Đề thi ĐH, CĐ 2005:

Môn Hóa: Cần ưu tiên làm lý thuyết trước

Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ môn Hóa trong ba năm qua đều gồm hai phần: lý thuyết (gồm bốn câu, mỗi câu 1,5 điểm) và bài toán (gồm hai câu, mỗi câu 2 điểm). Dù lý thuyết hay bài toán đều có đầy đủ hai phần hóa hữu cơ và hóa vô cơ.

Phần lý thuyết chiếm nhiều điểm hơn phần bài toán (tỉ lệ 6-4). Mỗi câu lý thuyết còn có nhiều câu nhỏ độc lập nên dễ kiếm điểm hơn phần bài toán (mỗi bài toán thường có 2-3 câu, lại lệ thuộc nhau, không làm được câu 1 thì khó có thể làm tiếp câu 2, 3. Chưa kể trường hợp phải giải quyết các phép tính toán khá phức tạp). Do vậy khi làm bài thi, thí sinh cần ưu tiên làm phần lý thuyết trước.

 

Ở phần bài toán, đối với bài toán hữu cơ:

 

- Cần nắm vững tính chất hóa học đặc trưng cho mỗi loại hợp chất có nhóm chức. Ví dụ: rượu (phản ứng khử nước), anđêhit (phản ứng tráng gương và cộng hidrô), axit (phản ứng trung hòa, este hóa, hòa tan muối cacbônat), este (phản ứng thủy phân)...

 

- Câu hỏi thường gặp là xác định CTPT chất hữu cơ và thành phần (% hoặc khối lượng) của nó. Khi đặt CTPT tổng quát chất hữu cơ, cần chú ý đặc điểm cấu tạo của nó (no, chưa no, mạch hở hay vòng, đơn hoặc đa chức?). Đặt CTPT tổng quát chính xác mới xác định đúng CTPT. Cũng nên sử dụng CTPT trung bình cho các hỗn hợp những chất cùng dãy đồng đẳng, phép giải toán sẽ gọn và nhanh hơn.

 

- Mỗi dữ kiện của đề bài sẽ cho ta lập được một phương trình đại số. Nếu số ẩn số bằng với số phương trình đại số, ta giải bình thường, còn nếu số ẩn nhiều hơn số phương trình lập được thì phải biện luận. Chỉ biện luận với ẩn số có nghiệm là một số nguyên (ví dụ số nguyên tử C hay số chức hóa học).

 

Đối với bài toán vô cơ:

 

- Tính chất quan trọng của kim loại: phản ứng với axit hoặc baz, với muối kim loại khác, phản ứng nhiệt kim loại. Dãy hoạt động hóa học kim loại. Sự khử các ôxit kim loại trung bình và yếu.

 

- Biết cách vận dụng định luật bảo toàn khối lượng và bảo toàn điện tử (trong các phản ứng ôxy hóa khử), phương trình trạng thái khí áp dụng cho những hỗn hợp khí với những điều kiện khác nhau. Cách tính hiệu suất phản ứng.

 

- Câu hỏi thường gặp: xác định tên kim loại, CTPT ôxit kim loại, các dạng phản ứng nhiệt nhôm (hiệu suất đạt 100% hoặc nhỏ hơn). Các dạng bài tập có liên quan đến hidrôxit lưỡng tính, các bài tập liên quan đến sự thay đổi hóa trị của sắt và hợp chất...

 

Ths Nguyễn Hiền Hoàng - ĐH Sư phạm TPHCM

(Theo Tuổi trẻ)

Dòng sự kiện: Đề thi ĐH 2005

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm