Dự thảo Luật Giáo dục đại học: Lại né cái cần nói
Theo các ý kiến tại cuộc tọa đàm vừa được tổ chức tại TPHCM, dự thảo mới nhất của Luật Giáo dục đại học chưa thể hiện được ý chí, quyết tâm đổi mới công tác quản lý; chưa định hình rõ triết lý giáo dục trong luật, tư duy của nhà quản lý…
Chưa rõ quan điểm đổi mới
GS-TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội phấn khởi khi thấy những ý kiến đóng góp của các chuyên gia ở lần góp ý trước đây (tháng 4/2011) đã được ban soạn thảo lắng nghe, chỉnh sửa. Tuy nhiên, theo GS-TS Nguyễn Ngọc Trân, vẫn còn nhiều điểm quan trọng mà ban soạn thảo bỏ qua, chưa thể hiện được quyết tâm đổi mới. Để minh chứng cho luận điểm của mình, GS-TS Nguyễn Ngọc Trân dẫn chứng: Dự thảo đã lượt bỏ đoạn “Xây dựng Luật Giáo dục ĐH phải dựa trên quan điểm thực tiễn, toàn diện và phát triển góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc mà thực tiễn giáo dục ĐH đặt ra và thực hiện những mục tiêu chiến lược của giáo dục ĐH”. Ông thắc mắc: “Tại sao ban soạn thảo lại bỏ quan điểm này trong khi Nghị quyết 11 nhấn mạnh vấn đề này rất nhiều lần là phải đổi mới toàn diện và căn bản nền giáo dục. Nếu đưa ra luật mà không có quan điểm rõ ràng, luật sẽ đi bên lề của cuộc sống”.
Bàn đến vấn đề cấu trúc lại hệ thống giáo dục ĐH, GS-TS Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đề xuất: Cấu trúc của hệ thống giáo dục ĐH nên quy định như sau: (1) các trường ĐH có định hướng nghiên cứu; (2) các trường ĐH có định hướng nghề nghiệp - ứng dụng; (3) các trường CĐ có định hướng nghề nghiệp và CĐ cộng đồng… |
Không dừng lại đó, GS-TS Nguyễn Ngọc Trân cũng cho rằng, lập trường của Bộ GD-ĐT, ban soạn thảo luật ở nhiều nội dung vẫn chưa chịu đổi mới. Theo đó, cơ cấu tổ chức và phân tầng ĐH vẫn không thay đổi mà vẫn giữ theo kiểu “lẩu thập cẩm”: trường CĐ, trường ĐH, ĐH quốc gia, viện nghiên cứu khoa học. Mặt khác, ở lần góp ý trước đây, nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh luật phải làm rõ vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận nhưng ban soạn thảo cũng né tránh vấn đề này bằng cách nêu: Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục ĐH vì lợi nhuận. Về vấn đề hội đồng trường, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long cho rằng: “Ban soạn thảo lấy lý do chỉ có 10/188 trường có hội đồng trường và hoạt động không hiệu quả nên không đưa hội đồng trường vào dự thảo luật là không hợp lý”. Theo ông, lý do nói hoạt động không hiệu quả là chưa thuyết phục. Vấn đề ở đây là phải phân tích tại sao chúng ta không làm được dù trong Luật Giáo dục và Điều lệ trường ĐH do Thủ tướng ban hành mới đây (năm 2010) cũng đã nêu rất cụ thể về vấn đề này.
Lần đầu tiên được mời góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục ĐH, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM băn khoăn: “Tôi muốn biết, luật này ra đời có giải quyết được những vấn đề của giáo dục ĐH đang gặp phải hay không? Nếu luật không giải quyết được thì sao? Vì vậy, theo Nghị quyết 11, chúng ta phải xác định vấn đề nào cần đổi mới và đổi mới như thế nào”. Từ quan điểm này, TS Trần Du Lịch cho rằng, cái quan trọng là tư duy lãnh đạo, quản lý phải rõ về quan điểm khi xây dựng luật. Ông phân tích: “Tôi băn khoăn nhất hiện nay là vấn đề chất lượng giáo dục ĐH. Chính chủ trương chúng ta đang chạy theo số lượng, thành tích để đạt được số sinh viên/vạn dân và tiếp tục cho thành lập trường ĐH sẽ kéo dài bệnh thành tích dẫn đến nền giáo dục ĐH chúng ta không giống ai”.
Quay lại vấn đề mô hình tổ chức và triết lý giáo dục, TS Trần Du Lịch gợi mở: “Triết lý giáo dục ĐH Việt Nam nên chọn theo kiểu châu Âu (công lập là chính) hay Hoa Kỳ (tư thục là chính) để cải cách. Khi xác định được triết lý rồi, sẽ thống nhất về tư tưởng, quan điểm tổ chức, mô hình… và việc xây dựng luật, điều khoản sẽ dễ dàng hơn. Với những bất ổn của thực trạng giáo dục ĐH hiện nay, ông bày tỏ: “Luật hóa cái đang nát để làm gì?”.
Là người từng kinh qua công tác giảng dạy lẫn quản lý, GS Nguyễn Tấn Phát, nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM đã có cái nhìn bao quát về dự thảo lần này. Ông đánh giá dự thảo mới đã thể hiện tinh thần lắng nghe và tiếp thu của ban soạn thảo bằng việc có nhiều điểm điều chỉnh, chi tiết hơn lần trước. Tuy nhiên, hạn chế ở chỗ nhận thức của Bộ GD-ĐT vẫn còn lúng túng, chưa thể hiện rõ nét sự phân cấp cho các trường ĐH.
Trước nhiều điểm quan trọng chưa được làm rõ, GS-TS Nguyễn Ngọc Trân kiến nghị với Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, ban soạn thảo rằng luật chỉ nên ban hành khi nó đặt nền tảng pháp lý rõ ràng để giải quyết những yếu kém, bất cập đã kéo dài, đồng thời thể hiện quan điểm đổi mới thật sự về quản lý nhà nước đối với giáo dục ĐH.