GS.TS Lê Vinh Danh: “Sẽ phá sản mục tiêu tự chủ đại học nếu Nghị định làm không tốt”

(Dân trí) - Nhận xét về Dự thảo Nghị định tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học đang lấy ý kiến góp ý để trình Chính phủ, GS.TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, trong Dự thảo một số quyền của các đại học tự chủ bị tước bỏ; cơ sở giáo dục đại học sẽ không được tự chủ như khi chưa có Nghị định.

GS.TS Lê Vinh Danh: “Sẽ phá sản mục tiêu tự chủ đại học nếu Nghị định làm không tốt” - 1

GS.TS Lê Vinh Danh

Theo GS.TS Lê Vinh Danh, Dự thảo này nếu được ban hành đúng như vậy, sẽ tạo ra một bước thụt lùi rất lớn so với tinh thần của Nghị quyết 77, Luật GDĐH sửa đổi (có hiệu lực từ 01/7/2019), Nghị quyết 19 của Hội nghị TW6 vì một số quyền của các đại học tự chủ bị tước bỏ, không bằng khi chưa có Nghị định.

Dự thảo thay vì phải bám sát Nghị quyết TW 6, Nghị quyết 08 của Chính phủ, Luật sửa đổi-bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, Nghị quyết 77 và các văn bản liên quan để chuẩn bị dự thảo thì nội dung lại chủ yếu lấy nội dung từ các qui định hiện hành, chưa kịp sửa của Bộ GD&ĐT và các Bộ khác để qui định.

Như vậy là phản khoa học dẫn đến hệ quả Dự thảo Nghị định kém xa nội dung của Nghị quyết 77 bởi những qui định chi li, bó buộc theo cơ chế xin - cho kiểu cũ.

Những vấn đề trong Dự thảo không được giải thích rõ đại học tự chủ là: đơn vị hành chính - nhà nước hay đơn vị dịch vụ công (để rồi giải thích các quyền phía sau của đơn vị). Nếu là đơn vị dịch vụ công, thì phải áp dụng theo Luật doanh nghiệp hay luật nào?

Hay như quyền quyết định nhân sự (của từng loại đơn vị tự chủ); quyền quyết định nhiệm kỳ, tuổi bổ nhiệm của Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng; quyền quyết định bộ máy tổ chức; quyền quyết định sử dụng tài sản và nguồn thu do đại học tự làm ra; đơn vị tự chủ đầu tư bằng nguồn tiền do trường tự tích lũy thì áp dụng theo Luật đầu tư công hay Luật đầu tư?; các quyền khác thì theo Luật doanh nghiệp hay Luật chuyên ngành đối với đơn vị hành chính-sự nghiệp?...

Sẽ để lại những di chứng có hại lâu dài nếu...

Tại sao ông lại có sự nhìn nhận như vậy?

Nghiên cứu dự thảo tôi thấy, cơ quan quản lý ngành có vẻ không muốn “buông” cho các đại học được thực sự tự chủ. Bộ vẫn muốn quản, vẫn muốn duy trì cơ chế xin cho vì thế, cần xem xét thận trọng chủ trương “bỏ bộ chủ quản” do Bộ khởi xướng, rất có thể sẽ là “bỏ bộ chủ quản” nhưng sẽ hình thành “bộ quản lý” (theo tư duy cũ) các trường đại học.

Tôi nghĩ, Nghị định có thể ra chậm để lấy ý kiến rộng rãi hơn, nhất là ý kiến của những người làm thực tế, từ các trường đã tự chủ thành công để có một Nghị định để đời và làm thay đổi diện mạo giáo dục, mở rộng quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập trong giáo dục theo đúng tinh thần NQ TW 6.

Nếu ban hành vội vàng, ban hành khi các luật như: Luật viên chức, Luật lao động, Luật đầu tư công chưa kịp sửa cho đúng tinh thần NQ TW 6, chúng ta sẽ có một Nghị định mới, nhưng lại theo các qui định pháp luật cũ, ngược lại với NQ TW 6, điều này sẽ để lại những di chứng có hại lâu dài cho nền GDĐH nước nhà.

Như ông nói, Dự thảo Nghị định kém xa nội dung của Nghị quyết 77 bởi những qui định chi li, bó buộc theo cơ chế xin - cho kiểu cũ. Ông có thể nói rõ quan điểm của mình ?

Nghị định này dự kiến ban hành trong bối cảnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật số 34) vừa được Quốc hội ban hành và sẽ có hiệu lực vào ngày 01/7/2019. Vì thế, có thể coi Nghị định  này là một Đạo luật.

 Đạo luật này không phải là Đạo luật qui định cho phép tự chủ, hay qui định về điều kiện đăng ký để được tự chủ mà là Đạo luật triển khai các hoạt động tự chủ cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học theo tinh thần của Luật số 34 (bao gồm cả đại học tư thục, công lập và nước ngoài; đại học tự chủ toàn diện, tự chủ một phần và chưa tự chủ).

Do đó, Nghị định này không thể đơn giản là văn bản triển khai hay chi tiết hóa Luật số 34 mà phải là một văn bản pháp lý qui định mới hơn nữa về tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.

Việc dẫn chiếu Luật giáo dục đại học, các Luật viên chức, Luật lao động, Luật đầu tư công trong các qui định của Nghị định là cần thiết nhưng nhất thiết phải xem xét các qui định pháp luật trên có phù hợp với tinh thần của NQ TW 6 hay không?; nếu không, chúng ta đang cố gắng đi xây dựng một mô hình quản trị tự chủ, song lại dẫn chiếu những qui định từ những Luật cũ, chưa sửa đổi. Cách dẫn chiếu ấy sẽ làm phá sản mục tiêu tự chủ.

Luật số 34 có nhiều điểm tiến bộ. Do đó, Nghị định này cần tiếp thu đầy đủ những điểm tiến bộ trên và mở rộng hơn nữa, cụ thể hơn nữa quyền tự chủ của các CSGD.

GS.TS Lê Vinh Danh: “Sẽ phá sản mục tiêu tự chủ đại học nếu Nghị định làm không tốt” - 2

GS.TS Lê Vinh Danh: "Việc qui định về tự chủ phải đặt các cơ sở giáo dục vào môi trường đang cạnh tranh trong đào tạo đại học".

 

Vậy theo ông, dự thảo Nghị định này mở rộng như thế nào để đạt kết quả?

Thứ nhất, Nghị định phải tiếp thu toàn vẹn những giá trị mới của Luật số 34.

Thứ hai, bảo đảm rằng cơ chế tự chủ có khác biệt và tiến bộ, phát triển hơn so với mô hình quản trị đại học chưa tự chủ (mô hình thông thường).

Trong Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Ban chấp hành Trung ương đã đưa ra rất nhiều giải pháp đột phá cho việc đổi mới hoạt động, quản lý của các cơ sở giáo dục đại học như: không áp dụng chế độ công chức trong các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; thí điểm thuê người điều hành; áp dụng mô hình quản lý như doanh nghiệp đối với các cơ sở giáo dục đại học….

Những giải pháp trên là mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH. Do đó, không có bất kỳ lý do nào để các qui định trong Nghị định tự chủ đại học lại còn có giải pháp ôn hòa, thỏa hiệp hay thụt lùi, bảo thủ hay kém quyết liệt hơn so với NQTW 6.

Ban soạn thảo chỉ cần chuyển hóa các giải pháp mà Trung ương đặt ra và pháp lý hóa theo ngôn từ pháp luật. Chỉ cần vậy, chúng ta sẽ có được văn bản pháp quy phù hợp với chỉ đạo của Đảng và chắc chắn là Dự thảo Nghị định về tự chủ đại học sẽ rất chất lượng.

