là sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để khôi phục lại hoạt động kinh doanh.
Trong điều kiện bình thường mới, Tổng cục Du lịch khẳng định, các doanh nghiệp, địa phương, vùng du lịch đều lấy an toàn là tiêu chí hàng đầu, quan trọng. Đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch mong muốn quay trở lại họ đều đã có sự chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn trong việc cung ứng các dịch vụ.
Nhận định về tầm quan trọng của tiêu chí an toàn để mở cửa du lịch bối cảnh "bình thường mới" này, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Thương mại và Marketing Vietjet Air, cho biết: "Có lẽ là sự thay đổi lớn nhất với hàng không trong thời điểm dịch Covid-19 là khái niệm an toàn. Các chuyến bay an toàn đã xuất hiện và trở thành nhu cầu quan trọng nhất. Nếu không an toàn khách sẽ không đi".
Vietjet Air đã hướng tới chương trình rất lớn là các chuyến bay an toàn, chuyến bay xanh. Muốn có du lịch an toàn thì tất cả các khâu phải an toàn. An toàn cho khách du lịch từ đầu tới cuối.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn xây dựng cả một hệ thống để ứng phó với các tình huống, đầu tư vào công nghệ như xây dựng hệ thống Việt Nam khỏe mạnh trong các chuyến bay. Tất cả gói gọn trong nền tảng hiện đại, có thể theo dõi xét nghiệm, tiêm chủng, khai báo y tế, khai báo di chuyển… nếu cần có thể truy vết nhanh chóng, lập tức.
Bên cạnh tiêu chí an toàn về phòng chống dịch, câu hỏi được nhiều khách du lịch đặt ra thời điểm này là các đơn vị du lịch, lữ hành, máy bay… có các chính sách ưu đãi, giảm giá để kích cầu người dân đi du lịch sau dịch hay không?
Trả lời cho những thắc mắc này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: "Thực ra, kích cầu du lịch là việc làm cần thiết trong giai đoạn ngắn hạn để hỗ trợ cho một ngành kinh tế hồi phục. Thời gian qua, các chương trình kích cầu cũng đã có thành công. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều thứ. Chúng ta không thể mang thứ "cũ" để thích ứng với giai đoạn mới này".
Khái niệm kích cầu của giai đoạn này đã khác trước rất nhiều, nên bỏ khái niệm giảm giá, thay vào đó, các doanh nghiệp, đơn vị chuẩn bị những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất, quan tâm đến sự an toàn cho du khách.
Đồng quan điểm với ông Vũ Thế Bình, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Thương mại và Marketing Vietjet Air bày tỏ: "Đối với chất lượng sản phẩm du lịch thì đây là giai đoạn quan trọng, nếu chất lượng không đạt sẽ ảnh hưởng tới việc quay trở lại du lịch trong giai đoạn mới".
Đại diện Vietjet Air cũng cam kết đồng hành với các đơn vị đưa ra gói sản phẩm tốt nhất, an toàn nhất và giá hợp lý nhất. Nếu như trước đây chúng ta tập trung vào gói sản phẩm từ 10 người trở lên thì bây giờ xu thế gia đình sẽ lựa chọn đi với nhau, để hạn chế tiếp xúc.
Điều quan trọng, để khôi phục du lịch, chúng ta cần có sự chủ động và trách nhiệm: "Khi ta làm mọi việc một cách có trách nhiệm có nghĩa là chúng ta làm việc và nghĩ tới xã hội, cộng đồng. Như vậy việc cạnh tranh không lành mạnh cũng sẽ giảm đi và như vậy, chúng ta có thể từng bước mở cửa du lịch an toàn", đó là lời khẳng định của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam.