Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội:

Từ “Chủ tịch” không có gì xa vời với học sinh

(Dân trí) - “Mọi người cần hiểu đơn giản từ Chủ tịch Hội đồng tự quản. Ta phải hiểu cụm từ đó mềm đi, có quy định chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng tự quản, giúp giáo viên thế nào... thì từ “Chủ tịch” không có gì xa vời với học sinh”.

Trao đổi với Dân trí, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đã có những chia sẻ về tổ chức lớp học theo hình thức Hội đồng tự quản trên cơ sở thực tế 58 trường tiểu học của Hà Nội đang triển khai.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, khi Bộ GD-ĐT triển khai thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) ở Trường tiểu học Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì, Hà Nội), bản thân Phó giám đốc Phạm Xuân Tiến cũng chưa đánh giá cao mô hình này. Chỉ khi trực tiếp về chứng kiến sự mạnh dạn, tự tin của học trò trong giao tiếp… ông mới thực sự bất ngờ và bắt đầu đặt niềm tin vào mô hình VNEN.

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội.
Ông Phạm Xuân Tiến - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội.

Ông Tiến chia sẻ, cách đây hơn 2 năm, Bộ triển khai thí điểm trường học mới ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Lúc đó, dư luận tập trung hai vấn đề. Một là, Nếu học theo VNEN thì học sinh “tự bơi”? Đến thời điểm này, điều đó được chứng minh, đúng học sinh đã "tự bơi", nhưng không những "bơi" được mà còn "bơi" giỏi. Việc "tự bơi" dư luận cho rằng khó khăn nhưng thực ra là rất tốt. Có nghĩa là khi chuyển từ học sang tự học đã thấy rõ trong mô hình VNEN. Học sinh ngồi học theo nhóm, trao đổi, thảo luận, lĩnh hội kiến thức hoàn toàn hợp lý và các em làm được điều đó.
 
Hai là tổ chức bộ máy của lớp học, mọi người bàn nhiều mô hình tự quản, trong đó có Chủ tịch Hội đồng tự quản, Phó Chủ tịch Hội đồng tự quản, các Ban, rồi nhóm... mọi người đều rộ lên và có nhiều ý kiến băn khoăn về việc giao cho học sinh làm quản lý quá sớm. Nhưng đến thời điểm này, cơ cấu trong lớp học, trong một Hội đồng tự quản hoàn toàn hợp lý, học sinh làm việc rất tốt và rất có trách nhiệm.
 
Trẻ nhỏ “tự bơi” được

Như ông chia sẻ ở trên, thực tế đã chứng minh được rằng trẻ nhỏ đã “tự bơi” được khi được học theo mô hình trường tiểu học mới. Vậy yếu tố nào làm nên sự thay đổi này?

Ông Phạm Xuân Tiến: Trước hết chúng ta cần phải nhìn nhận, ở mô hình VNEN thì sách được viết theo hướng học sinh có thể tự học được. Chương trình thì vẫn như cũ nhưng cách viết sách thì thay đổi.

Nếu nói học sinh "tự bơi" thì không hẳn như thế. Vì học sinh tham gia quá trình học tập có sự hỗ trợ của giáo viên. Còn về quản lý, phải hiểu rộng khái niệm quản lý. Không phải chỉ có chữ ký, có con dấu mới là quản lý. Do đó, từ nhỏ, đã phải dạy cho trẻ nếu đã ra một quyết định có tác động đến người khác thì trẻ phải suy nghĩ, lựa chọn để ra quyết định. Chính vì điều đó, rất cần trong mô hình này. Từ thực tiễn, từ nhóm trưởng, khi làm việc gì đó, đã phải nghĩ đến việc ý kiến phải hợp lý để mọi người cũng làm, cùng nghe. Các Ban cũng thế, Chủ tịch Hội đồng tự quản cũng vậy, ý kiến đưa ra phải hợp lý để cho các bạn trong lớp cùng thực hiện. Vấn đề ở chỗ, trong quá trình làm như vậy, các nhóm trưởng được luân phiên, các ban cũng luân phiên, Chủ tịch Hội đồng tự quản cũng luân phiên và các em nhìn nhau để học.

Đừng nặng nề khi gắn chức “Chủ tịch”

Hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc gắn chức “chủ tịch” cho trẻ nhỏ rất dễ dẫn đến sự háo danh?

Ông Phạm Xuân Tiến: Theo quan điểm của tôi thì mọi người cần hiểu đơn giản từ "Chủ tịch".

Trên thực tế, đã gọi là Hội đồng tự quản thì chức vụ phù hợp nhất là Chủ tịch Hội đồng tự quản. Ta phải hiểu cụm từ đó mềm đi, có quy định chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng tự quản, giúp giáo viên thế nào... thì từ "Chủ tịch" không có gì xa vời với học sinh.

Một tiết tập huấn giáo viên trong mô hình trường tiểu học mới của Hà Nội 
Một tiết tập huấn giáo viên trong mô hình trường tiểu học mới của Hà Nội 

Trên thực tế, tất cả những lớp, những trường thí điểm mô hình VNEN thì các em đều làm rất tốt, rất tín nhiệm. Bản thân tôi khi đi thăm những lớp đó, tôi có hỏi em nào thích làm nhóm trưởng thì các con đều giơ tay. Hỏi tại sao thì các em nói làm nhóm trưởng để cố gắng học tập và làm nhóm trưởng để bảo ban và giúp đỡ các bạn trong học tập. Khi tôi hỏi lớp mình có bạn nào có mong muốn làm Chủ tịch Hội đồng tự quản thì cũng có nhiều cánh tay giơ lên. Và nếu muốn nhiệm kỳ sau được bầu thì các em trả lời là gương mẫu, tích cực giúp đỡ bạn bè để bạn bè tín nhiệm em. Như vậy chính HS nhận thức được vấn đề đó. Điều đó còn giúp đứa trẻ nhận thức trách nhiệm không chỉ với bản thân mà với bạn bè trong lớp.

Nên tôi cho rằng, việc bố trí, sắp xếp cơ cấu một lớp học theo mô hình tự quản là hoàn toàn hợp lý. Có chăng là người lớn đang áp suy nghĩ của mình vào suy nghĩ của con trẻ. Suy nghĩ của trẻ con rất đơn giản, người lớn áp suy nghĩ của mình vào làm cho việc đó trở nên nặng nề. Ở hội đồng tự quản thì dân chủ hơn rất nhiều so với mô hình lớp cũ. Nhưng suy nghĩ của tôi, nhóm trưởng các ban được luân phiên nhau, các em được làm và ý thức được trách nhiệm với bản thân mình và bạn bè rất quan trọng.

Bên cạnh đó, cũng phải nói, với những em có cá tính, hay bộc lộ điều gì đó thì giáo viên phải có trách nhiệm điều chỉnh, các bạn trong lớp cũng phải góp ý.

Dư luận đặt câu hỏi trái chiều, có phải chăng do dư luận chưa hiểu, chưa được tiếp cận với mô hình trường học mới?

Ông Phạm Xuân Tiến: Theo tôi đúng là như vậy. Ngành mới chỉ đang thí điểm mô hình VNEN nên hiện nay khá nhiều phụ huynh học sinh, người dân chưa biết đến điều này và cũng chưa biết cách tổ chức trong lớp học của mô hình VNEN. Do đó, khi thay đổi lớp trưởng thành chủ tịch hội đồng tự quản người ta thấy ngỡ ngàng, đột biến. Nhưng với phụ huynh đang có con học tại mô hình VNEN thì người ta không bỡ ngỡ với việc tổ chức trong lớp học.

Nhưng đáng lẽ ra những việc này là của giáo viên, việc học sinh tham gia quá sớm sẽ làm mất thời gian ảnh hưởng đến học tập của các em?

Ông Phạm Xuân Tiến: Nếu mất quá nhiều thời gian thì chúng ta cần phải xem xét lại. Tuy nhiên thực tế cho thấy, những việc này không mất quá nhiều thời gian của các em. Mà các em cùng tham gia, cùng tổ chức các hoạt động để thông qua đó các em sẽ thấy được việc mình làm đem lại cho chính bản thân và các bạn một ý nghĩa nhất định.

Ngay cả Chủ tịch Hội đồng tự quản cũng không phải bỏ việc học để làm công việc của lớp. Vì công việc đó đồng thời với diễn biến hoạt động của lớp kể cả hoạt động học tập và các hoạt động khác. Chính việc làm đó giúp các em nâng cao năng lực bản thân, ý thức và trách nhiệm để làm tốt được, các em phải học tốt hơn các bạn, làm tốt hơn các bạn. Việc này lại được luân phiên, các bạn nhìn vào nhau để học tập.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hùng (thực hiện)