Quảng Bình
Chuyện khó tin khi thiếu hàng nghìn giáo viên vẫn phải tinh giản biên chế
(Dân trí) - Dù đang phải triển khai nhiều phương án khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thế nhưng đầu năm 2023, ngành giáo dục Quảng Bình sẽ tiếp tục cắt giảm gần 500 biên chế theo lộ trình tinh giản.
Theo thống kê, năm học 2022-2023, toàn ngành giáo dục Quảng Bình thiếu gần 2.000 biên chế so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết, việc thiếu nhiều giáo viên là do thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo lộ trình, chính điều này đang gây ra nhiều khó khăn cho ngành giáo dục tỉnh này.
Theo ông Tuấn, thời gian qua, ngành giáo dục Quảng Bình đã nỗ lực, vượt qua những khó khăn, áp lực để có thể hoàn thành nhiệm vụ dạy học. Tuy nhiên, việc thiếu giáo viên khiến nhiều cán bộ quản lý, giáo viên phải kiêm nhiệm, dạy vượt mức, trái với chuyên môn, trong khi không có kinh phí, thiếu cơ chế chi trả, chế độ tiền lương, phụ cấp đặc thù còn thấp, nhiều bất cập.
Nhiều trường học có số học sinh vượt mức quy định, một số môn học bắt buộc theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 không có giáo viên. Cũng vì thiếu giáo viên, nhiều trẻ mầm non đúng độ tuổi chưa được đến trường, nhiều trường phải ghép lớp.
Cô Nguyễn Thị Thủy Ngân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, năm học 2022-2023, trường này tuyển sinh mới 175 trẻ. Thế nhưng, trên địa bàn hiện còn gần 100 trẻ trong độ tuổi chưa được đến trường. Không có giáo viên nên trường không thể tuyển sinh hết số trẻ này. So với năm học 2021-2022, trường phải tinh giản 7 giáo viên và cắt giảm 3 lớp.
Ngoài việc phải giảm số lượng tuyển sinh, Trường Mầm non Thanh Trạch còn buộc phải ghép khiến nhiều lớp có số trẻ vượt quá quy định. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, giáo viên vất vả hơn mà còn khiến các bậc phụ huynh lo lắng.
Còn tại Trường Tiểu học Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, sau 2 tháng các em học sinh lớp 3B không có giáo viên chủ nhiệm thì đầu tháng 11, ban giám hiệu nhà buộc phải chuyển giáo viên tổng phụ trách đội về làm chủ nhiệm. Ngoài công tác chủ nhiệm, cô giáo tổng phụ trách đội này còn phải "gánh" thêm việc giảng dạy môn Tiếng Việt cho các em, những công việc vốn không đúng chuyên môn và sở trường.
"Những năm trước thì tôi dạy các môn khoa học, sử, địa và hoạt động công tác đội, tuy nhiên năm nay phải đảm nhận thêm nhiệm vụ mới là làm giáo viên chủ nhiệm, dạy môn Tiếng Việt nên tôi rất áp lực và lo lắng. Làm nhiều nhiệm vụ cùng lúc nên thời gian dành cho lớp chủ nhiệm cũng sẽ không được nhiều, điều này khiến tôi rất băn khoăn", cô giáo Lê Thị Kim Ngân, giáo viên Trường Tiểu học Hạ Trạch chia sẻ.
Theo số liệu, năm học 2022-2023, các trường học tại Quảng Bình có 283 lớp phải nhập, 75 giáo viên dạy liên trường, 632 giáo viên dạy chéo môn, 46 nhân viên làm việc trái chuyên môn, gần 2.500 giáo viên làm việc vượt định mức. Nhiều trường không có tổng phụ trách đội, thiếu cán bộ quản lý và buộc phải gỡ khó bằng những giải pháp tạm thời.
Hiện ngành giáo dục Quảng Bình được giao 16.616 biên chế, trong khi, số biên chế cần có là 18.540, thiếu gần 2.000 biên chế. Nếu theo đúng lộ trình tinh giản, thì đầu năm 2023, ngành giáo dục Quảng Bình sẽ tiếp tục phải cắt giảm 498 biên chế.
Đội ngũ giáo viên là một trong những nhân tố quyết định đến chất lượng giáo dục cũng như thành công của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bởi vậy các bộ, ban, ngành... cần có cơ chế hợp lý trong bố trí, sắp xếp biên chế giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, đảm bảo quyền lợi của giáo viên và học sinh.