Lớp trưởng thành Chủ tịch: Bộ Giáo dục lên tiếng
(Dân trí) - Trước nhiều ý kiến trái chiều về dự thảo Điều lệ trường tiểu học có quy định chức danh lớp trưởng tiểu học thành chủ tịch Hội đồng tự quản, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã lên tiếng giải thích về vấn đề này.
Trao đổi với báo chí về sự giống và khác nhau giữa chức danh lớp trưởng và chủ tịch hội đồng tự quản, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Điều lệ đề cập đến việc thành chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản là xuất phát từ thực tiễn triển khai mô hình trường học mới nằm trong khuôn khổ dự án Trường tiểu học mới (VNEN).
Có thể hình dung lớp học cũng như một tổ chức có các nhóm học khác nhau, ban khác nhau văn nghệ, thể thao, đối ngoại, học tập trong nhà trường, lớp học. Cả nhà trường là một xã hội và đó là một phần của xã hội hiện tại. Chúng ta quan niệm học sinh được học trong nhà trường chính là học sinh đã sống, học tập và làm việc trong xã hội nhưng là một phần của xã hội.
Thứ trưởng Hiển giải thích, lớp trưởng trước đây nhiều khi đứng ra thay giáo viên theo dõi, đôn đốc việc học hành của các thành viên trong lớp, theo dõi các bạn đi học muộn, không học bài. Giờ lớp trưởng không làm thay việc này nữa, mà chính các thành viên trong lớp bảo ban, bình bầu, theo dõi, giám sát lẫn nhau.
Trước đây khi có công việc tập thể giáo viên đứng ra tổ chức phân công, lớp trưởng đôn đốc các bạn thực hiện và chỉ hạn chế ở một số nội dung. Nay với hội đồng tự quản chính các em đứng ra tổ chức, bàn bạc với nhau, thậm chí đề xuất nguyện vọng để thông qua hội đồng tự quản báo cáo với giáo viên, đoàn đội, báo cáo phụ huynh học sinh. Thậm chí, một số nơi các em còn báo cáo với lãnh đạo địa phương và được địa phương, nhà trường, tổ chức đoàn thể tiếp thu, lắng nghe và hướng dẫn các em thực hiện cho hiệu quả.
Điều này nhằm mục đích chính không phải là để nhẹ việc cho giáo viên, cho nhà trường mà tăng khả năng tự chủ tự quản, sinh hoạt cùng nhau, trao đổi góp ý lẫn nhau của học sinh, tăng kĩ năng sống cho các em.
Chức danh của hội đồng tự quản lớp học không có bất cứ một quyền lợi gìDự thảo thông tư mới của Bộ GD-ĐT quy định về việc lớp học bậc tiểu học sẽ có chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản đang "dậy sóng" dư luận. Bạn có đồng ý với quy định đó? | ||||
| ||||
Trao đổi với Dân trí, Bà Trần Thị Thắm - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học – Bộ GD-ĐT giải thích thêm: “Mô hình trường học mới thay đổi toàn diện các hoạt động sư phạm của nhà trường theo hướng dân chủ hoá: hoạt động dạy học theo kiểu truyền thụ một chiều từ thầy sang trò được thay thế bằng thầy hướng dẫn, tổ chức, khuyến khích cho học sinh tự học để chiếm lĩnh tri thức.
Quan hệ giữa các học sinh chuyển từ tình trạng lớp trưởng, tổ trưởng giúp giáo viên theo dõi, đánh giá các bạn trong lớp, trong tổ sang quan hệ hợp tác, học tập và sinh hoạt chủ yếu theo nhóm/ lớp, các em được tự quản lý, điều hành sinh hoạt tập thể… Vì vậy, các bài học và các hoạt động trải nghiệm của học sinh ở trường, ở nhà, ở cộng đồng là hài hoà, thống nhất, hướng tới phát huy tính chủ động, sáng tạo, năng động, tự tin, hợp tác… của học sinh. Một trong những điểm nổi bật là việc cho phép học sinh bình bầu hội đồng tự quản”.Theo bà Thắm, những nơi đã thực hiện mô hình trường học mới (áp dụng hoàn toàn hoặc một phần mô hình này) thì có thể hướng dẫn học sinh bầu hội đồng tự quản, với chủ tịch, các phó chủ tịch.
Ngoài ra, trong lớp còn có các ban như ban tuyên truyền, ban học tập, ban lễ tân. Học sinh được bầu chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban không do giáo viên áp đặt mà do học sinh tự ứng cử, tập thể bình bầu theo nhiệm kì.
Các em học sinh trong hội đồng tự quản cũng không chỉ tuân thủ các yêu cầu của giáo viên chủ nhiệm một cách cứng nhắc như vai trò của lớp trưởng, lớp phó của các lớp học truyền thống mà các em có thể đề đạt lên giáo viên, lên nhà trường các ý kiến thu thập từ các bạn hoặc ý kiến cá nhân về các hoạt động của trường, của lớp, về cách thức tự quản, điều hành lớp/ban, góp ý cho các bạn.
Trong mô hình này, thầy, cô giáo và phụ huynh chỉ đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ. Đây là cách để học sinh tự tin, năng động, có trách nhiệm với tập thể và cá nhân mình, biết hợp tác giúp đỡ lẫn nhau.
Trên thực tế, chúng ta có thể hỏi bất cứ phụ huynh nào có con từng được học mô hình trường học mới đều thấy, không có chuyện “nhen nhóm lòng háo danh” như một số người đề cập đến. Nói như vậy là chúng ta đang áp đặt quan điểm, suy nghĩ thông thường của người lớn vào con trẻ mà không hiểu bản chất vấn đề. Các chức danh của hội đồng tự quản lớp học không có bất cứ một quyền lợi gì mà chỉ đơn giản là vị trí mà học sinh tự bầu lên để cùng nhau quản lý lớp học, cùng học tập, hoạt động trong bầu không khí dân chủ" - bà Thắm nhấn mạnh.
Bà Thắm cho hay, cũng giống như ở Thông tư 30, lúc đầu cũng có ý kiến cho rằng học sinh trong lớp bình bầu nhau trong việc khen thưởng rất dễ gây tranh cãi… Tuy nhiên trên thực tế thì hoàn toàn lại không như vậy. Nhiều địa phương có cách làm rất hay trong việc để cho học sinh bình bầu nhau dưới sự giám sát của giáo viên chủ nhiệm.
VNEN là mô hình đã thực hiện thành công ở nhiều nước và được Bộ GD-ĐT tổ chức thí điểm tại 1.500 trường tiểu học đầu tiên cách đây 3 năm. Năm học 2014 - 2015 trên cả nước có gần 2.500 trường tiểu học thực hiện chương trình này. Năm học 2015 -2016 dự kiến có trên 3.500 trường tiểu học tình nguyện tham gia. |
(Email: hungns@dantri.com.vn)