Việc qui định về tự chủ phải đặt các cơ sở giáo dục vào môi trường đang cạnh tranh trong đào tạo đại học; cần bảo đảm rằng các cơ sở đào tạo đại học công lập có được cơ hội cạnh tranh bình đẳng, công bằng, lành mạnh với các cơ sở đào tạo thuộc các hình thức khác như đại học tư, đại học nước ngoài, đại học quốc gia.

Chỉ có như vậy, giáo dục đại học mới có cơ hội phát triển và đạt được những thành tựu trong tương lai cả về giáo dục và nghiên cứu.

Cần có 3 loại hình đại học

 Ông có đề nghị gì đối với dự thảo Nghị định này?

Về nội dung, chúng tôi đề nghị cần chia chính xác 3 loại hình đại học hiện nay theo mức độ tự chủ từ trên xuống là Đại học tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên và chi đầu tư; Đại học tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên; Đại học tự chủ một phần chi thường xuyên.

Mỗi loại hình có một chương quy định riêng về 3 vấn đề: quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình, những hỗ trợ từ nhà nước.

Vì sao phải phân loại và qui định như vậy, thưa ông?

 Thứ nhất, đại học còn được bao cấp hoàn toàn chi thường xuyên trở lên là đơn vị chưa tự chủ, vẫn còn có công chức theo văn bản mới nhất của Văn phòng Chính phủ. Do đó, nhóm đại học này không phải là đối tượng của Nghị định này.

Thứ hai, như vậy, chi thường xuyên là chỉ dấu rất quan trọng để xác định mức độ tự chủ vì nó xác định loại hình lao động làm việc trong đại học tự chủ.

Thứ ba, căn cứ vào chi thường xuyên, chỉ có 3 loại hình trên mà thôi.

Thứ tư, vì loại 1 và loại 2 không còn công chức, loại 3 còn công chức một thời gian nữa. Trong khi loại 2 và loại 3 tiếp tục vẫn còn ngân sách nhà nước chi đầu tư, chi cho các dự án dở dang một thời gian thì loại 1 hoàn toàn không.

Do đó, loại 2 và loại 3 sẽ còn áp dụng Luật đầu tư công và quản lý tài sản công, trong khi loại 1 hoàn toàn có thể và nên được chuyển sang hoạt động như doanh nghiệp không áp dụng Luật đầu tư công và quản trị tài sản công.

Khi đã phân định đúng 3 loại hình đại học tự chủ ngay từ đầu dựa vào "chi thường xuyên", ta sẽ có qui định được chính sách đúng cho từng loại để giúp tất cả đều phát triển. Điều này rất quan trọng và vô cùng có ý nghĩa.

Và như vậy, khi đã phân loại đúng thì Nghị định này cần được chỉnh lại, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với từng loại trong cả 3 loại để giúp tất cả cùng phát triển. Bởi mỗi loại có đặc thù rất khác nhau và không thể cào bằng về mặt quy định.

Ngoài ra, với những vấn đề còn lại, Bộ phận làm dự thảo cần tự trả lời các câu hỏi: Liệu trong thực tế có làm được điều đó không? liệu như thế là đã bảo đảm công bằng giữa các loại hình trường chưa? liệu mình có đang tạo dễ dàng và thuận lợi cho cơ quan quản lý và đẩy khó khăn về cho trường không?....

Trả lời tốt những câu hỏi này có trách nhiệm, mới mong có được một Dự thảo tốt.

Điểm cuối cùng là không thể viện dẫn những Luật cũ, chưa sửa đổi theo chỉ đạo của NQTW 6 để làm Nghị định vì như thế làm cho Nghị định không phù hợp thực tế. Thà rằng có thể chờ các qui định pháp luật lỗi thời kia được sửa đổi theo đúng NQTW 6 (như trường hợp Luật số 34) hãy ban hành Nghị định tự chủ.

Trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh