Câu chuyện giáo dục:
Mẹ nổi điên vì con tắm lâu, sững người trước câu "trẻ như gà trong chuồng"
(Dân trí) - "Con tắm nhanh, ăn cơm nhé!", chị Huyền nói vọng vào nhà tắm, cậu con trai đáp sẽ ra ngay. Nhưng chỉ khi người mẹ gào lên, đứa con mới vội vàng bước ra…
Người mẹ gào rạc cổ họng, nói một hơi: "Con đối xử mẹ thật tệ. Con vừa nói sẽ tắm nhanh nhưng không, chỉ khi mẹ hét lên thế này con mới chịu ra. Mẹ nấu ăn, dọn ra nhưng con mặc kệ, để mẹ phải ngồi chờ, trong khi nhà còn rất nhiều việc phải làm".
Ngày hôm kia và cả nhiều ngày trước đó, cũng y như vậy, hai mẹ con lại xung đột vì việc con ở trong nhà tắm quá lâu.
Đứa con trai lớp 4 trào nước mắt khóc xin lỗi mẹ, tự trách mình vì lại tắm lâu, lại để mẹ phải giục, buồn bực.
Chị Lê Ngọc Minh Huyền, ở Tân Bình, TPHCM chia sẻ về trải nghiệm của mình từ câu chuyện con tắm lâu đưa thêm một góc nhìn về trẻ mà đến lúc này, chị mới vỡ òa nhận ra.
Nhìn con khóc nức nở tự trách mình, chị hiểu rằng con không cố ý làm trái lời hứa "tắm nhanh" với mẹ. Mà dường như có một điều gì đó giữ chân con khi con đi tắm, đi vệ sinh.
Quyết tìm hiểu về điều này, tối đó ăn cơm xong chị cùng con gác hết mọi việc nhà, việc học, đọc sách lên sân thượng ngồi trò chuyện với nhau.
"Con trẻ như gà trong chuồng"
Cậu con trai 10 tuổi của chị bắt đầu bằng tâm tư "mai lại phải đi học". Ngày nào những đứa trẻ như con cũng lặp đi lặp lại việc đến trường, ở trong một lớp học ngày 8 tiếng.
Rời trường học, nhiều đứa trẻ tiếp tục quay vòng trong một "cái hộp" khác ở lớp học thêm, có trẻ chơi thể thao như bơi lội, chạy nhảy, ăn uống, đọc sách, rồi học bài, học tiếng Anh, đi ngủ...
Phía sau những việc này luôn là những yêu cầu, nhắc nhở, thúc giục và cả quát nạt nhanh lên, muộn giờ, lại chậm rồi... từ người lớn.
Tất cả những việc này, từ trường về nhà, từ học đến chơi, giải trí của trẻ đều theo cách của người lớn sắp xếp, theo cách người lớn muốn, cách người lớn nghĩ.
Nào là bao nhiêu bài tập, đọc sách bao nhiêu phút, bơi bao nhiêu vòng, vận động một ngày bao nhiêu tiếng...
Con ví von một hình ảnh làm chị Huyền không khỏi giật mình: "Mẹ thấy trẻ con giống như những con gà không? Bị nhốt trong một không gian rồi cứ bị đút kiến thức như đút đồ ăn. Ở trường đút, về nhà lại được đút tiếp, rồi lại đút...".
Hình ảnh những chú gà con ở trong chuồng như hiện lên trước mắt chị Huyền. Chị thấy, con nói không sai. Mọi hoạt động của con chị và của nhiều đứa trẻ từ ăn, học, ngủ đều theo cách thầy cô, bố mẹ cho là tốt, cho là cần thiết.
Chúng nào có không gian để nghĩ theo cách của mình, không còn không gian để suy nghĩ, để sáng tạo, để bay bổng, để thơ mộng, để lãng mạn…
Nhà tắm, không gian tự do của đứa trẻ?
Từ chia sẻ của con, chị Lê Ngọc Minh Huyền hỏi con: "Mỗi lần con đi vệ sinh hay đi tắm, con thường sẽ ở trong đó rất lâu. Như lúc nãy, con làm gì ở trong nhà tắm lâu dữ vậy?".
Cháu nói với mẹ: "Con suy nghĩ về bộ phim hoạt hình Kung Fu Panda 4 con vừa xem và tưởng tượng xem phần 5 sẽ tiếp tục nói về nội dung gì. Con cũng nghĩ liệu có thật dùng ly nhựa ảnh hưởng đến môi trường ít hơn là dùng ly giấy không khi mà dùng giấy sẽ phải chặt nhiều cây".
Chị Huyền gợi mở, phải chăng khi ở trong nhà tắm, con được tắm theo cách của con, con không phải làm theo cách người lớn phải làm thế này thế kia. Khi xả dòng nước mát lạnh sáng khoái lên người, con tha hồ suy nghĩ, tưởng tượng, mơ mộng…
Nhà tắm trở thành một không gian tự do, bay bổng của con - điều mà con không tìm thấy trong các hoạt động, địa điểm khác. Thế nên con muốn ở trong đó thật lâu, để thả trôi những tâm tư, suy nghĩ, tình cảm của chính mình, để thoát khỏi những "ràng buộc" theo cách của người khác.
Cậu bé ôm lấy mẹ, mắt lấp lánh: "Đúng rồi mẹ ơi!".
Đến lúc này, người mẹ mới hiểu vì sao con mình và nhiều đứa trẻ lại thích ở trong nhà tắm như vậy.
Chị Huyền kể, sau cuộc nói chuyện đó hai mẹ con thống nhất mỗi ngày con sẽ có thời gian tắm khoảng 20 phút. Việc tắm trở thành hoạt động được ưu tiên của con, mẹ không được hối thúc. Đổi lại, con có thể giảm bớt những việc khác hoặc hoàn thành chúng nhanh hơn.
Mâu thuẫn của hai mẹ con được hóa giải thông qua việc hiểu về suy nghĩ, hiểu về nhu cầu của nhau. Đặc biệt là nhu cầu được tự do suy nghĩ, sáng tạo có trong mỗi đứa trẻ luôn cần khuyến khích, tạo cơ hội.
"Hãy để con ở trong nhà tắm, nhà vệ sinh lâu hơn thay vì bắt con học thêm vài phút, làm thêm vài bài tập hay đọc thêm bài tiếng Anh... Những đứa trẻ ở phố thị đâu có nhiều không gian cho riêng mình ngoài chiếc nhà tắm", chị Huyền tự nói với bản thân.