Luật giáo dục đại học sửa đổi: Sẽ quay về kiểu quản lý cũ nếu…
(Dân trí) - Không giải quyết được rõ ràng mức độ tự chủ của trường đại học đối với cơ quan chủ quản; quyền hạn của hội đồng trường có nguy cơ bị xâm hại; tương lai phát triển của trường sẽ kết thúc bởi trường lại phải quay về kiểu quản lý cũ.
Nhiều văn bản Luật liên quan khác chưa được sửa đổi kịp
Ngày 1/7/2019, Luật số 34 (Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018) có hiệu lực sẽ mang lại cho cơ sở giáo dục đại học nhiều thời cơ, cũng như thách thức. Đây là cơ hội giúp các trường đẩy nhanh quá trình phát triển thành trường đại học đạt chuẩn quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, do có nhiều văn bản Luật liên quan khác chưa được sửa đổi kịp, Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật số 34 chưa được ban hành nên việc thống nhất cách làm, cách lập luận giữa các cơ quan liên quan còn gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt là mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và trường đại học trong việc xác định mức độ tự chủ: toàn bộ (tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư); tự chủ phần lớn (tự chủ chi thường xuyên, kinh phí đầu tư phát triển vẫn nhờ vào nhà nước) hoặc chỉ tự chủ có mức độ (tự túc được một phần kinh phí chi thường xuyên).
Từ đó có định hướng xây dựng quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường. Trong nội dung quy chế này, điểm nổi bật là nhân sự của hội đồng trường, ban giám hiệu; tài chính đối với các công việc quan trọng, dự án lớn nhằm phát triển nhà trường.
Không giải quyết được rõ ràng mức độ tự chủ của trường đại học đối với cơ quan chủ quản; quyền hạn của hội đồng trường có nguy cơ bị xâm hại; tương lai phát triển của trường sẽ kết thúc bởi trường lại phải quay về kiểu quản lý cũ.
Việc coi một trường đại học tự chủ là đại học phi lợi nhuận; hay vẫn là một đơn vị sự nghiệp phải nộp kinh phí nghĩa vụ cho cơ quan chủ quản là một yếu tố khác cũng có tính quyết định.
Một đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ, còn hưởng tài trợ từ ngân sách nhà nước cũng không phải nộp nghĩa vụ cho cơ quan chủ quản vì thực tế là chưa có qui định pháp luật nào yêu cầu điều này.
Nay với một đại học tự chủ, phi lợi nhuận, không còn nhận ngân sách nhà nước, mà lại phải trích nộp nghĩa vụ cho nhà nước thì việc đó thực sự rất không hợp lý, khó đi đến đồng thuận.
Cần những chỉ đạo cụ thể và cứng rắn hơn
Điểm thuận lợi đối với các đại học đó là Luật số 34 có nhiều nội dung mới, tạo điều kiện cho các trường tự chủ, cụ thể:
Thứ nhất, Hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan;
Thứ hai, Chủ tịch hội đồng trường là thành viên cơ hữu của trường;
Thứ ba, Nhiệm kỳ của Hiệu trưởng do Hội đồng trường quyết định. Nghĩa là “tư duy nhiệm kỳ đã được gỡ bỏ”.
Tuy nhiên, đi vào thực tế, việc thực hiện được hay không các qui định pháp luật này lại còn tùy thuộc chủ quan rất nhiều vào mối quan hệ giữa nhà trường và cơ quan chủ quản; cũng như quan điểm của người đứng đầu.
Do đó, việc thống nhất áp dụng những nội dung nói trên như thế nào, trong một số trường hợp là không hề đơn giản và nhiều khi không thể thống nhất được.
Vì vậy, để các trường thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước về tự chủ đại học trong thời gian từ nay đến sau ngày 1/7/2019 (thời điểm Luật số 34 có hiệu lực), rất cần những chỉ đạo cụ thể và cứng rắn hơn của Đảng, của Chính phủ; bởi sự chậm trễ thực hiện vì ý chí chủ quan của cơ quan chủ quản sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của hàng vạn sinh viên, cũng như đời sống của hàng ngàn viên chức của mỗi trường.
Trong những trường hợp cấp thiết, rất cần sự trợ giúp trực tiếp và kịp thời của Chính phủ.
Con đường căn cơ nhằm thúc đẩy thực hiện thành công tự chủ đại học là tiếp thu, xem xét kỹ lưỡng và sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật số 34 theo hướng: những gì Luật đã cụ thể hóa, thì Nghị định chỉ việc viết đúng như Luật và Nghị định chỉ giải thích những gì Luật giao cho Chính phủ quyết định.
Để bảo vệ quyền lợi của người học, trong đó nên quy định rõ khi trường đại học đóng cửa, sáp nhập hoặc giải thể; thì kết quả học tập, công nhận văn bằng cho sinh viên được thực hiện thế nào.
Ví dụ: sinh viên được thỏa thuận chuyển sang một trường đại học mới, được trường công nhận kết quả các môn đã học, tiếp tục hoàn thành chương trình đào tạo tương đương để được trường mới cấp bằng.
Những sinh viên đã được trường cũ cấp bằng, nhưng nay trường bị đóng cửa (không tồn tại nữa) thì vấn đề xác nhận văn bằng trong thời gian tới sẽ thực hiện ra sao.
PGS.TS Lê Thế Vinh