Ngành đăng ký môn thi chính: Điểm dưới mức sàn vẫn trúng tuyển!

(Dân trí) - Mức điểm xét tuyển cơ bản nhằm mục đích đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, “sáng kiến” độc đáo nhân hệ số ưu tiên đã tạo điều kiện cho một số thí sinh đăng ký vào trường/ngành có môn thi chính từ hết cơ hội đỗ ĐH lại trở thành trúng tuyển!

Có một sự đánh đồng khó hiểu trong việc xác định điều kiện thí sinh đáp ứng được điều kiện mức xét tuyển cơ bản của Bộ GD-ĐT đưa ra bằng hai công thức tính khác nhau.

Nếu những thí sinh không đăng ký vào trường hoặc ngành có môn thi chính thì tổng điểm 3 môn thi + điểm ưu tiên (nếu có) phải đạt mức xét tuyển cơ bản tối thiểu của Bộ GD-ĐT đưa ra trở lên (mức xét tuyển cơ bản tối thiểu năm nay đối với các khối A, A1, C, D1 là 13,0 điểm; khối B là 14,0 điểm).

Những thí sinh đăng ký vào trường hoặc ngành có môn thi chính (giả sử môn thi thứ 3 là môn thi chính) thì tính theo công thức [Điểm môn 1 + điểm môn 2 + điểm môn 3*2] + điểm ưu tiên (nếu có)*4/3 = mức điểm sàn tối thiểu *4/3. Như vậy đối với các trường có môn thi chính thì mức điểm chuẩn của trường đưa ra không được thấp hơn 13*4/3 = 17,33 đối với khối A, A1, C, D.

Từ sáng kiến này dẫn đến một câu chuyện khá “hài hước” xảy ra. Chúng tôi sẽ minh chứng qua ví dụ sau: Một thí sinh dự thi không có điểm ưu tiên với điểm thi khối A lần lượt là Toán 1 điểm, Lý 1 điểm và Hóa 8 điểm. Mức điểm sàn khối A tối thiểu là 13,0. Nếu không có môn thi chính thì tổng điểm của thí sinh là 1+1+8 =10 điểm xét tuyển cơ bản tối thiểu ĐH khối A là 3 điểm, chắc chắn hết cơ hội trúng tuyển ĐH.

Nếu giả sử dự thi vào trường hoặc ngành có môn thi chính là môn thi có điểm cao nhất (ở đây là môn Hóa) thì công thức sẽ được tính: 1+ 1+ 8*2 = 18 điểm > 13*4/3 =17,33. Như vậy thí sinh này lại đạt mức xét tuyển cơ bản tối thiểu. Cách làm này lạc hậu so với phương thức các trường làm trước đây [với các ngành có môn thi nhân hệ số thì ngoài việc đạt được mức điểm chuẩn của trường đưa ra thì phải đạt mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT trở lên (tổng điểm 3 môn thi (không có môn nào nhân hệ số) + điểm ưu tiên phải đạt từ sàn trở lên)].

Như vậy, nếu một trường xác định điểm chuẩn ngành có môn thi chính sau khi nhân hệ số 17,33 thì hàng loạt thí sinh hết cơ hội trúng tuyển ĐH lại trở thành trúng tuyển (số lượng này sẽ còn tăng mạnh lên thí sinh có điểm ưu tiên được tính theo công thức mới). Nếu một thí sinh có tổng điểm ưu tiên là 3,5 điểm thì có thể tổng điểm 3 môn thi chỉ cần 7,5 điểm là có thể trúng tuyến với mức điểm chuẩn của ngành có môn thi chính là 17,33.

Ví dụ, thí sinh dự thi khối A, ngành Hóa học - môn thi chính là Hóa học và điểm môn thi lần lượt là Toán 1 điểm, Lý 1 điểm, Hóa 5,5 điểm; Thí sinh này có tổng điểm ưu tiên là 3,5.

Tổng điểm xét tuyển của thí sinh này được tính: [1 + 1 +5,5*2] + 3,5*4/3 = 13 + 3,5*4/3 = 17,66 điểm, như vậy thí sinh này trúng tuyển.

Để minh chứng cho điều chúng tôi nói ở trên, xin lấy dữ liệu Trường ĐH Cần Thơ làm một ví dụ. Thí sinh T.T.M.N, số báo danh (SBD) 60313 dự thi ngành Kinh tế Tài nguyên thiên nhiên khối D1, môn thi chính là Toán. Thí sinh này thuộc khu vực 1 (có điểm ưu là 1,5). Điểm chuẩn của ngành này khối D1 là 17,5.

Kết quả xét tuyển của SBD 60313
Kết quả xét tuyển của SBD 60313.

Điểm thi của thí sinh T. T. M. N lần lượt là Toán 4,75, Ngoại ngữ 2,75 và Văn 3,5. Nhà trường tính tổng điểm xét tuyển của em: [4,75*2 +2,75 + 3,5] + 1,5*4/3 = 16 (tổng 15,75 nhưng làm tròn tổng điểm môn thi nên lên 16,0) + 2 =18 điểm. Như vậy thí sinh này đã trúng tuyển, tra cứu danh sách trúng tuyển có tên em.

Xác nhận em T.T.M.N đã trúng tuyển và được thông báo trên website nhà trườn
Xác nhận em T.T.M.N đã trúng tuyển và được thông báo trên website nhà trường.

Hãy nhìn điểm điểm thực tế của thí sinh này. Tổng điểm 3 môn là 4,75+2,75+3,5 = 11 điểm, nếu theo ưu tiên thông thường sẽ được (11 + 1,5) = 12,5. Như vậy thí sinh sẽ dưới mức điểm xét tuyển cơ bản của Bộ GD-ĐT.

Hàng năm, nếu như các thi sinh có tổng điểm 3 môn thi (không nhân hệ số) + điểm ưu tiên (nếu có) dưới điểm sàn ĐH thì hết cơ hội. Nhưng với những gì chúng tôi giải thích ở trên thì các em lại tiếp có cơ hội đỗ ĐH nếu đăng ký xét tuyển NV2 vào các trường có môn thi chính thông báo còn chỉ tiêu.

Nghịch lý ở chỗ, chúng ta đang muốn nâng đầu vào chất lượng giáo dục ĐH nhưng với việc thay đổi “lạ kì” lại có dấu hiệu tụt xuống.

Đây chỉ là một ví dụ mà ngẫu nhiên chúng tôi xác định được, với dữ liệu của nhiều trường, chắc chắn nhiều thí sinh còn có mức tổng điểm 3 môn thấp hơn vẫn đỗ ĐH vì ngoài vị thế môn thi chính nhân hệ số, các em còn tiếp tục có thêm được lợi thế điểm ưu tiên*4/3.

Ngoài câu chuyện này, chúng tôi sẽ tiếp tục minh chứng sự “bất công” đối với các thí sinh khi các trường đã công bố điểm chuẩn và bây giờ phải xác định lại cho dù vẫn cố gắng đảm bảo thí sinh đã trúng tuyển thì vẫn trúng tuyển (tuyển vượt quá chỉ tiêu). 

S.H