Dự thảo Luật Giáo dục đại học:

Sẽ giải quyết những bức xúc của giáo dục ĐH

(Dân trí) - Chất lượng giáo dục đại học có được thay đổi hay không đều phụ thuộc vào Luật Giáo dục đại học sắp tới. Vậy, dự thảo Luật Giáo dục đại học lần này có những điểm mới nào để giải quyết bất cập của giáo dục đại học hiện nay?

Sẽ giải quyết những bức xúc của giáo dục ĐH - 1
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Kim Khôi (ảnh), Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Phó trưởng ban Ban soạn thảo dự án Luật Giáo dục đại học (GDĐH) về vấn đề này.
 
Dự thảo Luật GDĐH được Ban soạn thảo chuẩn bị, xây dựng dựa trên những quan điểm nào thưa ông?

Dự thảo Luật GDĐH được xây dựng dựa trên quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Hội nghị TW2 (khoá VIII), kết luận Hội nghị TW 6 (khoá IX),Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Thông báo số 242/TB-TW thông báo kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 (khoá VIII) và phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020 và các văn kiện của Đảng liên quan đến GDĐH. Cụ thể là:

Mục tiêu GDĐH nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng nhu cầu xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu; phát triển GDĐH gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ và củng cố quốc phòng an ninh.

Các nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả GDĐH, tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng GD. Phát triển quy mô GDĐH cả đại trà và mũi nhọn trên cơ sở đảm bảo chất lượng và điều chỉnh cơ cấu đào tạo, gắn đào tạo với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, gắn đào tạo với sử dụng nhằm phát huy hiệu quả GD. Thực hiện công bằng xã hội trong GD.

Đổi mới quản lý GD bao gồm đổi mới quản lý nhà nước về GD và đổi mới quản lý của các cơ sở GDĐH. Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tạo động lực và sự chủ động của các cơ sở GD, các chủ thể tiến hành GDĐH. Nhà nước tăng đầu tư, tập trung cho các mục tiêu ưu tiên, các chương trình quốc gia phát triển GDĐH.

Tăng cường hợp tác quốc tế về GDĐH. Tiếp cận chuẩn mực GDĐH tiên tiến của thế giới phù hợp với yêu cầu phát triển Việt Nam; tham gia hội nhập khu vực và thế giới. Có cơ chế quản lý phù hợp đối với cơ sở GDĐH do nước ngoài đầu tư hoặc liên kết đào tạo.

Luật GDĐH được xây dựng dựa trên quan điểm thực tiễn, quan điểm toàn diện và quan điểm phát triển, góp phần giải quyết những vấn đề bức xức mà thực tiễn GDĐH đang đặt ra và thực hiện những mục tiêu chiến lược của GDĐH.

Với các quan điểm nêu trên, theo ông các nguyên tắc cơ bản xây dựng dự án Luật GDĐH là gì?

Quán triệt các quan điểm chỉ đạo nêu trên, trong quá trình xây dựng dự án Luật GDĐH, Ban soạn thảo đã xác lập các nguyên tắc cơ bản là:

Luật GDĐH thể chế hoá đường lối và các quan điểm cơ bản của Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia rộng rãi của nhân dân, của xã hội đối với việc xây dựng và nâng cao chất lượng GDĐH.

Luật GDĐH phải phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Luật GDĐH điều chỉnh các quan hệ về giáo dục đại học với tư cách là một chế định pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội đặc thù trong lĩnh vực GD, vì thế Luật GDĐH góp phần hoàn thiện pháp luật về giáo dục trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Luật GDĐH quy định chi tiết những nội dung về GDĐH mà Luật GD đã quy định nhưng còn mang tính chất là luật khung. Những quy định trong Luật GD liên quan đến GDĐH còn mang tính khái quát, thì được cụ thể hóa. Những quy định trong Luật GD đã cụ thể thì được dẫn chiếu. Một số quy định của Luật GD liên quan đến GDĐH được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tiễn GDĐH Việt Nam và xu thế phát triển của GDĐH trên thế giới.
Sẽ giải quyết những bức xúc của giáo dục ĐH - 2
Nếu Luật Giáo dục ĐH được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết được tình trạng đông đúc sinh viên trên giảng đường.

Theo ông, Luật GDĐH sắp tới có điều luật nào có tính chất mới, mang tính thay đổi căn bản để có thể điều chỉnh những bất cập trong GDĐH hiện nay?

Dự thảo Luật GDĐH bao gồm 12 chương, 67 điều với nhiều nội dung quan trọng, được pháp điển hóa các quy định phân tán trong các văn bản dưới luật thành quy định của Luật GDĐH, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất cho sự phát triển của GDĐH và thực hiện các mục tiêu của GDĐH.

Điểm mới cơ bản và xuyên suốt của dự thảo Luật là các quy định về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDĐH về tổ chức và nhân sự; tài chính và tài sản; hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm bảo chất lượng GDĐH tương ứng với vị trí, vai trò, nhiệm vụ của cơ sở GDĐH trong hệ thống GD quốc dân; điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ; cam kết trách nhiệm khi thực hiện tự chủ và kết quả kiểm định chất lượng của cơ sở GDĐH.

Bên cạnh đó là các quy định mới về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng GDĐH, trong đó quy định các cơ sở GDĐH được quyền lựa chọn các tổ chức kiểm định chất lượng GDĐH có uy tín để đăng ký kiểm định chất lượng GDĐH; tham gia các hoạt động kiểm định chất lượng GDĐH và công khai kết quả kiểm định chất lượng GDĐH.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định các chính sách nhằm đẩy mạnh xã hội hóa GDĐH, huy động nhiều hơn nguồn đầu tư của xã hội để phát triển GDĐH; khuyến khích các cơ sở GDĐH tư thục và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

Đặc biệt, dự thảo Luật quy định phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của cơ sở GDĐH tư thục được dành một phần hợp lý để đầu tư cho hoạt động GD, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý GD, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội. Phần này được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Phần còn lại, nếu phân phối cho các nhà đầu tư và người lao động của cơ sở GDĐH, thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Những cơ sở pháp lý được thể hiện trong Luật GDĐH lần này được Bộ GD-ĐT tham khảo từ những nguồn nào?

Trong quá trình xây dựng dự án Luật GDĐH, Ban soạn thảo đã nghiên cứu các Nghị quyết của Đảng về GDĐH; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các Nghị quyết của Quốc hội về GDĐH; tiến hành tổng kết thực tiễn công tác GDĐH và công tác thi hành pháp luật về GDĐH từ năm 1975 và tổng kết về GDĐH từ năm 1998 đến nay.

Những vấn đề quy định trong văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật được thực tiễn kiểm nghiệm, ổn định thì được nâng lên thành các quy định của Luật GDĐH.

Sưu tầm, biên dịch tài liệu, thông tin về GDĐH và pháp luật về GDĐH của một số nước như Liên bang Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Na Uy, Hoa Kỳ, bang Hessen - CHLB Đức và tham khảo kinh nghiệm về Luật GDĐH của một số nước khác trên thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Nhật Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm