Tuyển sinh ĐH năm 2005:
Môn lý: không nên học tủ !
Thí sinh phải thi môn vật lý, nếu còn băn khoăn liệu đề thi có quá khó với mình không, thì yên tâm rằng: “Phạm vi ra đề hầu như tập trung hoàn toàn vào chương trình vật lý lớp 12”. Dưới đây là ý kiến của thầy Nguyễn Hữu Lộc, phần nào giúp thí sinh định hướng tốt hơn cho môn thi này.
Dựa trên nghiên cứu các đề thi vật lý của Bộ GD- ĐT đã ra trong ba năm qua ta có thể thấy đặc điểm chung của những đề thi này là chống lại sự học “tủ” của thí sinh, đề cao vai trò tư duy cá nhân và có khả năng phân hóa tốt giữa thí sinh trung bình, khá và giỏi. Phạm vi ra đề hầu như tập trung hoàn toàn vào chương trình vật lý lớp 12.
Về mặt cấu trúc: đề thi luôn bao gồm hai phần là lý thuyết và bài tập, trong đó vai trò bài tập được chú trọng nhiều hơn.
- Phần lý thuyết: tỉ trọng lý thuyết trên toàn bộ đề thi giảm dần qua từng năm. Điểm lý thuyết chỉ chiếm trung bình 17,5% trong tổng điểm của bài thi vật lý trong ba năm 2002, 2003 và 2004. Các câu hỏi lý thuyết đều có xu hướng chống học thuộc lòng bằng cách đưa ra những yêu cầu so sánh điểm giống nhau và khác nhau giữa hai hiện tượng vật lý. Với cách ra đề như vậy, thí sinh có mang sách giáo khoa vào phòng thi cũng không thể trả lời được nếu không hiểu sâu sắc các hiện tượng vật lý khi học lý thuyết.
- Phần bài tập: các bài tập rải khắp trong tất cả chín chương của sách giáo khoa và có đặc điểm là không trùng hoàn toàn với các bài tập trong các sách lưu hành trên thị trường. Phân bố phần bài tập chú trọng nhiều phần quang hình học (tỉ trọng 28% trong tổng điểm bài tập của ba năm 2002, 2003 và 2004); kế đến là điện xoay chiều (tỉ trọng 24%). Các phần dao động cơ học - sóng cơ, quang vật lý và vật lý hạt nhân đều ngang nhau (tỉ trọng đều là 16%).
Một đặc trưng đáng chú ý là phần bài tập có những bẫy nho nhỏ và một vài câu thuộc loại khó. Các bẫy nho nhỏ này nhằm phát huy tư duy độc lập của các em và loại bớt các thí sinh quen giải bài tập một cách máy móc.
Theo Nguyễn Hữu Lộc
(Trường BDVH Vĩnh Viễn, TPHCM)
Tuổi Trẻ