Lớp trưởng tiểu học làm Chủ tịch: Xuất hiện nhiều "ban bệ" trong lớp học

(Dân trí) - Bên cạnh chức danh Chủ tịch Hội đồng tự quản học sinh, lớp học tiểu học còn có Ban Học tập, Ban quyền lợi, Ban Sức khoẻ, vệ sinh, Ban Văn nghệ, thể dục, Ban Thư viện, Ban Đối ngoại…

Theo dự thảo Thông tư mới, việc tổ chức lớp học, lớp học tiểu học sẽ có lớp trưởng, lớp phó hoặc Chủ tịch, phó Chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học. Mỗi lớp học có không quá 35 học sinh.

Chia sẻ từ thực tế đổi mới mô hình giảng dạy và việc lập ra các hội đồng tự quản trong mỗi lớp, hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn trường Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã áp dụng cho hay: “Việc áp dụng mô hình giáo dục mới vào lớp tiểu học giúp các em học sinh chủ động và sáng tạo hơn trong học tập. Bên cạnh đó, các thành viên trong nhóm cũng biết quan tâm, giúp đỡ nhau nhiều hơn.

Việc bầu hội đồng tự quản của mỗi lớp được thực hiện theo từng học kỳ, các em học sinh cũng thay phiên nhau đảm nhận các vị trí Chủ tịch, phó Chủ tịch hội đồng tự quản”.

Mô hình lớp học tiểu học mới sẽ có nhiều ban bên cạnh chức cụ chủ tịch, phó chủ tịch.

Mô hình lớp học tiểu học mới sẽ có nhiều ban bên cạnh chức cụ chủ tịch, phó chủ tịch.

“Việc đưa những yếu tố của hội đồng tự quản vào lớp học nhằm xây dựng sự tự chủ, chủ động và dân chủ ở học sinh ngay từ lứa tuổi nhỏ. Các em được tham gia bầu chọn và đảm nhiệm các vai trò trong lớp học để tăng sự tự tin và trách nhiệm công việc”, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Đống Đa (Hà Nội) cho biết.

Tuy nhiên, ở góc độ ngược lại, không ít các lãnh đạo trường tiểu học lo ngại rằng: “Học sinh lớp 2 mà gắn vào vai chủ tịch, phó chủ tịch e là quá sức so với độ tuổi, suy nghĩ của các cháu”.

Bên cạnh đó, một số hiệu trưởng lại băn khoăn về việc điều lệ trường tiểu học bao lâu nay đưa ra con số chuẩn là 35 HS/lớp, nhưng thực tế tại các thành phố lớn cho thấy trường đạt chuẩn thì vất vả giữ con số này, trường chưa chuẩn thì phải “đội" sĩ số HS lên hơn 50 em/lớp.

Đặc biệt mô hình trường học mới khi đưa vào thực tế vẫn còn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc có nên tạo “quyền lực” cho học sinh mới hơn 6 tuổi.

Mô hình nhà trường tiên tiến

Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho hay, mô hình lớp học tiểu học mới có tên Dự án GPE-VNEN, Global Partnership for Education - Viet Nam Escuela Nueva là một Dự án về sư phạm nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam.

Theo đó, mô hình của trường học mới, quản lí lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh”, các “ban” trong lớp, do học sinh tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm. Sự thành lập cũng như hiệu quả hoạt động của “Hội đồng tự quản học sinh”, các “ban” rất cần sự tư vấn, khích lệ, giám sát của giáo viên, phụ huynh, sự tích cực, trách nhiệm của học sinh. “Hội đồng tự quản học sinh” là một biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập, giáo dục. Học sinh có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn các kĩ năng lãnh đạo, kĩ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động.

Hội đồng tự quản là do học sinh, với sự hướng dẫn của giáo viên tự tổ chức và thực hiện. “Hội đồng tự quản học sinh” bao gồm các thành viên là học sinh. Hội đồng tự quản được thành lập là vì học sinh, bởi học sinh và để đảm bảo cho các em tham gia một cách dân chủ, tích cực vào đời sống học đường; khuyến khích các em tham gia một cách toàn diện vào các hoạt động của nhà trường, phát triển tính tự chủ, sự tôn trọng, bình đẳng, tinh thần hợp tác và đoàn kết của học sinh.

