Năm học đặc biệt: Ngành giáo dục vượt khó, không bị “đứt gãy”
(Dân trí) - Sáng nay 31/10, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Năm học "đặc biệt"
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học 2019 - 2020 là một năm học “đặc biệt”, đầy khó khăn, thách thức đối với ngành Giáo dục khi phải đối mặt và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Bộ GDĐT đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch năm học 2 lần và thời điểm kết thúc năm học chậm gần 02 tháng so với những năm học trước. Chính vì vậy, thời gian tổ chức Hội nghị toàn ngành được tổ chức muộn hơn so với các năm trước.
Tuy nhiên, với sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, sinh viên, toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2019 - 2020, trong đó có nhiều kết quả tích cực.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng, hội nghị ngày hôm nay nhằm đánh giá kết quả triển khai kế hoạch năm học 2019 - 2020 và giai đoạn 2016 - 2020; triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 và các năm tiếp theo.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT mong muốn được nghe ý kiến phát biểu về những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai các hoạt động của ngành, đặc biệt là đóng góp ý kiến để ngành Giáo dục làm tốt hơn nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
Covid-19: Tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2019-2020, ngành giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn sức khoẻ của học sinh, giáo viên trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020.
Đến thời điểm này, sau 02 đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, gần 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước đều an toàn trước dịch bệnh.
Sự an toàn của học sinh, sinh viên và giáo viên được đảm bảo nhưng không vì thế các hoạt động giáo dục bị ngưng trệ, không bị “đứt gãy” giáo dục như một số nước đã gặp phải có thể ảnh hưởng tới một thế hệ học sinh, trái lại, “trong nguy có cơ”, các phương pháp, hình thức giáo dục mới được các thầy cô, các nhà trường sáng tạo, linh hoạt, nhất là trong dạy học trực tuyến, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm học và tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành Giáo dục.
Các trường đại học đã tích cực nghiên cứu và nhanh chóng đưa ra nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch. Điều này không chỉ thể hiện sự nỗ lực mà còn cho thấy khả năng “chống chịu”, thích ứng và trách nhiệm xã hội của ngành Giáo dục trước những biến động lớn, mang tính toàn cầu.
Mặc dù dịch bệnh phức tạp nhưng ngành giáo dục đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020.
Bộ đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới và tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai theo lộ trình Quốc hội quy định. Theo đó, Bộ GDĐT đã phê duyệt cho phép sử dụng 05 bộ sách giáo khoa lớp 1 do các nhà xuất bản biên soạn, đánh dấu thành công bước đầu của chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa nhằm cởi trói cho sự sáng tạo trong dạy và học của các nhà trường. Đồng thời, phá bỏ việc độc quyền biên soạn và phát hành, tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng sách giáo khoa.
Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về Vốn nhân lực, chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam đạt 0.69, đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế. Trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển.
Trong các đợt đánh giá PISA, Việt Nam cũng đã gây bất ngờ lớn cho cả thế giới, với kết quả vượt trội so với trung bình của các nước trong khối OECD trong khi mức đầu tư cho giáo dục của chúng ta thấp hơn hẳn.
Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam những năm vừa qua có bước tiến bộ vượt bậc với 49 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2016-2020 so với 27 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2011-2015.
Đối với vấn đề tự chủ đại học được đẩy mạnh, tạo đột phá trong quản trị đại học, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Năm 2019, tổng số bài báo khoa học của Việt Nam công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín là 12.475 bài, đứng thứ 49 thế giới (so với 2015 tăng 2,7 lần và tăng 9 bậc), trong đó các trường đại học đóng góp trên 90% số bài. Lần đầu tiên, nước ta có 4 cơ sở giáo dục đại học lần lượt lọt vào tốp 1.000 thế giới; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong tốp 500 thế giới.
Sẽ không để xảy ra những hạn chế, thiếu sót như sách tiếng Việt lớp 1
Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả, thành tích đạt được, ngành Giáo dục cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục trong thời gian tới, như: tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông ở nhiều địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Chất lượng đội ngũ không đồng đều, một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới, chưa có ý thức giữ gìn đạo đức, phẩm chất và danh dự nhà giáo.
Cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu, xuống cấp; còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống chưa được chú trọng đúng mức.
Đặc biệt, Quản lý nhà nước về giáo dục còn bất cập, việc quản lý sách giáo khoa và tài liệu tham khảo chưa tốt, còn gây bức xúc trong nhân dân. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành phục vụ kinh tế số.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo, Bộ GDĐT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận 51 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Theo đó, năm học 2020-2021, Bộ GDĐT đưa ra kế hoạch tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp, trong đó, Bộ GDĐT tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình đảm bảo chất lượng, không được để xảy ra những hạn chế, thiếu sót như sách tiếng Việt lớp 1 thời gian qua.
“Sách giáo khoa phải được sử dụng ổn định, lâu dài, tránh lãng phí, với giá cả phù hợp với thu nhập của đa số người dân” – lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ GD&Đ sẽ phối hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo trong các nhà trường.
Tập trung xây dựng một số đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới
Đối với đội ngũ giáo viên, Bộ GD&ĐT bày tỏ quan điểm sẽ khắc phục cho được tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay. Đồng thời phải đảm bảo “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Trước hết khắc phục tình trạng bạo lực học đường xảy ra ở một số địa phương gây bức xúc xã hội thời gian qua.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các cấp học, hoạt động giáo dục. Đổi mới quản trị nhà trường, coi trọng quản lý chất lượng, gắn trách nhiệm quản lý chuyên môn với quản lý nhân sự và quản lý tài chính. Phát huy dân chủ, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đối với các trường phổ thông đáp ứng đủ điều kiện.
Đối với tự chủ đại học, sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học tập trung kiện toàn Hội đồng trường bảo đảm là một thiết chế thực quyền, hiệu lực, hiệu quả; Xem xét dừng tuyển sinh các chương trình, các ngành đào tạo không đảm bảo chất lượng;
Tập trung xây dựng một số đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới, làm đầu tàu để dẫn dắt hệ thống, đồng thời cương quyết đóng cửa các trường đại học không đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng, không tuyển sinh được trong thời gian dài.