14 tác phẩm đoạt giải "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường"

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Chiều 15/11, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường" năm 2022.

Được phát động từ tháng 7/2022, Ban Tổ chức nhận được hơn 60.000 bài dự thi. Ban Giám khảo cuộc thi đã chọn được 98 bài vào vòng chung khảo.

Trong số này, Ban giám khảo đã chọn ra 14 tác phẩm xuất sắc nhất để trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 8 giải Khuyến khích.

Ngoài ra, 2 đơn vị có số lượng bài dự thi lớn, đạt chất lượng tốt được trao giải tập thể và 2 giải thưởng phụ được trao cho hai tác giả nhỏ tuổi dự thi, tổng tất cả có 18 giải thưởng.

14 tác phẩm đoạt giải Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường - 1

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT (Ảnh: M. Hà).

Theo BTC, cuộc thi nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân: Từ trí thức, các nhà giáo, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; học sinh, sinh viên…

Trong số các tác giả dự thi, phần lớn là các tác giả không chuyên, nhưng cũng có một số các tác giả dự thi là phóng viên, nhà văn chuyên nghiệp tham dự.

Nhiều địa phương, cơ sở giáo dục đã chủ động tổ chức cuộc thi cấp Trường/cấp Phòng/cấp Sở; tổ chức chấm và chọn những bài chất lượng để gửi về Ban tổ chức cuộc thi.

Được tổ chức từ năm 2011 với tên gọi "Những kỷ niệm sâu sắc về giáo viên chủ nhiệm và công tác chủ nhiệm lớp", bắt đầu từ 2018, Cuộc thi mang tên "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường" và được tổ chức thường niên. 

Cuộc thi ghi nhận, tôn vinh những thầy giáo, cô giáo có thành tích, việc làm tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục; ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy học, giáo dục học sinh; lan tỏa những tình cảm tốt đẹp của học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh đối với thầy cô, mái trường.

Nhiều năm qua, cuộc thi luôn nhận được hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, thể hiện ở số lượng bài dự thi nhận được rất lớn mỗi năm (từ 20.000 đến gần 80.000 tác phẩm). Riêng năm 2022, có hơn 60.000 tác phẩm gửi dự thi.

Theo thể lệ của cuộc thi, các bài dự thi tập trung vào 2 chủ đề chính: Thầy cô giáo và mái trường.

Hình ảnh của thầy/cô giáo được viết đến trong các tác phẩm dự thi ở nhiều góc độ khác nhau.

Đó là ký ức của cô giáo Nguyễn Thị Liên, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị về thầy giáo Hoàng Đức Vinh- người thầy bình dị, gần gũi, ấm áp và chân thành. Từ một bài Tập làm văn đầu tiên thầy dạy "Một điều nhịn, chín điều lành", cô học trò hay cãi lại lời mẹ đã nhận ra lỗi của mình, đã thay đổi cách ứng xử với mẹ.

Qua những giờ học của thầy, cô học trò Liên đã lựa chọn và yêu nghề giáo. Hôm nay, khi là một giáo viên có 20 năm đứng lớp, cô Liên vẫn vững tin với con đường mà mình đã lựa chọn.

Thầy trò cô Liên đã đi qua những năm tháng bình dị, đẹp đẽ nhưng sâu nặng nghĩa tình thầy trò. Cô xem thầy chính là người cha thứ hai của mình. Đã có lúc, giữa bộn bề, lo toan của cuộc sống, cô Liên tìm về một chỗ dựa bình lặng, yên ả và vững vàng nhất chính là người thầy bình dị đó.

14 tác phẩm đoạt giải Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường - 2

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cùng cô giáo Nguyễn Thị Liên, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị (Ảnh: M. Hà).

Đó là hình ảnh em Nguyễn Quang Minh- học sinh khuyết tật qua ký ức của cô giáo Trương Thị Thủy - giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Minh ở với bà nội, mẹ bỏ đi, bố vào miền Nam kiếm sống. Thấu hiểu về hoàn cảnh của em Minh, cô Thủy đã cùng với các bạn trong lớp giúp Minh học tập.

Những nét chữ nguệch ngoạc, những con số rời rạc, những phép tính chưa đặt thẳng hàng, ngày qua ngày cô trò cần mẫn rồi cũng có kết quả.

Bảng cộng ấy hoàn thành trong niềm vui của cô Thủy không phải chỉ đơn giản là kiến thức mà với cô Thủy đó là cái cảm giác chạm lấy bàn tay bé nhỏ của Minh, nắm thật chặt lấy bàn tay ấy bước những bước đi đầu tiên trên con đường học tập của em.

Hay hình ảnh người về người mẹ làm giáo viên của em Nguyễn Thị Hồng Dương - học sinh lớp 11 Hóa, Trường THPT Chuyên Sơn La, tỉnh Sơn La. Trường chính chỉ cách thành phố Sơn La có 17 km nhưng địa bàn tuyển sinh lại là học sinh của 12 xã vùng sâu, vùng xa của huyện Mai Sơn. Có những bản cách trường khoảng 80 km.

Từ những chuyến đi của mẹ, em Nguyễn Thị Hồng Dương bắt đầu yêu nghề giáo, mong muốn góp phần nhỏ bé của mình để cùng các em nhỏ vùng cao trong hành trình chinh phục ước mơ.

Phát biểu tại lễ trao giải, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, không chỉ là nơi để thể hiện tình cảm tri ân với người thầy, với mái trường, cuộc thi cũng là cơ hội để những người giáo viên chia sẻ chuyện nghề, chuyện đời.

Nhiều bài viết với tình huống, kinh nghiệm có thực khiến người đọc cảm phục bởi lòng nhân hậu, tính kiên nhẫn, đức hy sinh của các thầy cô.

Sự lan tỏa giá trị của cuộc thi trong những năm qua cho thấy, mái trường và các thầy cô giáo đã để lại ấn tượng đẹp đẽ, sâu sắc, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh và các tầng lớp nhân dân.

Đây là động viên to lớn, tạo động lực cho ngành Giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong công việc nhiều vinh quang, nhưng cũng đầy thử thách.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm