Luật GD Đại học: Chưa đủ "chín" để trình Quốc hội

Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) đã được dự thảo đến lần thứ 5. Tuy nhiên, tại Hội thảo Góp ý cho dự án Luật GDĐH do Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 13/10, tất cả các đại biểu đều thừa nhận rằng, dự thảo này vẫn còn nhiều điểm bất cập.

Tự chủ nửa vời
 
Theo Dự thảo Luật GDĐH lần này, vấn đề tự chủ đại học đã được đặt ra cụ thể hơn, quy định tại Điều 28. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, quy định này còn nửa vời và thiếu nhất quán.

Giáo sư Hoàng Tụy cho biết, đã có nhiều cuộc họp, nhiều quyết định nói về phân cấp, thậm chí phân cấp mạnh mẽ cho các trường được tự chủ, nhưng xu hướng chung là Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn ôm đồm. Ví dụ ở chương 3, 4, 5 của Dự thảo đều có những việc lẽ ra phải để cho các trường làm.

“Đến thời điểm này mà còn quy định Bộ tổ chức biên soạn một số giáo trình sử dụng chung để làm tài liệu giảng dạy trong các cơ sở GDĐH là cực kỳ phi lý, cực kỳ lạc hậu. Ở trên thì nói tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nghe có vẻ thoáng, nhưng quy định cụ thể ở dưới lại không như vậy,” Giáo sư Hoàng Tụy bức xúc.

Ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Đại học Dân lập Phương Đông thì cho rằng, đã quyết định thành lập trường thì phải cho trường được tự chủ. “Nếu có một cuộc chơi là xét cho các trường được tự chủ thì thà cứ để như hiện nay còn hơn,” ông Dụ nói.

Nhà văn Nguyên Ngọc cũng nhận định, vấn đề tự chủ đại học trong Dự thảo Luật còn nhiều mâu thuẫn. Đại học là nơi sản xuất tri thức cho xã hội chứ không chỉ là nơi truyền đạt tri thức. Nhưng muốn sản xuất tri thức thì phải có tự do tuyệt đối, đó là tự chủ đại học. “Tôi cho rằng ban soạn thảo chưa hiểu rõ thế nào là đại học, chưa có tư duy quán xuyến nên các điều luật trở nên luẩn quẩn,” ông Ngọc nói.

Không nên ép “chín”

Phát biểu tại Hội thảo, tất cả các ý kiến đều đồng tình ở chỗ Dự thảo Luật GDĐH chưa chín muồi, còn nhiều thiếu sót. Do đó, một số đại biểu đề xuất Ban soạn thảo không nên ép “chín” để trình Quốc hội đúng hạn mà nên sửa lại thấu đáo hơn.

Giáo sư Lương Quang Thiệp cho biết, hai vấn đề ông quan tâm nhất là hội đồng trường và đại học không vì lợi nhuận, nhưng cả hai vấn đề này đều được đưa vào Dự thảo Luật gần như chỉ để… cho có.

Cũng theo ông Thiệp, ngay cả thuật ngữ “tự chịu trách nhiệm,” “trách nhiệm xã hội” cũng chưa chuẩn xác mà phải là có trách nhiệm trước xã hội hoặc trách nhiệm giải trình.

“Luật này chưa ‘chín’. Nếu nó ‘sống’ như thế thì việc gì phải cố trình Quốc hội đúng thời hạn?” ông Thiệp kiến nghị.

Cũng về vấn đề hội đồng trường, ông Nguyễn Quang Kính phân tích: tại khoản 2 điều 14 quy định hội đồng trường có nhiệm vụ thẩm định chiến lược, kế hoạch, giám sát các hoạt động của ban giám hiệu, nghĩa là hội đồng trương là nơi cân bằng quyền lực với ban giám hiệu. Tuy nhiên, tại khoản 4 của điều này lại quy định “chủ tịch hội đồng trường là hiệu trưởng hoặc giám đốc”. Cách làm này chẳng khác nào “vừa đánh trống vừa thổi còi”.

Về loại hình trường ngoài công lập không vì lợi nhuận thì ngay cả định nghĩa về loại hình này cũng không có.

“Bây giờ, ban soạn thảo có hai lựa chọn, hoặc là làm qua loa để trình Quốc hội, hoặc là sửa cơ bản để trình, cách này mất nhiều thời gian. Bộ nên tập hợp lực lượng để sửa chữa. Có luật tất nhiên là tốt, nhưng nếu một văn bản luật như thế này thì không cần thiết,” ông Kính khẳng định.

Nhìn một cách khái quát hơn, Giáo sư Hoàng Tụy cho rằng, Nghị quyết Trung ương khóa 10 là tiến hành đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục. Vậy, phải tiến hành nghiên cứu nội dung, phương hướng, lộ trình cải cách rồi mới tiến hành đến Luật GDĐH.

Nay bàn về Luật GDĐH mà chưa bàn cải cách như thế nào thì không khác gì đặt cái cày trước con trâu. Trước đây, giáo dục phổ thông đã có cách làm ngược này, chưa bàn cải cách giáo dục thế nào đã bàn sửa đổi chương trình sách giáo khoa với đề án 70.000 tỷ đồng và đã bị dư luận phê phán. Hàng loạt sự việc như vậy thể hiện một tư duy làm giáo dục không hệ thống, ăn xổi, chạy theo thành tích ảo, ở mức nào đó là để báo cáo lấy công.

"Nếu Dự thảo Luật này được thông qua thì sẽ là cách để hợp pháp hóa tất cả những hoạt động giáo dục hiện nay dù là những hoạt động đó đến nay đã thấy rõ không hiệu quả, có nghĩa là chúng ta đã bàn định ngay phương hướng, nội dung cải cách giáo dục, điều này là không đúng với nghị quyết đại hội Đảng," Giáo sư Hoàng Tụy nói.

Theo Vietnam+