Tổ chức Bộ máy Hội đồng tự quản học sinh bao gồm: 1 Chủ tịch Hội đồng tự quản học sinh, 2 phó Chủ tịch Hội đồng tự quản và các ban tham gia Hội đồng tự quản (Ban Học tập, Ban Quyền lợi, Ban Sức khoẻ, vệ sinh, Ban Văn nghệ, thể dục, Ban Thư viện, Ban Đối ngoại…).

Quá trình thành lập Hội đồng tự quản học sinh: Thành lập Hội đồng tự quản học sinh đòi hỏi phải có sự tham gia của giáo viên, học sinh, khuyến khích phụ huynh và các tổ chức khác cùng tham gia. Giáo viên cần chuẩn bị về tư tưởng cho học sinh khi các em tham gia Hội đồng tự quản, những lợi ích có thể có của Hội đồng tự quản học sinh tới cuộc sống của chính các em trong nhà trường những vai trò, trách nhiệm mà các em cùng chia sẻ, gánh vác.

Trước bầu cử

Sau khi hoàn thành bước chuẩn bị về tư tưởng cho học sinh, giáo viên cùng học sinh thảo luận về cơ cấu Hội đồng tự quản thông thường là 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch. Tuy nhiên số lượng phó chủ tịch tuỳ vào đặc điểm của mỗi lớp, trường học khác nhau. Học sinh, dưới sự định hướng của giáo viên trao đổi về những phẩm chất, năng lực cần có của các bạn trong Hội đồng tự quản. Sau đó học sinh lập danh sách ứng cử và danh sách đề cử để bỏ phiếu bầu Hội đồng tự quản học sinh. Ban kiểm phiếu cũng là học sinh, bao gồm trưởng ban và một số thành viên khác, dưới sự hướng dẫn của giáo viên tiến hành kiểm phiếu.

Các học sinh trong danh sách ứng cử, đề cử sẽ có thời gian để chuẩn bị phần ứng cử của mình với nội dung: Giới thiệu về bản thân, những mong muốn của em về lớp học, những việc em sẽ làm nếu như em trở thành Chủ tịch Hội đồng tự quản. Đây là một hoạt động nhằm tạo điều kiện cho học sinh được cảm thấy dân chủ, công bằng, bình đẳng và được học cách thuyết trình trước đám đông.

Bầu cử

Một học sinh dưới sự hỗ trợ của giáo viên sẽ điều hành bầu cử. Các ứng cử viên lần lượt tranh cử bằng các bài thuyết trình đã được chuẩn bị trước. Giáo viên lưu ý không để học sinh cầm giấy đọc mà chủ động thể hiện khả năng thuyết trình của mình. Ban kiểm phiếu làm việc sau khi các ứng cử viên đã thuyết trình xong. Học sinh nào có số phiếu cao nhất từ trên xuống sẽ trúng cử vào vị trí Chủ tịch và phó Chủ tịch Hội đồng tự quản học sinh. Chủ tịch và Phó Chủ tịch ra mắt trước lớp.

Thành lập các ban chuyên trách

Chủ tịch và phó Chủ tịch Hội đồng tự quản học sinh cùng bàn bạc với giáo viên để quyết định thành lập các ban chuyên trách và thông báo rõ về vai trò của các ban như: Học tập, sức khoẻ và vệ sinh, quyền lợi học sinh, lao động, thư viện... Số lượng các ban tuỳ theo tình hình lớp học và sự thống nhất giữa Chủ tịch, phó Chủ tịch Hội đồng tự quản và học sinh trong lớp quyết định.

Hội đồng tự quản cùng giáo viên chủ nhiệm, có sự hỗ trợ của phụ huynh khuyến khích học sinh đăng kí vào các ban theo nguyện vọng, sở thích. Sau khi thành lập các ban, tiến hành bầu trưởng ban, thư kí và xây dựng kế hoạch hành động, động viên các bạn cùng tham gia hoạt động. Để làm việc có hiệu quả, mỗi ban nên có sự hỗ trợ, tư vấn của một phụ huynh và giáo viên.

Lê Tú 
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm