Mục tiêu của môn Văn trong trường phổ thông đang bị… phản bội?

(Dân trí) - “Trong tất cả các mục tiêu cao đẹp của môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông, có một mục tiêu đang bị quên lãng, thậm chí bị phản bội: đó là dạy cho học sinh biết nói thật với lòng mình, sống đúng với con người mình, biết xấu hổ khi dối trá”…

Nhân đọc bài viết Dạy Văn có phải là dạy các em nói dối” của tác giả Võ Thị Mỹ Ngà và bài trao đổi “Giáo viên là người quyết định sự trung thực hay giả dối của môn Văn” của nhà giáo Trần Hinh, cô Đinh Thanh Huyền - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn) muốn nêu ra vài suy nghĩ riêng để tham gia vào vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:   Trước hết, tôi cho rằng hai bài viết của hai tác giả có điểm đến khác nhau. Tác giả Võ Thị Mỹ Ngà là sinh viên Sư phạm Văn, bày tỏ trăn trở về những gì đang diễn ra trong các nhà trường chứ không định đặt lại vấn đề bản chất của môn học. Còn bài viết của nhà giáo Trần Hinh thì bàn đến những vấn đề có tính lí luận không thể phủ nhận trong dạy Ngữ văn.   Tuy nhiên, tôi hiểu câu hỏi bạn Mỹ Ngà đặt ra chỉ là câu hỏi tu từ, câu hỏi đó thể hiện sự lo lắng cho bộ môn Ngữ văn khi mà thực tế không giống như lí luận. Trong tất cả các mục tiêu cao đẹp của môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông, có một mục tiêu đang bị quên lãng, thậm chí bị phản bội: đó là dạy cho học sinh biết nói thật với lòng mình, sống đúng với con người mình, biết xấu hổ khi dối trá. Dù không phải là toàn bộ, nhưng hiện tượng đó khá phổ biến. Bất kì giáo viên nào đang trực tiếp đứng lớp ở cấp tiểu học hay trung học đều sẽ thừa nhận điều đó.   Ví dụ, ở cấp tiểu học, các em được học văn miêu tả, ngoài những bài tả cây, tả con vật, đồ vật, bài văn tả người là gây ra lắm chuyện hài hước nhất. Những câu văn sáo rỗng kiểu: “Cô giáo em da trắng, tóc dài thướt tha, mắt bồ câu đen lay láy” được khen ngợi. Còn những câu kiểu như: “Cô giáo em chăm chỉ lắm, ban ngày dạy ở trường, ban tối về cô dạy thêm hai lớp ở nhà” thì bị phê bình ngay. Những bài văn biểu cảm không hề có cảm xúc thật thì nhan nhản…   Riêng ở cấp THPT, bài nghị luận xã hội bao giờ cũng là nỗi lo sợ của các em học sinh. Đây là chuyện kì quặc nhất trong dạy học Ngữ văn. Chỗ các em được quyền nói thật thì lại không biết làm thế nào để nói thật. Khi được quyền thể hiện cái tôi cá nhân thì không biết mình có cái tôi để mà thể hiện. Vì sao? Vì từ bé các em đã được dạy nói những điều sáo rỗng, công thức, nói điều người khác muốn nghe chứ không nói điều mình muốn nói. Lớn lên, các em không biết rằng cần phải cất lên tiếng nói riêng của mình như thế nào. Trong các loại nói dối, nói dối suy nghĩ và cảm xúc lại được hoan nghênh, thế không kì quặc sao!   Trong bài trao đổi này, tôi không bàn đến bản chất sáng tạo của văn chương cũng như sự bay bổng tinh tế trong một bài văn. Điều ấy quá đúng.  Mà tôi chỉ băn khoăn về việc chúng ta đang dạy con trẻ cái gì đây? Trước khi các em biết văn chương tinh tế và bay bổng thế nào thì phải biết con người cần thật lòng ra sao. Những bài viết “chân thật” chưa chắc là một bài văn hay nhưng một bài văn hay không thể là bài văn không chân thật.   Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của nhà giáo Trần Hinh: “Bản chất của môn Văn không bao giờ là sự “dối trá”, mà nó là sự trung thực”. Thế sao học sinh vẫn không trung thực? Có phải tại giáo viên không? Đúng. Tại sao giáo viên dạy học sinh viết không trung thực? Theo tôi, có mấy nguyên nhân chính:   Một là, giáo viên không coi trọng việc dạy học sinh viết đúng với cảm xúc, suy nghĩ của mình.   Hai là, quá trình thi cử quá nặng nề khiến học sinh và giáo viên chọn nói dối để được điểm cao.   Ba là, nói cho đẹp lòng đã là nếp nghĩ; tôn trọng sự thật không phải là văn hóa của nhiều người Việt Nam.   Cuối cùng, câu chuyện dạy học môn Ngữ văn này có lẽ cũng giống như chuyện quả trứng với con gà, không biết phải giải quyết cái gì trước.   Đinh Thanh Huyền Giáo viên Ngữ văn, Trường THPT chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn)

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm