Lưu học sinh xuất sắc chia sẻ kinh nghiệm du học Nga

Tốt nghiệp Đại học và Thạc sĩ ở Nga với tấm bằng xuất sắc, luôn đạt điểm tuyệt đối 5/5 và có hàng chục bài báo Khoa học. Nguyễn Thị Chúc còn là thành viên sôi nổi của CLB Tấm lòng nhân ái Hà Nội.

Bước ngoặt cuộc đời

Bố mẹ chủ yếu dựa vào ruộng đồng để nuôi cả bốn chị em ăn học, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, là người chị cả Chúc luôn tự nhủ với bản thân là phải học thật tốt, chỉ có học mới giúp được bố mẹ bớt khổ.

Cô du học sinh Nguyễn Thị Chúc rất yêu trẻ con và làm từ thiện. (Ảnh: NVCC)
Cô du học sinh Nguyễn Thị Chúc rất yêu trẻ con và làm từ thiện. (Ảnh: NVCC)
 
Lớn lên, Chúc luôn chứng tỏ là người chị cố gắng học tập để cho các em noi theo, ba năm học cấp 3 trường THPT Bắc Đông Quan (Thái Bình), Chúc đều là học sinh giỏi của lớp. Trong các môn học Toán là sở trường, Chúc luôn biết tận dụng lợi thế của mình và trong ba năm đó Chúc giành ba giải nhì học sinh giỏi tỉnh.

Con đường du học đến với Chúc là điều rất bất ngờ. Năm 2005, Chúc thi vào ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội khoa Công nghệ Hóa học với số điểm 29,5. Tổng kết kỳ 1 đạt 8,6 điểm. Với kết quả học tập xuất sắc, Chúc được chọn đi du học tại trường ĐH Tổng hợp Nghiên cứu Quốc gia Belgorod (Nga), do trường này không có xuất cho du học sinh nước ngoài nên Chúc đã phải chuyển sang Học viện Kỹ thuật Bryansk.

“Đi du học là một điều may mắn đối với mình, đã giảm bớt gánh nặng học phí cho gia đình. Những ngày đầu ở bên Nga, mình rất hay khóc vì nhớ nhà, bố mẹ vàn bạn bè. Mới sang đó, tiếng Nga không phải lợi thế của mình, mình gặp nhiều rắc rối về cách phát âm trong khi đi giao tiếp với thầy cô và mọi người, đến bây giờ mình vẫn gặp khó khăn. Đó cũng là năm đầu tiên đón tết xa nhà của mình”, Chúc chia sẻ.

Những kinh nghiệm du học

“Bên Nga mình gặp được rất nhiều người giúp đỡ trong quá trình học tập, Nga như một quê hương thứ hai của mình. Ngày trước mình đăng ký học ngành Hóa sinh nhưng sang bên Nga lại chuyển sang học Sinh học nên bị mất tự tin và bị căng thẳng do phải học một ngành mới và khối lượng kiến thức rất nhiều. Trong khi đó, mình phải cố gắng để theo kịp mọi người vì các bạn sinh viên ở Nga luôn mạnh dạn, tích cực tham gia các hoạt động hơn và có năng khiếu về hội họa, âm nhạc”, Chúc nói.

Tốt nghiệp đại học năm 2011 và thạc sĩ năm 2013 tại Nga với tấm bằng xuất sắc, luôn đạt điểm tuyệt đối 5/5 là niềm mơ ước của bao du học sinh khác. Tốt nghiệp thạc sĩ Chúc có 13 bài báo khoa học, và luôn tham gia các hội thảo khoa học, khi học thạc sĩ được 3 tháng Chúc có thêm 5 bài báo khoa học. Hiện tại Chúc luôn sôi nổi tham gia các hoạt động của du học sinh và là thành viên câu lạc bộ tấm lòng nhân ái Hà Nội.

Chi sẻ về kinh nghiệm của mình: “Do mình đi du học theo học bổng của trường nên không phải lo lắng về sinh hoạt và học phí, nếu chi tiêu hợp lý hàng tháng sẽ đủ. Năm đầu tiên qua học, nếu chưa biết tiếng thì sẽ được học một năm trước khi bước vào học chuyên ngành. Theo Chúc, năm đầu tiên là năm quan trọng nhất và có ảnh hưởng lớn đến việc học tập trong những năm tiếp theo. Ở Nga, cách giảng dạy vẫn rất truyền thống, nghĩa là giảng viên sẽ đọc, giảng giải học sinh sẽ chép, cuối kỳ thi lý thuyết. Những dụng cụ thí nghiệm, điều kiện thực hành và nghiên cứu khoa học đầy đủ và có sẵn hơn giúp cho sinh viên có điều kiện học tốt nhất”.

Trong thời gian tới Chúc dự định bảo vệ tiến sĩ sớm trong vòng 2 năm. Ngoài thời gian học ở trường Chúc tranh thủ đi làm thêm, tích góp được một số tiền nho nhỏ cô du học sinh làm từ thiện. Ước mơ nhỏ bé của cô du học sinh là sau này có thể giúp đỡ các em học sinh nghèo hiếu học, bởi thành công ngày hôm nay không thể thiếu sự giúp đỡ của rất nhiều người trong đó có những người mà Chúc không hề biết họ để cảm ơn.

Theo Thanh Hà
Tiền Phong