Thứ trưởng GD-ĐT: “Cơi nới” quyền tự chủ cho mọi trường đại học

(Dân trí) - “Bộ GD-ĐT sẽ không can thiệp sâu vào hoạt động của trường khi quyền tự chủ được “cơi nới” cho tất cả các trường. “Cởi trói” là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục đại học” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga phát biểu.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Quyền tự chủ được cơi nới cho tất cả các trường.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: "Quyền tự chủ được "cơi nới" cho tất cả các trường".

Chuẩn bị một bản giới thiệu khá công phu về Luật Giáo dục Đại học trong buổi công bố luật tại Văn phòng Chủ tịch nước hôm nay 16/7 nhưng Thứ trưởng GD-ĐT Bùi Văn Ga gần như “nói vo” về văn bản luật được đánh giá là đặc biệt quan trọng đối với ngành và với cả xã hội này.

Ông Ga nhấn mạnh nội dung quy định quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, tự chủ là một thuộc tính của các cơ sở đào tạo ở bậc học này. Luật quy định quyền tự chủ tương ứng với năng lực và điều kiện đảm bảo việc thực hiện quyền.

Quyền tự chủ đi kèm với tự chịu trách nhiệm của mỗi trường. Trách nhiệm lón nhất đối với xã hội là bảo đảm chất lượng đào tạo. Luật quy định, mỗi trường được tự chủ in phôi văn bằng, cấp văn bằng cho người học. Như vậy nghĩa là gắn chất lượng đào tạo với tên tuổi của nhà trường.

Gắn liền với quy định này là thiết chế không thể thiếu - Hội đồng trường để giao quyền tự chủ cho các trường. Để phù hợp hơn với thực tiễn giáo dục đại học Việt Nam, luật mới bổ sung quy định về Hội đồng trường đối với các trường công lập so với quy định hiện hành tại điều 52 luật Giáo dục.

“Quyền tự chủ được “cơi nới” cho tất cả các trường.Bộ GD-ĐT sẽ không can thiệp sâu vào hoạt động của trường với điều kiện trường có một Hội đồng trường đủ mạnh, tương đương Hội đồng quản trị ở các trường tư thục. “Cởi trói” là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục đại học” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Ông Ga thông tin thêm, tăng quyền cũng được quy định đi kèm với những điều khoản giám sát chặt chẽ chất lượng đào tạo trong suốt quá trình sinh viên học tập tại trường. Thay vì quy định chương trình khung như trước đây, luật lần này quy định về chuẩn tối thiếu kiến thức, kỹ năng đối với người học sau khi tốt nghiệp.

Việc kiểm định là bắt buộc đối với tất cả các trường để thực hiện quyền tự chủ. Trên cơ sở kết quả kiểm định chất lượng, các trường sẽ được xếp hạng theo những tiêu chí cụ thể.

Để nâng cao tính cạnh tranh, luật “cởi trói” cho trường đại học được thực hiện chương trình đào tạo chất lượng cao, thu học phí tương xứng.

Thứ trưởng GD-ĐT phân tích, nhà nước có chính sách ưu tiên về đất đai, thuế, tín dụng… để khuyến khích các trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động nhưng không vì mục đích lợi nhuận. Các trường có vốn đầu tư lớn cũng được ưu tiên cho phép thành lập. Tuy nhiên, để tránh tình trạng một trường đại học nào đó muốn lợi dụng danh nghĩa phi lợi nhuận để mưu cầu lợi nhuận, luật quy định dành ít nhất 25% khoản thu để đầu tư phát triển trường. Phần này được miễn thuế. Phần còn lại, nếu phân phối cho các nhà đầu tư, sẽ phải nộp thuế theo quy định.

“Mặt khác, để đảm bảo sự phát triển bền vững của trường, luật quy định giá trị tích lũy trong quá trình hoạt động của các trường tư thục (như đất đai nhà nước giao, tài sản được ủng hộ, tài trợ, hiến tặng…) không là tài sản chung không chia, không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào. Như vậy, sau vài chục năm hoạt động, trường tư thục cũng trở thành cơ sở phục vụ xã hội như một trường công” - ông Ga giải thích.

Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013. Tuy nhiên, theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, để quy định chi tiết luật cần có 36 văn bản (12 văn bản mới, 24 văn bản bổ sung) gồm 5 Nghị định của Chính phủ, 1 quyết định của Thủ tướng, 4 thông tư của liên bộ…

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm