Bạn đọc viết:
Kỷ luật nghiêm người đứng đầu cơ sở xảy ra lạm thu, có được không?
(Dân trí) - Lạm thu vẫn là “nỗi đau nhức nhối” của ngành giáo dục. Bao nhiêu văn bản chỉ thị từ cấp trung ương đến cơ sở đã được công bố vẫn chưa đủ sức răn đe những vi phạm trong thu chi học đường.
Đọc bài viết “Bộ Giáo dục: Để chấm dứt lạm thu, phải kỷ luật nghiêm người đứng đầu cơ sở vi phạm”, bản thân tôi nhận thấy “thuốc” chữa căn bệnh lạm thu vẫn chưa được kê đơn đúng bệnh, đủ liều.
Vì sao ư?
Nhà nước chỉ quy định mức đóng học phí cố định và bắt buộc đóng bảo hiểm y tế, kêu gọi đóng bảo hiểm toàn diện. Vậy mà hàng chục khoản thu khác đã khai sinh bằng con đường “xã hội hóa giáo dục”. Lạm thu, tận thu chính là ở đây. Xã hội hóa giáo dục huy động sức dân vào công cuộc giáo dục của nước nhà là một chủ trương đúng đắn. Nhưng nó đang bị hiểu nhầm, thậm chí là cố tình hiểu sai để “vẽ” ra nhiều khoản thu “trên trời dưới đất”.
Hai chữ “tự nguyện” cùng Hội Cha mẹ học sinh đang bị lợi dụng triệt để nhằm công khai những khoản thu ngoài quy định cho phép của Bộ GD&ĐT. Phụ huynh có thật sự tự nguyện hay không khi mà số tiền nộp học đầu năm cho con đã lên đến 7 triệu, 10 triệu, 16 triệu đồng? Những con số ngất ngưởng khiến người ta choáng thật sự bởi vì cái giá “mua chữ” quá đắt!
Sự minh bạch trong thu chi có hay không khi mà mỗi năm đều trang bị mới ti vi, máy lạnh, quạt điện? Sự nhũng nhiễu của nhà trường có hay không khi một giáo viên đứng lớp “nài” thêm laptop sau khi phụ huynh đã đồng ý sắm máy chiếu?... Câu chuyện bi hài ấy những tưởng chỉ là hư cấu, vậy mà đáng buồn thay nó lại hiện hữu, trêu ngươi, nhức nhối!
Hội Cha mẹ học sinh đâu phải chỉ mỗi nhiệm vụ tiền nong, lại càng không phải là lá chắn của ban giám hiệu nhà trường trước những khuất tất trong thu chi. Cứ hễ có điều tiếng lạm thu, hiệu trưởng chỉ cần phẩy tay “do hội phụ huynh bột phát”. Vậy là xong ư?
Chính hai chữ “tự nguyện” là ổ khóa vạn năng cột chặt phụ huynh vào cái khó, cái khổ. Nêu cao khẩu hiệu “tự nguyện”, thế là chẳng vi phạm đạo đức nhà giáo! Lấy danh nghĩa “tự nguyện”, vậy là mặc nhiên hô hào, lấy ý kiến và thống nhất! Trước giấy trắng mực đen “Tất cả phụ huynh đều nhất trí với các khoản thu trên tinh thần tự nguyện”, công tác thanh kiểm tra của cấp trên nhẹ bỗng đi!
Đã đến lúc “cởi trói” cho phụ huynh học sinh thoát khỏi cái ách “tự nguyện” và trả ban đại diện cha mẹ học sinh về đúng vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình. Mất đi “tấm lá chắn” là hội phụ huynh, thiết nghĩ bất kỳ một vị hiệu trưởng nào dẫu có lòng tham không đáy đi nữa cũng phải chùn lòng, chùn bước!
Ý kiến của ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT rằng kỷ luật nghiêm người đứng đầu cơ sở vi phạm lạm thu thật sự làm nức lòng dư luận. Vậy mà kết thúc bài báo lại là lời khẳng định: “Tuy nhiên, trách nhiệm xử lý là trách nhiệm của địa phương, Bộ không có thẩm quyền để xử lý trực tiếp. Ở đây đòi hỏi trách nhiệm của chính địa phương phải được nâng cao hơn nữa, mạnh dạn kỷ luật nghiêm những người đứng đầu cơ sở vi phạm thì việc xử lý mới có thể dứt điểm được”.
Như vậy phải chăng quả bóng trách nhiệm đang được “đá” về phía địa phương?
Ngọc Hùng
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!