Hà Nội: Một trường dùng 4 bộ SGK khác nhau, phụ huynh "kêu" khó khăn
(Dân trí) - Phụ huynh phản ánh một trường THCS ở Hà Đông, Hà Nội dùng 4 bộ SGK khác nhau khiến nhiều gia đình khó khăn khi tìm sách.
Theo phản ánh của một phụ huynh có con năm nay học lớp 7, Trường THCS Văn Yên (Hà Đông, Hà Nội), năm nay dùng sách giáo khoa (SGK) thuộc 4 bộ khác nhau:
Môn Toán: Bộ sách giáo khoa Cánh diều;
Môn Mỹ thuật: Bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo;
Môn Tiếng Anh: Global Success;
Các môn còn lại: Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Việc sử dụng SGK của nhiều bộ khác nhau khiến phụ huynh rất khó khăn khi tìm mua đúng, đủ.
Theo Hiệu trưởng nhà trường, hiện nay Bộ GD-ĐT giao quyền chọn sách giáo khoa về cho các nhà trường.
Theo đó, các giáo viên ở các tổ nhóm chuyên môn sẽ tham khảo, nghiên cứu các sách/bộ sách, bàn bạc rồi lựa chọn và đăng ký với trường; sau đó trường đăng ký việc lựa chọn sử dụng sách với Phòng GD-ĐT và Sở GD-ĐT.
Từ kết quả lựa chọn từ giáo viên, Trường THCS Văn Yên chọn sách giáo khoa môn Toán của bộ Cánh diều; môn Mỹ thuật của bộ Chân trời sáng tạo; các môn còn lại của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.
Hiệu trưởng cho hay, nếu phụ huynh không mua SGK ở các nhà sách, cũng có thể đăng ký với nhà trường.
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Phòng GD-ĐT quận Hà Đông cho hay, việc lựa chọn SGK trên địa bàn quận được thực hiện đúng theo hướng dẫn của Sở và của Bộ GD-ĐT được quy định tại Thông tư 25/2020-BGDĐT ngày 26/8/2020 và của Bộ GD-ĐT.
Ngay từ tháng 3/2022, quận đã tập huấn về việc lựa chọn SGK cho các trường và hướng dẫn đến các giáo viên.
Việc một trường học chọn SGK thông qua giáo viên và chọn các cuốn sách phù hợp từ nhiều bộ khác nhau cũng đúng quy định và phù hợp với tiêu chí một chương trình nhiều SGK mà chúng ta đang thực hiện.
"Theo thiết kế của chương trình giáo dục phổ thông 2018 tổng thể, dù học bằng bộ sách nào thì cũng phải đảm bảo yêu cầu của chương trình, phẩm chất và năng lực đạt được của học sinh theo chuẩn kiến thức kỹ năng.
Khung chương trình là chung, đường đi có thể khác nhau nhưng kết quả hướng đến giống nhau ở yêu cầu chung.
Do đó, việc nhiều SGK từ các bộ khác nhau không làm ảnh hưởng tới chương trình. Đầu tháng 8 tới đây, các trường học sẽ tổ chức tập trung học sinh, sẽ có họp phụ huynh, nhà trường phổ biến các công việc chuẩn bị cho năm học mới.
Nếu gia đình nào gặp khó khăn khi mua sách giáo khoa, có thể liên hệ với nhà trường để mua hộ sách của các nhà xuất bản, đảm bảo 100% học sinh có đầy đủ sách giáo khoa trước khi vào năm học mới", đại diện này chia sẻ.
Trước đó, vào cuối tháng 5/2022, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội có quyết định phê duyệt danh mục lớp 7 và lớp 10 sẽ sử dụng tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố trong năm học 2022- 2023.
Theo danh mục được phê duyệt, có 42 SGK lớp 7 được lựa chọn, gồm 2 sách Ngữ văn, 3 sách Toán, 9 sách Tiếng Anh, 3 sách Khoa học tự nhiên, 3 sách Lịch sử và Địa lý, 3 sách Giáo dục công dân, 3 sách Âm nhạc, 4 sách Mỹ thuật, 3 sách Tin học, 3 sách Công nghệ, 3 sách Giáo dục thể chất, 3 sách Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp.
Như vậy, với mỗi môn học, hoạt động giáo dục đều có ít nhất từ 2 SGK trở lên.
Với lớp 10, có 55 SGK được lựa chọn sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Các SGK được lựa chọn của nhiều nhà xuất bản gồm: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Huế, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập 11 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tiểu học, 12 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp THCS và 15 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp THPT trên địa bàn thành phố để áp dụng từ năm học 2022-2023.
Các hội đồng có nhiệm vụ lựa chọn SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo quy định; đề xuất danh mục SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, trình UBND thành phố…