Tuyển sinh năm 2005:

Môn Lịch sử: phải hiểu rõ bản chất từng sự kiện

Trong những năm gần đây, đề thi thường theo hướng tổng hợp, phân tích, so sánh... nên thí sinh phải biết vận dụng kiến thức một cách sáng tạo, linh hoạt để giải quyết.

Thoạt nhìn, kiến thức lịch sử chương trình lớp 12 là cả một núi, những sự kiện, số liệu... phức tạp, rời rạc, nhưng nếu hiểu rõ bản chất của từng sự kiện lịch sử ấy, thí sinh có thể hệ thống, xâu chuỗi lại thành một chuyên đề cụ thể, và cũng có thể phân tích hoặc so sánh chúng với nhau.

 

Ví dụ 1: Khi ôn tập phần Lịch sử thế giới, bài các nước Đông Nam Á, sách giáo khoa trình bày riêng rẽ từng nước Đông Nam Á, nhưng với câu hỏi: “Phân tích những biến đổi của các nước Đông Nam Á từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai” thì thí sinh phải hiểu đây là một câu hỏi tổng hợp, có độ khái quát cao.

 

Ví dụ 2: Khi ôn tập về tổ chức Liên Hiệp Quốc, thí sinh cần vạch ra một dàn bài chi tiết, gồm các tiểu mục (để tránh thiếu sót):

 

- Hoàn cảnh thành lập:...

- Mục đích:...

- Nguyên tắc hoạt động:...

- Các cơ quan chính:...

- Một số tổ chức chuyên môn:...

- Vai trò:…

 

Ví dụ 3: Khi ôn tập phần Lịch sử VN, chương “Chống Mỹ cứu nước” (1954 - 1973) của quân dân miền Nam (có sự chi viện của miền Bắc XHCN), thí sinh tập trung vào bốn chiến lược chiến tranh của Mỹ, thực hiện ở miền Nam: chiến lược “chiến tranh một phía” (1954-1960), chiến lược “chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), chiến lược “chiến tranh cục bộ” (1965-1968), chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1973). Để hệ thống hóa, thí sinh có thể lập một dàn bài chung (như một công thức toán học) áp dụng cho cả bốn chiến lược chiến tranh.

 

Trên đây là những gợi ý có tính chất tham khảo, điều cốt lõi là thí sinh nhất thiết phải nắm vững kiến thức, biết hệ thống hóa, vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt... cho phù hợp với từng câu hỏi cụ thể để làm một bài “luận sử” hoàn chỉnh, đạt điểm thi cao nhất.

 

Theo Đoàn Văn Đạo

(Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM)

Tuổi Trẻ

Dòng sự kiện: Đề thi ĐH 2005