Tuyển sinh ĐH năm 2005:

Môn văn: khối C và D không khác biệt nhiều

Chỉ còn hơn nửa tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh ĐH 2005 sẽ diễn ra trên phạm vi toàn quốc. Dưới đây là ý kiến của thầy Nguyễn Hà - giảng viên Trường ĐH KHXH&NV - TPHCM nhằm giúp thí sinh thi khối C, D có thêm kinh nghiệm để bước vào kỳ thi tốt hơn.

Ôn cũ...

 

Từ khi thực hiện “ba chung” đến nay, Bộ GD-ĐT đã ra sáu đề thi môn văn, gồm ba đề cho khối C và ba đề cho khối D. Trên lý thuyết, đề khối D được xem là nhẹ hơn đề khối C nhưng thực tế đề thi giữa hai khối này gần như không có sự khác biệt nào đáng kể.

 

Về cấu trúc, mỗi đề có ba câu, trong đó có một câu thuộc chương trình lớp 11 và hai câu thuộc chương trình lớp 12, thể hiện rất đúng tinh thần “đề thi tập trung vào chương trình cuối cấp” như bộ vẫn công bố.

 

Về nội dung yêu cầu, câu 1 (2 điểm) chủ yếu kiểm tra trí nhớ giáo khoa của thí sinh; thường hỏi về tiểu sử, sự nghiệp văn học, phong cách nghệ thuật của tác giả hoặc hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề, tư tưởng chủ đạo của tác phẩm. Chẳng hạn, “Trình bày những nét chính trong phong cách nghệ thuật của Tố Hữu” (đề khối C, 2004); “Nêu hoàn cảnh ra đời và giải thích ý nghĩa nhan đề bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên” (đề khối C, 2003).

 

Câu 2 (5 điểm) chủ yếu kiểm tra kiến thức và năng lực cảm thụ của thí sinh về một tác phẩm hoặc phần đặc sắc nhất của tác phẩm đó; thường yêu cầu phân tích hình tượng nhân vật trong tác phẩm văn xuôi như “Phân tích vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân” (đề khối D, 2002); hoặc bình giảng một bài thơ hay một đoạn thơ như “Bình giảng đoạn thơ Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội... Những dòng sông đỏ nặng phù sa trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi” (đề khối D, 2003).

 

Câu 3 (3 điểm) chủ yếu kiểm tra kiến thức văn và năng khiếu nhằm phân loại thí sinh trung bình và khá giỏi; thường yêu cầu phân tích chiều sâu tư tưởng, cảm xúc của nhà văn, vẻ đẹp nghệ thuật ngôn từ hoặc giá trị độc đáo của tác phẩm. Chẳng hạn, “Phân tích ngắn gọn tư tưởng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của Nam Cao trong truyện ngắn Đời thừa” (đề khối D, 2003); “Bình giảng đoạn thơ Hơn một loài hoa đã rụng cành... Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh trong bài Đây mùa thu tới của Xuân Diệu” (đề khối D, 2002)...

 

Về đối tượng, tất cả câu hỏi đều tập trung vào các tác giả tiêu biểu của văn học VN hiện đại. Trong đó có bốn tác giả được chọn ra đề nhiều lần là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Chế Lan Viên.

 

Luận mới...

 

Dạng đề ba câu với cấu trúc, thành phần như trên đang dần được điển chế hóa trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia. Do vậy, thí sinh vẫn phải bám sát nội dung chương trình ôn tập do bộ qui định, bao gồm cả lớp 11 và lớp 12.

 

Từng bài cần nắm vững tiểu sử - sự nghiệp của tác giả và hoàn cảnh ra đời,  nội dung chủ yếu, nét đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm; mở rộng tầm bao quát về các trào lưu, khuynh hướng, giai đoạn văn học; nhận diện được những điểm tương đồng và dị biệt giữa các tác phẩm trong cùng một trào lưu, khuynh hướng, giai đoạn văn học ấy. Nên dành sự quan tâm thích đáng đến những tác giả, tác phẩm có thời lượng giảng dạy nhiều trên lớp vì đề thi mấy năm qua hiếm khi đi lệch trọng tâm của chương trình.

 

Ngoài ra cũng nên chú ý đến những thông tin, sự kiện ở bên ngoài học đường. Thông thường đề thi của năm trước không được dùng lại để làm đề thi cho năm sau. Năm nay số lượng giáo viên phổ thông tham gia hội đồng ra đề quốc gia nhiều hơn. Đồng thời đây cũng là năm nước ta tổ chức rất nhiều ngày kỷ niệm trọng đại về cách mạng và kháng chiến. Những điều đó liệu có ảnh hưởng đến nội dung, tính chất của đề thi năm nay không?

 

Gần đây nhiều nhà chuyên môn đã đề xuất cải tiến cách ra đề theo hướng hạn chế những câu hỏi có tính chất thuộc lòng, những câu hỏi có trong sách giáo khoa và trong các cuốn văn mẫu; đồng thời tăng cường những câu hỏi có tính chất tổng hợp, đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng kiến thức và kỹ năng đã học một cách linh hoạt, sáng tạo.

 

Nếu đề xuất này được ủng hộ thì rất có thể đề thi năm nay sẽ chứng tỏ sự “không dung nạp” của nó đối với “những khuôn mẫu cho sẵn”; sẽ tuyên chiến với lối học thụ động, hoàn toàn dựa vào trí nhớ đang tồn tại dai dẳng trong học đường (?).

 

Theo Nguyễn Hà

(giảng viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM)

Tuổi Trẻ

Dòng sự kiện: Đề thi ĐH 2005

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm