Làm đầu bếp cũng lên đỉnh vinh quang
Là người Việt đầu tiên trở thành Tổng bếp trưởng trong hệ thống khách sạn quốc tế 5 sao khi mới ngoài 40, Nguyễn Công Chung có cơ hội đi hàng chục nước để giới thiệu món ăn Việt ra thế giới. Anh trở thành niềm mơ ước của nhiều người trẻ trong nghề.
Khi đàn ông đứng bếp
Anh nhớ lại những tháng ngày mới đi tập sự mới thấm thía cái vất vả của nghề. Bếp ở quán bia nhỏ bé, nóng bức, làm việc suốt 14 tiếng đồng hồ (từ 9 giờ sáng đến 11 giờ đêm) mới được nghỉ ngơi.
Bù lại, Chung tiến bộ rất nhanh trong nghề và được một nhà hàng Ấn Độ mời về làm đầu bếp. Có kinh nghiệm, anh lại thử sức với cuộc thi tuyển đầu bếp của 2 khách sạn nổi tiếng tại Hà Nội là khách sạn Daewoo và khách sạn Sofitel Metropole.
Trúng tuyển cùng lúc cả hai nơi, anh lựa chọn khách sạn Sofitel Metropole để đầu quân và cùng lúc làm thêm ở một nhà hàng trên phố Nhà Thờ. 8 năm sau, nhờ kinh nghiệm, tay nghề vượt bậc, anh được tuyển thẳng về làm việc ở khách sạn quốc tế 5 sao Sheraton Hanoi trong vai trò bếp phó, phụ trách bếp tiệc.
Năm 2013 anh được đề bạt làm Tổng bếp trưởng và trở thành Tổng bếp trưởng người Việt đầu tiên trong hệ thống khách sạn quốc tế 5 sao của Tập đoàn Starwood.
Tuổi trẻ, sức khỏe, niềm đam mê có thừa, anh tâm sự, ngoài thời gian đứng bếp ở khách sạn, nhà hàng, về nhà, những lúc nghỉ ngơi, anh lại tranh thủ mày mò thử nghiệm các món ăn mới.
“Trên một công thức cơ bản, nguyên liệu cơ bản, ai cũng có thể nấu được món ăn nhưng chế biến món ăn luôn có hương vị mới, khách không cảm thấy nhàm chán là một thử thách với người làm nghề”, anh chia sẻ.
Bài học đáng nhớ từ tổng thống Bush
Những năm làm đầu bếp ở khách sạn Sofitel Metropole, anh đã được đi hàng chục nước từ châu Á đến châu Âu để giới thiệu món ăn Việt. Anh nhớ, có lần, anh được cử sang Nhật Bản 6 tháng để giúp một tổ chức xây dựng cửa hàng món ăn Việt tại TP Tokyo.
Anh tâm sự: “Những món ăn đầu tiên anh nấu trên đất Nhật rất Việt Nam như phở bò, bún chả, phở cuốn, bún bò Huế…lại được lòng thực khách”. Thực đơn mở rộng hàng chục món ăn, khách đến quán ngày một đông cũng là lúc anh truyền lại được kinh nghiệm cho đầu bếp ở Nhật. Anh ví: “Ở đâu có bếp Việt, ở đó có hương vị quê nhà, giúp người Việt xa xứ vơi đi nỗi nhớ quê hương”.
Nhiều năm liền, anh được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch mời đi các nước để tham gia chương trình giao lưu văn hóa, giới thiệu các gian hàng ẩm thực Việt Nam. Anh cùng các đầu bếp Việt đã thể hiện được sự tinh tế, đặc sắc và hương vị riêng của món ăn Việt để khoe với bạn bè quốc tế.
Một kỷ niệm khó quên trong đời làm nghề đầu bếp của anh, đó là một lần sang Pháp. Sau khi ăn thử món ăn anh nấu, một phụ nữ Việt đã bật khóc. Bà nói với anh, món ăn của anh làm bà nhớ Hà Nội, nhớ quê hương bởi bà định cư đã chục năm nay chưa có dịp về thăm quê. Lúc chia tay bà còn nói thêm, năm tới nhất định bà sẽ đưa các con trở về Việt Nam.
Làm việc nhiều năm trong khách sạn quốc tế 5 sao, anh có cơ hội được phục vụ các đoàn khách nguyên thủ quốc tế. Năm 2007, khi đó anh đang là bếp phó. Nhóm bếp của anh được giao lo bữa ăn cho đoàn khách đặc biệt là Tổng thống Mỹ G.Bush nhân chuyến thăm Việt Nam.
Khi họp, các đầu bếp dưới sự chỉ huy của Tổng bếp trưởng người nước ngoài thống nhất lên thực đơn toàn các món châu Âu để phù hợp với khẩu vị của Ngài Tổng thống. Khi đoàn ăn xong, Tổng thống Bush đã bày tỏ lời cảm ơn tới các đầu bếp và có chia sẻ đại ý rằng: “ở Mỹ ông đã được ăn những món tương tự”. Có nghĩa, vị tổng thống này đến Việt Nam mà vẫn không biết được món ăn Việt.
Từ đó, anh rút ra được bài học, khi tiếp khách quốc tế, ngoài thực đơn phù hợp khẩu vị hàng ngày của họ, cần phải đan xen những món đặc trưng của Việt Nam để giới thiệu ẩm thực Việt. Dĩ nhiên là phải tinh tế và chất lượng.
Mới đây, khi có cơ hội phục vụ các đoàn khách nguyên thủ quốc tế, anh đã xen vào thực đơn các món như: Phở, bún cuộn tôm, bánh cuốn…đều được khách khen ngợi. “Có một nguyên thủ khi đến thăm Việt Nam gần một tuần lễ, sáng nào ông cũng yêu cầu một bát phở khiến cả tổ bếp rất vui”, anh tâm sự.
Người truyền nghề
Trong vai trò Tổng bếp trưởng, không chỉ có trách nhiệm truyền nghề cho lớp đàn em mà mỗi khi có cơ hội gặp gỡ lớp thanh niên trẻ tại các trường THPT, anh luôn có những chia sẻ đầy thuyết phục.
Anh cho biết, nghề đầu bếp đem lại thu nhập cao nhưng phải chịu môi trường làm việc nóng bức, dầu mỡ. Để thành công đòi hỏi người đứng bếp phải kiên trì, tập trung, tinh tế và sáng tạo.
Dù không có nhiều thời gian dành cho gia đình, nhưng con cái anh luôn tự hào vì có bố là một đầu bếp giỏi. Mức thu nhập của nghề cũng giúp cuộc sống gia đình anh sung túc hơn. “Nghề nào cũng giúp ta bước chân đến đỉnh vinh quang nếu ta luôn nỗ lực hết mình”, anh Chung chia sẻ.
Theo Nguyễn Hà
Tiền phong