Giám đốc tiết lộ tuổi thơ "dắt em gái đi chết" và hai cây măng cụt của bố

Hoài Nam

(Dân trí) - Bị bố đánh giữa trường, bị la mắng, chê bai, anh Trường và em gái lên kế hoạch bỏ nhà đi hoặc… tự tử. Đứa con ấy chững lại khi nghe lỏm được câu chuyện về hai cây măng cụt của bố.

Đứa trẻ tự tử nhưng mong... đừng chết!

ThS Vũ Hải Trường, Giám đốc tuyển sinh Đại học Hong Kong tại Việt Nam, nhớ như in năm đó anh học lớp 3, vì chưa làm bài tập, anh bị cô cho về giữa buổi học để làm bài.

Bố anh biết chuyện, dẫn con quay trở lại trường. Ông mượn cây thước của cô giáo đánh con giữa sân trường trước bao ánh mắt bạn bè, giáo viên.

Giám đốc tiết lộ tuổi thơ dắt em gái đi chết và hai cây măng cụt của bố - 1

ThS Vũ Hải Trường kể câu chuyện tuổi thơ "dẫn em gái đi chết" và hai cây măng cụt của bố (Ảnh: Đức Lê).

Khi bố vụt thước lên người anh, cô giáo đứng đó nhìn, và nói: "Đánh nó nữa đi, nó không làm bài tập và rất hư".

Nỗi uất hận đối với cô, đối với bố trào lên trong đứa trẻ.

Bố mẹ từng có ý định bỏ hết sách vở của con để con khỏi đi học. Anh Trường muốn gục ngã khi mình được bố mẹ trao cơ hội học tập, rồi lại dễ dàng bị tước như vậy. 

Bố mẹ cũng thường xuyên trút những bực dọc, mệt mỏi lên đầu con cái, anh Trường và em gái đã không ít lần nghĩ đến việc bỏ nhà đi hoặc "dắt nhau đi chết".

Vị giám đốc tuyển sinh nói về tâm tư lúc đó của đứa trẻ: "Kế hoạch của hai anh em tôi sẽ là nhảy từ tầng 2 xuống để tự tử với mong muốn sẽ không chết mà như đưa ra một dấu hiệu mong bố mẹ hãy quan tâm đến mình hơn, mong họ xem lại cách hành xử với con".

Hôm đó, hai anh em đang chuẩn bị thực hiện kế hoạch thì… bố mẹ gọi xuống ăn cơm. Hai anh em nhìn nhau "Thôi thì đành hoãn lại, ăn cơm đã!". 

Giám đốc tiết lộ tuổi thơ dắt em gái đi chết và hai cây măng cụt của bố - 2

Sinh viên tham dự chương trình (Ảnh: Hoài Nam).

Ngay lúc ấy, anh nghe bố khoe với chú bác hàng xóm về hai cây măng cụt ông trồng trên vườn. Ông nói rằng, khi con lớn, nếu ông có chuyện gì, có thể hai cây măng cụt đó sẽ thay ông lo cho con phần nào.

Đứa con ngơ ngác, vỡ òa... 

"Hai cây măng cụt của bố như chiếc chìa khóa mở ra thứ ngôn ngữ mới mà trước đây tôi chưa từng hiểu", ThS Vũ Hải Trường bày tỏ.

Anh Trường nhận thấy ngay người thân, người xung quanh cùng nói tiếng Việt nhưng chưa chắc chúng ta đã hiểu tiếng nói, ngôn ngữ của nhau. Như anh và bố mẹ, do không hiểu ngôn ngữ yêu thương của nhau dẫn đến những hành xử lý vô tình gây tổn thương lên nhau.

May mắn anh đã nghe được câu chuyện về hai cây măng cụt của bố, nhận ra ngôn ngữ yêu thương của bố… Hai cây măng cụt ấy trở thành ánh sáng soi cho anh Trường trên cả quãng đường sau này, kể cả những lúc bế tắc nhất, kể cả khi bị chính thầy cô, bạn bè lăng mạ, chê bai.

Câu chuyện tuổi thơ ấy lần đầu tiên được ThS Vũ Hải Trường chia sẻ trước hơn 400 sinh viên tại chương trình Gala Talent Generation 2024 với chủ đề "Dẫn bước sinh viên - vươn tầm quốc tế" vừa diễn ra tại TPHCM.

Hoạt động này nằm trong chương trình Talent Generation 2024 thuộc dự án Today's Voice của Trung tâm UNESCO Văn hóa, Giáo dục và Đào tạo (UNESCO-CEP) nhằm mang lại cho sinh viên những góc nhìn mới về các kỹ năng mềm cốt lõi trong cuộc sống và công việc.

Giám đốc tiết lộ tuổi thơ dắt em gái đi chết và hai cây măng cụt của bố - 3

Các diễn giả chia sẻ về kỹ năng, động lực cho thế hệ trẻ (Ảnh: Hoài Nam).

Đừng để người khác tước cơ hội của bản thân 

ThS Vũ Hải Trường kể thêm hồi sinh viên, khi anh có ý định đăng ký chương trình học bổng trải nghiệm mùa hè ở Pháp nhưng rất nhiều bạn bè ngăn cản. Đi cùng đó là những lời đánh giá "cửa nào" vì cho rằng anh không đủ giỏi, sao bằng người khác… Chàng sinh viên đã âm thầm nộp hồ sơ và trở thành gương mặt duy nhất được chọn.

"Qua câu chuyện, tôi muốn nói với các bạn có khi chính mình còn không biết hết tiềm năng của mình thì làm sao người khác biết. Đừng để những đánh giá, chê bai của người khác làm bản thân nản chí", anh Trường chia sẻ.

Bà Nguyễn Hạnh Linh, Giám đốc bộ phận di chuyển Grab Việt Nam, cũng nhắn nhủ khi người khác chưa từ chối cơ hội của mình thì mình đừng bao giờ từ chối cơ hội của bản thân. 

Bà Linh nhắc về cuốn từ điển tiếng Anh của bố đã mở đường để con gái bước đi được xa hơn.

Sinh ra và lớn lên ở vùng núi, ít cơ hội tiếp cận, cô học trò ngày đó gặp rất khó khăn trong việc học tiếng ngoại ngữ. Bố đã tặng Linh một cuốn từ điển tiếng Anh để cô tập đọc, tập viết, tập phát âm... 

Bà Nguyễn Hạnh Linh cho hay, chìa khóa của hội nhập là ngoại ngữ. Đặc biệt, mỗi người cần có thói quen sáng tạo, phải luôn trăn trở, đặt câu hỏi liệu có thể làm cách khác, nghĩ cách khác…

Giám đốc tiết lộ tuổi thơ dắt em gái đi chết và hai cây măng cụt của bố - 4

Hoa hậu Hòa Bình Nguyễn Thúc Thùy Tiên là đại sứ của chương trình (Ảnh: Đức Lê).

Bà Thái Vân Linh, Giám đốc điều hành Skills Bridge, gửi gắm đến các bạn sinh viên nên tiết chế việc dùng mạng xã hội chỉ để phục vụ cho việc giải trí, cho niềm vui nhất thời.

Các bạn cần tận dụng chúng để tìm kiếm các cơ hội để bước ra thế giới, có thể bằng cách lăn xả trong các hội nhóm, các tổ chức, tìm kiếm cơ hội để học tập, để làm việc...

Với các bạn mới ra trường, bà Linh đánh giá kỹ năng chỉ bằng 0 nhưng thứ doanh nghiệp cần là kinh nghiệm liệu bạn có thể làm việc trong môi trường công việc hay không.

Kinh nghiệm này phải bắt đầu từ thực tế, nếu sinh viên qua năm thứ 4 ra trường mới đi tìm việc thì rất khó để phân biệt bản thân so với vô số ứng viên trên thị trường việc làm cạnh tranh hiện nay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm