"Mổ xẻ" giá sách giáo khoa và quy trình biên soạn, thẩm định

Mỹ Hà

(Dân trí) - Ngày 29/9, Bộ GD&ĐT tổ chức triển lãm và hội thảo về các vấn đề liên quan đến SGK như: Việc biên soạn, thẩm định, xuất bản, giá bán và việc phát hành sách giáo khoa...

1.574 tác giả biên soạn SGK 6 khối lớp

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), thời gian qua đã có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK, gửi Bộ thẩm định để bảo đảm kịp thời triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT 2018).

Kết quả, đối với SGK các khối lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 đã được phê duyệt và sử dụng trong các trường phổ thông.

Sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 đang được thẩm định và SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12 của các tổ chức, cá nhân đang biên soạn.

Do chủ trương xã hội hóa, Bộ GD&ĐT đã huy động được nhiều tổ chức và đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia vào quá trình biên soạn SGK.

Thống kê cho thấy, tổng số có 1.574 tác giả tham gia biên soạn SGK cho 6 khối lớp.

Các SGK có những sáng tạo riêng trong cách thức trình bày, thể hiện nội dung đối với cùng một yêu cầu cần đạt trong Chương trình môn học/hoạt động giáo dục…

Mổ xẻ giá sách giáo khoa và quy trình biên soạn, thẩm định - 1

Tổng cộng có 1.574 tác giả tham gia biên soạn SGK cho 6 khối lớp (Ảnh: M.H).

Ngoài nội dung và cấu trúc, các bản mẫu SGK đều đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực học sinh được quy định trong chương trình các môn học/hoạt động giáo dục.

Mặc dù vậy, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận, một số nội dung, thuật ngữ được sử dụng trong các bản mẫu SGK chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học/hoạt động giáo dục.

Tiến trình nội dung bài học của các bản mẫu SGK trong một môn học còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các SGK khác nhau.

Chất lượng một số bản mẫu SGK còn hạn chế, bên cạnh những lỗi về nội dung còn rất nhiều lỗi về mặt chính tả, câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh…

Tinh giản tối đa một số kênh để giảm giá SGK

Cũng theo Bộ GD&ĐT, các Hội đồng Quốc gia thẩm định đã có nhiều ý kiến nhận xét, góp ý để tác giả điều chỉnh, sửa chữa bản mẫu SGK nhằm nâng cao chất lượng. 

Mặc dù vậy, việc xem xét, thẩm định đối với một vài văn bản, ngữ liệu đưa vào SGK chưa được Hội đồng thẩm định chú ý các khía cạnh tác động xã hội, gây băn khoăn trong dư luận khi SGK đưa vào sử dụng.

Việc thẩm định SGK còn cần phải thực hiện qua nhiều vòng, nhiều đợt dẫn đến việc phê duyệt danh mục SGK còn chậm gây khó khăn trong việc tổ chức lựa chọn SGK.

Về quy trình lựa chọn SGK tại các địa phương được thực hiện theo đúng quy định tại các thông tư.

Tuy nhiên qua thực tiễn thanh tra, kiểm tra tại một số địa phương về việc lựa chọn SGK cho thấy còn tồn tại những hạn chế.

Thứ nhất, thời gian ban hành quyết định danh mục SGK được lựa chọn chậm, muộn so với quy định tại Thông tư.

Việc thông báo nhu cầu số lượng SGK theo các môn học của các địa phương chậm muộn, dẫn đến bị động cho các nhà xuất bản trong việc cung ứng SGK trước thềm năm học mới.

Mổ xẻ giá sách giáo khoa và quy trình biên soạn, thẩm định - 2

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn SGK (Ảnh: M. Hà).

Theo Bộ GD&ĐT, thời gian tới, đơn vị này sẽ tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn SGK theo quy định tại các thông tư ngay từ khâu lựa chọn tác giả, đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị SGK theo đúng lộ trình…

Tăng cường kiểm soát chất lượng thực nghiệm bản mẫu SGK, đảm bảo bài thực nghiệm đại diện cho các chủ đề trong chương trình môn học/hoạt động giáo dục, đặc biệt đảm bảo tính khả thi của các bài thực hành, thí nghiệm, bài học dự án.

Bảo đảm SGK tinh giản tối đa kênh chữ, kênh hình, khai thác hiệu quả hình ảnh và ngữ liệu để đảm bảo hiệu quả bài học và giảm giá thành SGK.

Đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt SGK, dành thời gian để địa phương nghiên cứu, lựa chọn SGK đáp ứng với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền.

Phối hợp tốt trong việc thông tin nhu cầu sử dụng SGK của địa phương và cung ứng để bảo đảm đủ SGK trước khai giảng năm học.

Trong khuôn khổ chương trình, từ 28- 30/9, Bộ GD&ĐT cũng tổ chức trưng bày gồm: Trưng bày, giới thiệu lịch sử phát triển sách giáo khoa giáo dục phổ thông Việt Nam qua các thời kỳ, theo các mốc thay sách: 1956, 1976, 2002, 2020;

Trưng bày và giới thiệu sách giáo khoa của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Mỹ, Anh,...

Ngoài việc giới thiệu cho người xem những bộ sách giáo khoa của Việt Nam và thế giới, hoạt động trưng bày còn cung cấp các thông tin so sánh về quy cách của sách giáo khoa Việt Nam và sách giáo khoa của các nước theo các tiêu chí cụ thể; cùng với đó là giới thiệu các hoạt động thực hành với sách giáo khoa được nhiều nước trên thế giới thực hiện.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm