Lớp trưởng tiểu học thành Chủ tịch: Tạo quyền lực hay giúp trẻ tự tin?

(Dân trí) - Nội dung trong dự thảo thông tư mới của Bộ GD-ĐT quy định về việc lớp học bậc tiểu học sẽ có chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản đang "dậy sóng" dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Lo lắng con trẻ háo danh, không tạo sự thân thiện

Theo dự thảo thông tư vừa được Bộ GD&ĐT công bố, việc tổ chức lớp học, lớp học tiểu học sẽ có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học. Mỗi lớp học có không quá 35 học sinh.

Nhiều bậc phụ huynh khi nắm được thông tin tỏ ra vô cùng ngạc nhiên vì cách áp dụng chức vụ giống “giới kinh doanh” vào lớp tiểu học.

Anh Dương Hiệp có con gái đang học lớp 4 ở Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: “Việc đưa chức vụ Chủ tịch, phó Chủ tịch vào lớp tiểu học của các cháu không phù hợp lắm, dễ tạo ra cho các cháu tính háo danh, hiếu thắng và sự cách biệt giữa các bạn trong lớp. Lớp học nên duy trì lớp trưởng, lớp phó như trước thì tốt hơn”.

Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh chức danh chủ tịch, phó chủ tịch ở bậc tiểu học

Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh chức danh chủ tịch, phó chủ tịch ở bậc tiểu học

Cùng quan điểm với anh Hiệp, chị Mai Hoa ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Các cháu tiểu học chứ có phải doanh nhân đâu mà gán cho chức danh chủ tịch, với phó chủ tịch hội đồng tự quản. Điều này tôi thấy quá khập khiễng so với độ tuổi của các cháu. Đặc biệt, nếu không cẩn thận rất dễ tạo cho trẻ quyền lực theo hướng tiêu cực và gây ra mâu thuẫn với các bạn trong lớp”.

Tuy nhiên, đối với gia đình nhà anh Nguyễn Hoàng có con theo học ở trường tiểu học áp dụng mô hình mới lại có ý kiến ngược lại: “Con nhà tôi đang học ở lớp có lớp trưởng gọi là chủ tịch và lớp trưởng được luân phiên trong năm học, đây là một mô hình rất hay và mới mẻ. Thực chất cũng chỉ là thay đổi một chút về tên gọi chứ cơ bản cũng giống mô hình cũ. Không nên quá đặt nặng vấn đề vào tên gọi chủ tịch hay phó chủ tịch mà nghĩ rằng con trẻ sẽ bị ảnh hưởng xấu”.

Theo nhà giáo Văn Như Cương: “Tại sao từ trước đến nay gọi là lớp trưởng, lớp phó bây giờ lại có thêm chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch, tôi có xem truyền hình và thấy có học sinh nói rất đúng là cái chức danh mới nghe chẳng có chút thân thiện nào với học sinh cả. Nếu như mô hình cũ có lớp trưởng, nhóm trưởng, các bạn học sinh dễ hoà đông, bạn bè với nhau thì bây giờ giữa bạn bè với nhau lại có chủ tịch, phó chủ tịch. Đôi khi trẻ con cũng không hiểu chủ tịch, phó chủ tịch là cái gì. Hơn nữa chức vụ lớp trưởng, lớp phó từ xưa đến nay không xảy ra vấn đề gì, không làm cho giáo dục đi xuống nên cũng không cần thiết phải thêm chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch làm gì cho phức tạp”.

Giúp trẻ mạnh dạn, tự tin hơn

Góp ý về dự thảo, nhiều chuyên gia giáo dục đều cho rằng, việc thực hiện luân phiên vai trò lớp trưởng, lớp phó và có chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh sẽ tạo cơ hội để học sinh mạnh dạn tự tin khẳng định mình hơn trong học tập.

Việc tham gia làm chủ tịch, học sinh được tham gia nhiều việc dân chủ hơn lớp trưởng ở mô hình trường học cũ. Bởi học sinh được trao quyền chủ động có ý kiến, đề xuất, giải quyết sự việc trong lớp học nên tăng tính tự chủ, tự tin.

Dự thảo thông tư mới của Bộ GD-ĐT quy định về việc lớp học bậc tiểu học sẽ có chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản đang "dậy sóng" dư luận. Bạn có đồng ý với quy định đó?
Đồng ý
Không đồng ý
  
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, tên gọi chức danh “chủ tịch” có thể khiến người ta hiểu ý nghĩa khác đi nhưng quan trọng là cách làm. Nếu cách làm tốt, học sinh thực sự được rèn luyện kỹ năng thì không có gì đáng bàn. Ông Lâm cũng khuyên, nên luân phiên vị trí này theo kỳ hoặc năm học và phụ huynh không nên can thiệp vào việc bầu chọn chức vụ của con trẻ ở lớp học.

Theo ông Hà Huy Giáp – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Bắc Giang, việc lớp học có chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh đã được thực hiện tại các lớp triển khai Chương trình trường học mới (VNEN). Ở những lớp này cũng đã thực hiện luân phiên vai trò chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh.

Hiện nay, chúng ta đang chuyển hướng từ dạy học theo nội dung sang phát triển năng lực người học. Thông tư 30 quy định đánh giá học sinh tiểu học cũng có yêu cầu tạo cơ hội cho học sinh được thể hiện mình, mạnh dạn tự tin…Việc cho học sinh luân phiên làm các vị trí quản lý lớp phù hợp với những yêu cầu này.

"Tôi hoàn toàn ủng hộ đổi mới này. Tuy nhiên, cách chúng ta luân phiên như thế nào cũng cần bàn tới. Ví dụ, thời gian đầu, khi học sinh chưa quen, thời gian luân phiên có thể dài hơn, khoảng mỗi học kỳ luân phiên một lần chẳng hạn. Sau này, khi đã quen, việc luân phiên đã thành lớp, có thể rút ngắn thời gian khoảng 2 tháng một lần tùy vào tình hình thực tế của từng lớp. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc luân phiên không nên quá dầy, thời gian mỗi học sinh làm vị trí quản lý quá ngắn sẽ mất đi sự ổn định cần thiết. Riêng với cách thức bầu, theo tôi, vị trí lớp trưởng, lớp phó có thể do giáo viên chỉ định hoặc do tập thể lớp tự bầu; nhưng với chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh nên để học sinh bầu, giáo viên có sự định hướng. Thông thường, hiện nay, việc cử vị trí lớp trưởng, lớp phó vẫn chủ yếu do sự chỉ định của giáo viên chủ nhiệm" - ông Giáp chia sẻ.

Bên cạnh đó, về phía nhà chức trách của ngành giáo dục, ông Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho biết: “Ưu điểm lớn nhất của mô hình dạy học này là tập cho học sinh tự quản, tự học, biết làm việc nhóm, vận dụng sức mạnh tập thể trong các hoạt động, học tập, mạnh dạn nói lên ý kiến của mình”.

Lê Tú

(Email: lengoctu@dantri.com.vn)