Lớp trưởng thành Chủ tịch: Nên giúp đỡ hơn là "ban phát" và "ra lệnh"
(Dân trí) - "Người lớn cần giúp đứa trẻ trở thành "chủ tịch" hay lớp trưởng tốt bằng cách giúp chúng hiểu đúng vai trò, nhiệm vụ, giúp chúng biết cách tổ chức các hoạt động có ích cho tập thể, biết cách rèn luyện bản thân để làm việc chứ không phải coi đó là gánh nặng phải hoàn thành..."
Mấy ngày này, dư luận xã hội đặt nhiều quan tâm đến dự thảo Điều lệ trường tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành. Các ý kiến trao đổi phần lớn xoay quanh mô hình tổ chức học sinh với nhiều chức danh được gọi tên mới.
Tôi viết bài này trên tư cách một người làm nghề dạy học, cũng có đôi chút kinh nghiệm từ xây dựng mô hình trường tiểu học và trung học cơ sở, và đã từng 12 liên tục làm lớp trưởng khi học phổ thông, tôi cũng có con gái từng làm lớp trưởng ở tiểu học. Tôi quan niệm rằng: tất cả sự thay đổi cần cụ thể, dựa trên nền tảng của hiện tại nhưng phải hướng tới một tương lai. Chẳng thể "ép buộc" điều gì đó xảy ra hiệu quả nếu người thực hiện "không tự nguyện" hoặc "không thấy cần thiết".
"Chủ tịch" tự chủ hơn "Lớp trưởng"
"Chủ tịch" hay lớp trưởng trong lòng trẻ em được hiểu khác vài phần so với người lớn. Điều này được kiểm chứng từ bản thân tôi, con gái tôi và hầu hết các học sinh của tôi. Tôi còn nhớ khi lần đầu được bầu làm lớp trưởng (cuối học kì 1 của năm lớp 1), tôi coi đó là một nhiệm vụ, một thử thách. Suốt 12 năm sau đó cho đến khi làm Chủ tịch Hội sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch của một vài Hội và Công ty, tôi vẫn luôn nghĩ như vậy.
Nhiệm vụ đó làm tôi thấy trách nhiệm hơn là "oai", thấy được thử thách hơn là được "quyền lợi". Quyền lợi lớn nhất tôi thấy được, đó là sự trải nghiệm được làm "lãnh đạo", từ đó hiểu hơn về cuộc sống, về con người, về xã hội, nhất là, có thể đứng ở phía người khác mà suy nghĩ.
Ba năm trước, khi xây dựng mô hình Alpha school, với tư cách là Người sáng lập, tôi đã phá bỏ chức danh "lớp trưởng" mà thay vào đó là "chủ tịch hội học sinh" để các bạn học sinh của tôi được tự chủ hơn trong việc tự xây dựng các hoạt động cho phù hợp với bản thân, được quyền tham gia vào các hoạt động của nhà trường, được cho ý kiến và được phản biện các chính sách của nhà trường... Trong suy nghĩ của chúng tôi "chủ tịch" thì tự chủ hơn "lớp trưởng".
Mỗi lần tham dự các buổi tranh cử của các em (từ quy mô nhóm, lớp đến toàn trường) tôi đều nhận ra sự "trong sáng" và "thẳng thắn" của các học sinh. Tôi nhận ra, các em ứng cử ngày càng biết cách tìm hiểu "nhu cầu" của các bạn, chúng chịu khó học hỏi để đưa ra chương trình, hành động biến "nhu cầu" đó thành cương lĩnh tranh cử, thành thực tế để "ghi điểm" trong mắt các bạn.
Đặc biệt, chúng còn tìm hiểu thật kĩ các quyết định của Ban giám hiệu để còn "phản biện" hoặc cùng tham gia xây dựng, đề cử công việc mới.
Người lớn cố "ép" những đứa trẻ vào khuôn khổ
Socrates nhà triết học vĩ đại người Hy Lạp đã nói: “Giáo dục chỉ là việc đánh thức trong con người tri thức còn ngái ngủ chứ không phải đem tri thức của mình đặt vào lòng kẻ khác,…. Mỗi người đều mang thai những tri thức thiết yếu cho cuộc sống, trong giáo huấn cần có ông thầy để làm “bà đỡ” giúp trò “sinh ra những hài nhi tri thức… vì vậy nghệ thuật dạy học là sự gợi lên những gì vốn đang tiềm ẩn trong trí tuệ và tâm hồn học sinh”.
J.J Rousseau cũng đã bày tỏ “…Đứa trẻ nên được để cho tự phát triển bản tính tốt bằng chính trải nghiệm về sức lực của nó, nghĩa là tự mình, không cần sự hướng dẫn của người lớn. Hãy để cho chính đời sống “giáo dục” nó”.
Những yêu cầu về năng suất lao động, về bằng cấp đã đẩy giáo dục ít nhiều vào tình trạng mắc sai lầm.
Người ta cố gắng dạy cho học sinh ghi nhớ và biết làm theo. Để tránh những rắc rối, "đỡ mệt" của cho bản thân, người lớn cũng cố "ép" những đứa trẻ vào khuôn khổ, giao cho chúng những nhiệm vụ, những mục tiêu mà họ đặt ra.
Có một phụ huynh ở TP Hồ Chí Minh đã than thở rằng: con tôi làm lớp trưởng cực lắm, cháu trở nên hay cáu bẳn, thích đánh người khác từ khi được bầu làm lớp trưởng. Trong trường hợp này, phải chăng, cô giáo cháu đã trao cho cháu "cây gậy" mà quên không hướng dẫn cháu cách "thu phục" người khác còn quan trọng hơn cách đánh mắng, bắt nạt? Phải chăng, cô giáo và bố mẹ cháu làm cho cháu lầm tưởng rằng "làm lớp trưởng thật oai" mà quên mất rằng, cháu cần phải rèn luyện những gì để có thể làm tốt nhiệm vụ đó?.
Phải chăng những học sinh khác đã quen nghĩ rằng phải có mệnh lệnh từ giáo viên, từ lớp trưởng chúng mới làm việc gì đó, mà quên mất rằng, lớp học này, công việc này là của tất cả các học sinh, các em có quyền tham gia, phải tự chủ tham gia và phản biện với những người lãnh đạo?.
Giúp học sinh hiểu rõ vai trò "Chủ tịch"
Giáo dục hiện đại quan tâm đến những năng lực mà người học có được trong và sau quá trình giáo dục. Xã hội yêu cầu người học đã trở thành "người làm chủ" ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường (nghĩa là không thể để mô hình trường học lạc lõng với xã hội, với cuộc đời của người học). Quan niệm về một trường học khép kín không còn thuyết phục nữa, cần thay bằng khái niệm trường học mở (chấp nhận và khuyến khích khả năng hiểu biết và phát triển hiểu biết từ nhiều nguồn khác nhau).
Dạy học không phải chỉ giúp người học tích lũy một lượng kiến thức được cho rằng cần thiết để hoạt động thực tiễn. Điều quan trọng hơn là qua quá trình học ở nhà trường học sinh có cơ hội phát triển hiểu biết, phát triển tư duy suy luận, tư duy phê phán, óc sáng tạo. Người lớn (bao gồm giáo viên và phụ huynh,...) cần thay đổi nhận thức về vai trò của mình đối với việc học của đứa trẻ.
Người lớn nên đóng vai trò hướng dẫn, giảng giải, giúp đỡ hơn là "ra lệnh" hoặc "ban phát". Người lớn cần giúp đứa trẻ trở thành "chủ tịch" hay lớp trưởng tốt bằng cách giúp chúng hiểu đúng vai trò, nhiệm vụ, giúp chúng biết cách tổ chức các hoạt động có ích cho tập thể, biết cách rèn luyện bản thân để làm việc chứ không phải coi đó là gánh nặng phải hoàn thành.
Người lớn cũng giúp những đứa trẻ còn lại đưa ra tiêu chí và biết lựa chọn người hợp lí vào vị trí lãnh đạo mình. Nếu làm được những việc đó thì chẳng lo gì khi chúng lớn lên, vì chúng sẽ không còn thụ động, không còn lúng túng khi tham gia lựa chọn hay bầu cử, không bị mắc vào "tâm lí đám đông",....
Mỗi lớp học là một xã hội thu nhỏ. Vì vậy, khó có thể áp dụng tuyệt đối một giải pháp, một mô hình. Tôi cho rằng, cần nhìn vào điểm tích cực để hành động. Như thế sẽ giảm thiểu tối đa những bất cập.
Tôi cũng tin rằng, không thể mang lại giá trị giáo dục nếu thực hiện kiểu "xôi đỗ". Tính hệ thống không chỉ ở trong một lớp học, một nhà trường, một cấp học mà đòi hỏi cả xã hội cùng thực hiện, ít nhất là ở sự đồng thuận giữa gia đình và nhà trường.
TS Chu Cẩm Thơ, Sáng lập – tác giả Chương trình Toán POMATH, sáng lập – Chủ tịch Hội đồng khoa học Alpha school